Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn tái thiết lập mối quan hệ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng với những gì đã và đang diễn ra, khả năng đàm phán hạt nhân giữa hai bên là rất xa vời.

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6 năm 2018 đã gây chấn động cả thế giới. Từ sự thù địch kéo dài nhiều thập kỷ, hai nhà lãnh đạo đã ngồi lại với nhau, tạo ra những kỳ vọng lớn lao về một tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Họ đã trao đổi những cái bắt tay ấm áp và tuyên bố cam kết hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Thế nhưng, những kỳ vọng đó dần phai nhạt. Đặc biệt là sau hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội vào cuối tháng 2 năm 2019, mối quan hệ Mỹ – Triều không những không cải thiện, mà còn…đi xuống. Sau hội nghị, mọi thứ lại quay trở lại vạch xuất phát. Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình trong khi các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với nước này vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Những bất đồng không thể giải quyết giữa hai bên về việc dỡ bỏ trừng phạt đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân tiếp tục là nút thắt không thể tháo gỡ.
Một yếu tố quan trọng khiến các cuộc đàm phán trở nên bế tắc chính là chiến lược của Triều Tiên. Dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, Triều Tiên đã tham gia các cuộc đàm phán quốc tế và thể hiện sự cởi mở về vấn đề hạt nhân, nhưng ai cũng thấy, chương trình hạt nhân của Triều Tiên không chỉ là một vấn đề an ninh quốc gia mà còn là một biểu tượng của quyền lực.
Kim Jong Un luôn khẳng định bảo vệ đất nước và chế độ là ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên, và họ không thể từ bỏ những gì đã đạt được trong chương trình hạt nhân mà không có những đảm bảo chắc chắn về an ninh từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ Mỹ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng khiến Triều Tiên không thể đơn giản dừng lại chương trình hạt nhân nếu không có những đền bù xứng đáng. Vì vậy, khả năng Triều Tiên sẽ sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân trong tương lai gần dường như là điều rất khó, nếu không nói là hoang tưởng.
Ngoài ra, tình hình khu vực cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc quyết định cho triển vọng một cuộc gặp gỡ giữa Trump và Kim Jong Un có thể xảy ra hay không. Sự hợp tác quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã khiến Triều Tiên cảm thấy căng thẳng hơn bao giờ hết, nhất là sau cuộc gặp hôm 7/2 của ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng. Việc các quốc gia này tăng cường quan hệ quân sự làm dấy lên lo ngại về một sự đe dọa đối với an ninh của Triều Tiên. Ông Kim Jong Un đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng sự gia tăng hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ làm tình hình căng thẳng thêm, đồng thời tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ phát triển hơn nữa lực lượng hạt nhân của mình để đối phó với mối đe dọa này.
Về phía Mỹ, ông Trump tái đắc cử và tiếp tục thúc đẩy chính sách đối thoại trực tiếp với Triều Tiên khiến Washington phải đối mặt với một chính sách đối ngoại phức tạp. Không chỉ liên quan đến Mỹ và Triều Tiên, các cuộc đàm phán hạt nhân còn liên quan nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Vậy thì, liệu có thể hy vọng vào một cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Kim Jong Un trong tương lai gần không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo có thể tạo ra những dấu ấn, nhưng thực tế cho thấy, giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là một quá trình dài hơi, phức tạp, không thể đạt được một sớm một chiều do sự thiếu vắng lòng tin, sự khác biệt về lợi ích quốc gia cũng như những thách thức từ các yếu tố bên ngoài…Bình Nhưỡng sẽ chỉ chấp nhận đàm phán nếu có những điều kiện rõ ràng về sự bảo vệ an ninh quốc gia và cam kết về phát triển kinh tế. Trong khi đó, Mỹ không thể chấp nhận bất kỳ một thỏa thuận nào mà không có sự từ bỏ vũ khí hạt nhân rõ ràng từ phía Triều Tiên.
Như vậy, một cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Kim Jong Un về vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhiều khả năng chỉ là một viễn cảnh xa vời, một giấc mơ không thể thành hiện thực.
T.V