TS Phạm Hùng Tiến – Chuyên gia về đầu tư FDI chỉ ra rằng, các tỉnh Phía Bắc có giá trị xuất khẩu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước nhưng lại nằm ngoài nhóm 10 thu ngân sách lớn. Điều này phần nào cho thấy, phần nhận được từ các “kỳ tích” xuất khẩu mà doanh nghiệp FDI mang lại là không tương xứng, thậm chí là rất ít.
DN Việt khó khăn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt câu hỏi về sự “ngộ nhận”, “tự huyễn hoặc”, “tự ru mình” khi ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện thì khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập khẩu đến 89% giá trị linh kiện này.
Theo Tổng Bí thư, Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cung ứng cấp 1 thì có đến 55 là doanh nghiệp nước ngoài, tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp 1 thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải.
Tổng bí Thư nhấn mạnh, ông muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đáng nói, thực trạng này không chỉ diễn ra trong ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện nói riêng mà còn diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực có sự tham gia của khu vực FDI.
Từ góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, xuất khẩu là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, song doanh nghiệp nội địa hiện vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù duy trì xuất khẩu khá tích cực, song tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm.
“Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Dương cho hay.
Ông Dương cho biết tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước trong xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm, từ 59,5% năm 2005 xuống 55,1% năm 2015, và còn 52,0% năm 2020. Đáng chú ý, phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp ở trong nước trong xuất khẩu tăng với tốc độ chậm lại.
“Hiện doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sẵn mạng lưới, trong khi trình độ lao động trong nước thấp, doanh nghiệp thiếu kênh thông tin về chiến lược mua hàng của FDI và khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn hạn chế”, ông Dương nói.
Trình độ lao động trong nước thấp
TS Phạm Hùng Tiến – Chuyên gia về đầu tư FDI cho rằng, cần nhìn vào thực tế là các tỉnh nằm trong thủ phủ đầu tư FDI phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên đang có giá trị xuất khẩu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước nhưng lại nằm ngoài nhóm 10 thu ngân sách lớn nhất nước. Điều này phần nào cho thấy phần nhận được từ các “kỳ tích” xuất khẩu mà doanh nghiệp FDI mang lại là không tương xứng, thậm chí là rất ít.
“Việt Nam cần quan tâm thu hút đầu tư FDI để phục vụ thị trường trong nước, chứ không nên chạy theo các tập đoàn FDI chỉ hướng tới xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp FDI sản xuất phục vụ thị trường ngoài nước thì chúng ta rất khó thu được thuế. Họ đến Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, khi hết lợi thế họ sẽ dời nhà máy đi chỗ khác”, ông Tiến nêu vấn đề.
Tiến sỹ Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Vietnam nhận định, sau gần 40 năm phát triển doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp.
Để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Bình đề xuất: “Đã đến lúc Việt Nam cần phải đổi mới cách thức tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp”.
Từ thực tế, trong số các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, rất ít chính sách phát huy hiệu quả. Đổi mới thể chế, quy định pháp luật giúp cho con đường gia nhập chuỗi cung ứng thuận lợi hơn, rộng mở hơn. Do đó, tư duy hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần đổi mới, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp một cách trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.
Hiện nay, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại và đặc biệt là cơ hội mới bắt đầu xuất hiện, có sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực nội tại, phải vươn ra thị trường quốc tế và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài theo đúng nguyên tắc thị trường.
Đại diện Economica Vietnam cho rằng, việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nỗ lực này, theo ông Bình sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều nếu các điều kiện về mặt thể chế, môi trường kinh doanh, quy định pháp luật dễ dàng hơn, thuận lợi hơn cho quá trình nỗ lực tự thân của doanh nghiệp.
Chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, có giá trị gia tăng cao, tương lai của thế giới và cũng là tương lai của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ sắp tới, như công nghiệp bán dẫn, chip, năng lượng xanh, y tế, chăm sóc sức khoẻ….
Trong bối cảnh hiện nay, chính sách hỗ trợ phải theo hướng: trả lại không gian cho thị trường thông qua các biện pháp hỗ trợ. Nhiều biện pháp hỗ trợ hiện nay theo hơi hướng cho không, bao cấp, điều đó rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, trong thời điểm này cần điều chỉnh lại cách thức này.
Những chính sách mang tính bao cấp, hỗ trợ miễn giảm trong thời gian quá dài cũng nên thu hẹp dần quy mô hay về cường độ, để nền kinh tế vận hành theo đúng cơ chế thị trường, theo đúng quy luật vốn có của nó. Từ đó, doanh nghiệp cũng phải tuân theo quy luật thị trường, giúp cho thị trường phân bổ được nguồn lực trên nền kinh tế một cách tối ưu hơn, hiệu quả hơn. Cũng chính điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn.
T.P