Sự kiện tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan chỉ ba tuần sau khi Trump tái nhiệm không chỉ là một thông điệp chiến lược, mà còn là phép thử phản ứng của Bắc Kinh trong giai đoạn cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng.

Ngày 12/2/2025, Hải quân Mỹ xác nhận hai tàu của họ – khu trục hạm USS Ralph Johnson và tàu khảo sát USNS Bowditch – đã thực hiện chuyến đi qua eo biển Đài Loan, từ ngày 10 -12/2. Đây là lần đầu tiên Mỹ điều tàu qua khu vực này kể từ khi Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1.
Chuyến đi của hai tàu chiến Mỹ diễn ra trong một hành lang quốc tế, nơi mà Mỹ nhiều lần khẳng định rằng tất cả các quốc gia đều có quyền tự do đi lại theo luật pháp quốc tế. Bắc Kinh đã nhanh chóng triển khai lực lượng giám sát chặt chẽ, điều 7 tàu hải quân và 30 máy bay chiến đấu đến khu vực này. Bắc Kinh cũng cáo buộc Washington đang “phát đi tín hiệu sai lầm” và “làm gia tăng căng thẳng” trong khu vực.
Động thái trên không bất ngờ. Trung Quốc từ lâu đã coi eo biển Đài Loan là một trong những khu vực nhạy cảm nhất về an ninh; xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Trong khi đó, Washington tiếp tục duy trì chính sách “mập mờ chiến lược” – không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, nhưng vẫn hỗ trợ mạnh mẽ về quốc phòng.
Chính quyền Đài Bắc đã theo dõi sát sao sự kiện này và lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã triển khai các biện pháp giám sát và phối hợp với các đối tác để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, trước sự đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, vị thế của Đài Loan ngày càng trở nên mong manh.
Việc tàu Mỹ đi qua eo biển Đài Loan có thể củng cố niềm tin của Đài Bắc vào sự hỗ trợ từ Washington, nhưng lại làm gia tăng nguy cơ đối mặt với các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan, bao gồm việc điều động máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này.
Việc Mỹ điều tàu qua eo biển Đài Loan chỉ ba tuần sau khi Trump trở lại Nhà Trắng không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đây có thể là một phép thử đối với phản ứng của Bắc Kinh, cũng như là một tuyên bố khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã thực hiện một chính sách cứng rắn với Trung Quốc, từ thương mại đến quân sự. Ngay khi có kết quả bầu cử cuối năm 2024, dư luận đã cho rằng, việc tái đắc cử của một nhân vật khó lường như ông Trump thể báo hiệu một giai đoạn đối đầu mới giữa hai cường quốc. Không chỉ có eo biển Đài Loan, các khu vực khác như Biển Đông hay Biển Hoa Đông cũng có thể trở thành điểm nóng.
Câu hỏi đặt ra là: thời gian tới, liệu Mỹ có tiếp tục gia tăng tần suất và quy mô các hoạt động tự do hàng hải hay không? Nếu Washington tiếp tục điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan một cách thường xuyên hơn, cách thức phản ứng của Trung Quốc sẽ thế nào? Liệu Trung Quốc sẽ chỉ dừng lại ở mức giám sát và phản đối ngoại giao, hay sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn?
Dù chưa có dấu hiệu của một cuộc đối đầu trực tiếp, nhưng những sự kiện như vừa diễn ra luôn tiềm ẩn rủi ro tính toán sai lầm từ cả hai bên – điều mà Washington thời ông Biden luôn lo ngại. Nếu một vụ va chạm hoặc sự cố bất ngờ xảy ra giữa các lực lượng hải quân của Mỹ và Trung Quốc, tình hình có thể leo thang nhanh chóng.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không khoan nhượng nếu “lằn ranh đỏ” bị vượt qua. Điều này đặt ra một bài toán khó cho cả hai bên: làm sao để thể hiện sức mạnh mà không đẩy tình hình đến mức không thể kiểm soát?
Sự kiện này cũng đặt ra câu hỏi về thái độ của các đồng minh Mỹ trong khu vực. Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay Philippines sẽ phản ứng ra sao trước một chính sách đối đầu mạnh mẽ hơn của Washington với Bắc Kinh? Nếu các quốc gia này công khai ủng hộ Mỹ, điều đó có thể dẫn đến những đợt trả đũa kinh tế hoặc quân sự từ Trung Quốc. Nhưng nếu họ giữ khoảng cách, điều đó có thể khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc duy trì ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, kinh tế toàn cầu cũng có thể bị ảnh hưởng nếu căng thẳng Mỹ – Trung leo thang. Cả hai nước đều có sức ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và bất kỳ động thái đối đầu nào cũng có thể gây ra tác động dây chuyền đến các thị trường tài chính và thương mại quốc tế.
Từ các phân tích trên, các nhà quan sát cho rằng: sự kiện tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan là một “bài test” không chỉ với Trung Quốc mà còn với chính Washington. Tình huống này đặt ra những câu hỏi quan trọng về chiến lược của Mỹ dưới thời Trump 2.0 và cách Bắc Kinh sẽ phản ứng trong tương lai. Hiển nhiên, để trả lời câu hỏi đó, thay vì đoán già đoán non, đành chờ thêm thời gian vậy.
T.V