Friday, April 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhai thác cát, rút ruột dòng sông: Hiểm họa được báo trước?

Khai thác cát, rút ruột dòng sông: Hiểm họa được báo trước?

Tình trạng khai thác cát, rút ruột các dòng sông là hệ quả của việc buông lỏng quản lý nhà nước cũng như chồng chéo lợi ích giữa các Bộ, ngành.

Tình trạng khai thác cát diễn ra ở nhiều nơi

Hệ lụy từ buông lỏng quản lý

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc khai thác cát ở nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định đây là hệ quả tất yếu của việc buông lỏng quản lý của nhà nước trong nhiều năm qua cũng như sự chồng chéo lợi ích giữa các Bộ, ngành, địa phương.

“Chúng ta đã đi ngược lại với quy luật tự nhiên của dòng sông. Hiện tượng khai thác cát trên nhiều dòng sông đã dẫn đến phá vỡ đệm cát đáy sông, được hình thành từ hàng trăm năm, gây ra hiện tượng xói lở bờ, bồi lấp các luồng lạch. Nguy hiểm nhất là đáy sông bị tụt xuống. Ví dụ đáy sông Hồng ở hạ lưu đã tụt xuống khoảng 2m, sẽ có tác động tới hiện tượng lún của Đồng bằng sông Hồng, và đồng nghĩa với việc nguồn nước ngầm của đồng bằng sẽ bị nhiễm mặn ở diện rộng. Đây là sai lầm trong việc quản lý nhà nước đối với các dòng sông”, ông Hồng nhấn mạnh.

Hiện tượng này, về sâu xa, bắt nguồn từ việc phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành trong việc quản lý các dòng sông bị phân tán manh mún, chưa thật hợp lý. Ví dụ, Bộ GTVT quản lý nạo vét, tạo luồng lạch cho vận tải thuỷ, Bộ Công Thương quản lý về tích nước để phát điện, Bộ NNPTNT quản lý về việc lấy nước để tưới ruộng và xả nước để tiêu cho các cánh đồng. Còn Bộ TNMT tuy có chức năng quản lý các dòng sông, song thực chất không đủ năng lực quản lý tổng hợp, nên thực chất chỉ đi sâu vào việc kiểm soát chất lượng nước và đánh giá tiềm năng nguồn nước. 

Sự phân công này của nhà nước, nếu xét về nguyên tắc quản lý nhà nước có vẻ hợp lý. Song trong thực tế, các Bộ ngành làm việc riêng rẽ, không có sự chắp nối, liên kết với nhau dẫn đến sự chồng chéo. Nói một cách khác, thiếu sự chỉ huy thống nhất của nhà nước. Nhận xét này đã được tổ chức quốc tế UNDP ở Việt Nam nêu lên khi đi khảo sát về quản lý nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long  cách đây trên 10 năm.

Về phía các địa phương cũng được giao quyền nhưng chủ yếu có tính chất quản lý trong địa phận. Khi xảy ra hiện tượng sạt lở tỉnh yêu cầu dừng lại nhưng doanh nghiệp dựa vào sự cho phép của Cục đường thủy, của Bộ GTVT nên không chấp hành”, ông Hồng nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng nhắc đến vấn đề dư luận đề cập nhiều thời gian qua, đó là lợi ích nhóm đằng sau việc cát tặc lộng hành tại nhiều địa phương.

Ông Hồng cho rằng, trong chừng mực nào đó, những nghi ngại của người dân là có cơ sở. Vị chuyên gia thừa nhận, khi các Bộ, ngành buông lỏng, không có sự tập trung quản lý thì hệ quả tất yếu là xuất hiện các nhóm lợi ích. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp lợi ích của các bên không dung hòa được với nhau khiến người dân hiểu theo chiều hướng tiêu cực.

“Trong câu chuyện khai thác cát, cũng là vì lợi ích cục bộ nên gây mâu thuẫn. Chẳng hạn như: Bộ NNPTNT có nhiệm vụ chống sạt lở đất ở các lưu vực sông để không ảnh hưởng đến hệ thống các cống nước, hay các trạm bơm. Vì vậy Bộ này sẽ không đồng ý với các kế hoạch khai thác cát chứa nhiều rủi ro. Trong khi Bộ GTVT lại muốn khoét lòng dẫn để cho tàu thuyền đi được. Đó là lợi ích của ngành giao thông. 2 việc này không thể dung hòa được”, ông Hồng chia sẻ.

Phải lập lại quy hoạch cát

Trước ý kiến cho rằng Bộ GTVT không nên cấp phép khai thác cát, nạo vét luồng sông, biển mà nên nhường quyền lại cho các địa phương, GS Hồng khẳng định đây chưa phải là giải pháp triệt để.

Theo ông Hồng, việc giao 1 phần quyền cho tỉnh, thành phố chủ yếu là để các địa phương cùng tham gia quản lý. Tuy nhiên đứng về hệ thống quản lý hành chính, chúng ta không thể làm được điều này. Bởi lẽ mỗi ngành có một chức năng riêng do đó nhiều việc thuộc chứng năng, nhiệm vụ của Trung ương thì các địa phương không có đủ trình độ, chuyên môn để xử lý.

“Chúng ta phải nhớ lại bài học đê Yên Phụ. Thời điểm năm 1994-1995, xảy ra tình trạng lấn chiếm chân đê Yên Phụ để xây nhà trái phép, vi phạm hành lang đê nghiêm trọng. Khi đó giữa Bộ Thủy lợi  và UBND TP Hà Nội đã không có được sự thống nhất về quản lý. Bộ Thủy lợi cho rằng chỉ có có chức năng quản lý nhà nước về an toàn đê, còn thành phố Hà Nội lại cho rằng có thẩm quyền cho phép xây nhà trên đê. Tình hình trên buộc Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải đứng ra chỉ đạo chung. Cả Hà Nội và Bộ Thủy lợi cùng phải kiểm điểm xem ai có lỗi. Sau khi xem xét Thủ tướng đã kỷ luật một Cục trưởng và một Giám đốc Sở. Thực sự đối với dòng sông, theo tôi chỉ có nhà nước quản lý chứ không nên để Bộ, tỉnh nào quản lý cả”, ông Hồng dẫn chứng.

Từ thực tế trên, vị chuyên gia đề nghị, Chính phủ phải yêu cầu lập quy hoạch nhu cầu về cát và lập quy hoạch sử dụng, khai thác cát. Từ đó, các Bộ, ngành, các tỉnh sẽ đưa ra quy hoạch của riêng mình rồi báo cáo lên Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

“Khi có các số liệu cụ thể từ các Bộ, ngành, địa phương Thủ tướng sẽ tập hợp lại và giao cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư, dưới sự chủ trì một Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực xây dựng, kiểm tra lại nhu cầu. Nếu hợp lý thì đồng ý cho thực hiện còn trường hợp số liệu đưa ra quá nhiều so với thực tế thì yêu cầu Bộ, ngành giải trình lại để cân đối với quy hoạch. Trước đây khi còn làm Thứ trưởng Bộ NNPTNT, tôi cũng thường yêu cầu địa phương làm như vậy”, ông Hồng đề xuất.

RELATED ARTICLES

Tin mới