Đó là lời khuyên của chính quyền Bắc Kinh. Lời khuyên ấy nhằm mục đích khơi dậy lòng tin của dân chúng vào công cuộc cải cách của Đảng và chính phủ Trung Quốc.

Những năm gần đây, nhất là trong năm 2024 vừa trôi qua một cách nặng nề, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng không giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác, kể từ khi Trung Quốc thực hiện mở cửa với thế giới.
Điều mà ông Tập Cận Bình lo nhất là gánh nợ nần chồng chất. Dù đã gồng mình với nhiều chiến lược, mục tiêu, giải pháp, thế nhưng mọi nỗ lực ứng phó của Bắc Kinh đều bất lực. Họ không thể bám vào những giải pháp cơ bản đã từng mang lại kết quả mĩ mãn trong quá khứ. Hàng thập niên, các địa phương đã liều vay những khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào các dự án phát triển hoành tráng. Công bằng mà nói thì các dự này đã giúp người dân có việc làm và thu nhập, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, giao thông.
Cho đến cuối năm 2024, tính chung, tổng số nợ từ các khoản vay đã lên tới hơn 7 nghìn tỷ USD. Trước thực tế này, chính quyền Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu muốn làm ăn được với đối tác thì “phải bí mật thông tin”, bằng cách hạn chế quyền truy cập dữ liệu về thị trường và nền kinh tế. Cụ thể, dừng việc công bố số liệu thất nghiệp ở thanh niên (khi con số này đạt mức cao kỷ lục). Thay vào đó sẽ sử dụng một “phương pháp thống kê mới” nhằm giảm con số thất nghiệp.
Để chống tâm lý hoang mang, bất lợi về một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, Trung Quốc cảnh báo các nhà kinh tế chớ nên so sánh công khai giữa các vấn đề của Trung Quốc với sự sụp đổ của bong bóng bất động sản do nợ của Nhật Bản vào những năm 1980. Đây là một nguồn áp lực đè nặng lên nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc trong suốt nhiều thập niên.
Tuy nhiên, mưu kế đó chỉ là cách tỉa ngọn, cắt cành, không phải là giải pháp từ gốc.
Chỉ tính riêng về khủng hoảng bất động sản đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản thế chấp, nhưng nguy cơ vỡ nợ ở Trung Quốc được giảm đến mức thấp nhất nhờ hệ thống tài chính được kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề là ở chỗ, liệu Bắc Kinh có đủ nguồn lực tài chính để “giật gấu vá vai”, giữ cho tình hình khỏi sa vào tồi tệ hơn?
Tuy đã khuyên can, thậm chí cấm đoán, nhưng các nhà khoa học, các nhà kinh tế Trung Quốc vẫn không ngại nói rõ sự thật để cứu nguy cho con tàu sắp đắm. Ngày 24/11/2024, nhà kinh tế trưởng của Đông Bắc Chứng Khoán, ông Phó Bằng, tại thành phố năng động Thượng Hải, đã có bài phát biểu mang tên “Tổng kết cuối năm 2024 và triển vọng 2025 – Đối phó rủi ro so với hạ cánh mềm”. Tiếp đó, ngày 13 /12, nhà kinh tế trưởng của Quốc Đầu Chứng Khoán, Cao Thiện Văn lại có bài phát biểu kéo dài hơn một giờ tại Hội nghị chiến lược đầu tư năm 2025 của Quốc Đầu Chứng Khoán ở Thâm Quyến.
Chuyên gia Phó Bằng chỉ ra rằng, hiện nay Trung Quốc đang có nhu cầu thấp, và với sự suy giảm của tầng lớp trung lưu, các biện pháp cứu kinh tế của chính phủ đã không còn hiệu quả như năm 2008. Ông phân tích, trong những năm qua, kinh tế trong nước không cho phép nói rằng không ổn, “ai nói không ổn thì người đó là kẻ phản động, ai nói không ổn thì người đó không yêu nước”. Thế nhưng mọi người đã quá sợ hãi, không dám nói sự thật. Vì lẽ đó, tất cả thông tin phản hồi trở thành sai lầm, khiến cho cấp quyết định cũng đưa ra những phán đoán sai lầm. Điều ấy thật là tồi tệ.
Còn chuyên gia Cao Thiện Văn thẳng thắn chỉ ra rằng: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ năm 2021 đến 2024 đã bị đánh giá cao hơn tổng cộng 10%. Trung Quốc đã mất đi 47 triệu lao động ở các đô thị. Xã hội Trung Quốc đang tồn tại một hiện tượng kỳ lạ với “những người cao tuổi tràn đầy sức sống, thanh niên thì u ám, và những người trung niên thì tuyệt vọng”.
Tuy Bắc Kinh luôn yêu cầu tăng cường đấu tranh, mở rộng không gian phản biện, khuyến khích nói thẳng, nói thật, nhưng làm lộ “bí mật kinh tế” thì phải nghiêm cấm. Bài phát biểu của các chuyên gia Phó Bằng và Cao Thiện Văn đã thu hút sự chú ý, được thảo luận rộng rãi trên mạng, nhưng sau đó, hai ông này đã “biến mất”. Cả hai bất ngờ mất liên lạc với bên ngoài, và tài khoản WeChat cũng như các tài khoản mạng xã hội khác của họ đã bị khóa. Hệ thống quản lý WeChat hiện lên thông báo: “Tài khoản của Cao Thiện Văn vi phạm “quy định sử dụng” của nền tảng này”.
Báo cáo của công ty truyền thông Nam Phương cũng cho biết, nội dung bài phát biểu của Phó Bằng đã bị xóa trên mạng Trung Quốc. Tài khoản video của ông trên WeChat mang tên “Thế giới tài chính của Phó Bằng” bị cấm theo dõi.
Lời khuyên “Các nhà kinh tế không nên… nói thật” đã khiến nhiều người e ngại. Thế nhưng sau hai chuyên gia vừa nêu vẫn còn các nhà kinh tế chân chính không đồng ý việc bóp nghẹt thông tin của chính quyền Bắc Kinh. Họ cho rằng, có thẳng thắn thừa nhận, nói ra sự yếu kém để sửa chữa, khắc phục thì mới mở cửa, phát triển được.
H.Đ