Nếu hồ tiêu được ví như “vàng đen” thì cà phê chính là “vàng nâu”. Các mặt hàng này đang trong cơn sốt giá và dự báo còn tiếp tục kéo dài khi các thương nhân Trung Quốc ào ạt sang VN “săn vàng”.

Muốn cùng VN đưa “vàng đen” đi khắp thế giới
Sáng 3.3, tại TP.HCM, Hội nghị quốc tế về hồ tiêu và gia vị VN – VIPO 2025, do Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPSA) tổ chức từ ngày 3 – 5.3 thu hút đoàn đại biểu 20 người đến từ Trung Quốc. Ông Mike Liu, Chủ tịch Hội Gia vị Trung Quốc, mở đầu bài phát biểu bằng câu hỏi và câu trả lời đi kèm: “Quý vị có biết vì sao chúng tôi có mặt tại đây hôm nay với số lượng đông đảo thế này? Vì VN là thủ phủ của cây hồ tiêu và gia vị thế giới. Chúng tôi đến đây để chuẩn bị ký MOU (biên bản ghi nhớ) với các bạn nhằm phát triển bền vững cây hồ tiêu VN. Chúng tôi muốn hợp tác với các doanh nghiệp (DN) VN để cùng nhau đưa hồ tiêu và cây gia vị VN ra toàn thế giới”.
Ông Mike Liu, cũng đồng thời là lãnh đạo một DN đang hoạt động tại Mỹ, thông tin: Người Mỹ có tiêu chuẩn Mỹ, Trung Quốc và VN cũng có tiêu chuẩn riêng của mình. Còn về thuế quan, Mỹ là nước nhập khẩu gia vị lớn nhất thế giới và hồ tiêu là một trong những sản phẩm thiết yếu của người tiêu dùng. Thế nên dù thế nào thì người Mỹ cũng phải nhập khẩu gia vị phục vụ thị trường. “Vấn đề của chúng ta là cùng nhau hợp tác để đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn từ thị trường để hàng hóa không bị hủy, trả. Vì thế, phải hợp tác cùng nhau từ cấp cơ sở – trang trại sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt nhất”, vị này đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Prakash Jhanwer, Giám đốc Tập đoàn Olam, phân tích: Thị trường bán lẻ sản phẩm gia vị ở Mỹ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Nếu trước dịch Covid-19, giá trị thị trường gia vị của Mỹ là 5 tỉ USD, hiện nay đã tăng lên 7 tỉ USD. Sự tăng trưởng của ngành gia vị do sự phát triển mạnh của thói quen nấu ăn tại nhà của người Mỹ. Bên cạnh đó là sự nở rộ của những xu hướng ẩm thực mới từ châu Á như VN, Trung Quốc, Thái Lan; đặc biệt là ẩm thực Mexico.
“So với gu ẩm thực truyền thống của người Mỹ thì xu hướng mới đến từ các nước kể trên sử dụng nhiều gia vị hơn, đó là lý do của sự bùng nổ ngành hàng này. Xu hướng này dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Thời gian qua, VN đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường từ những hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, VN cũng cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nhằm tạo ra thị trường cho nhiều năm tới chứ không phải chỉ 1 – 2 năm trước mắt”, lãnh đạo Olam lưu ý.
Trung Quốc, thị trường tiềm năng của cà phê
Trước đoàn DN hồ tiêu đến TP.HCM, vào tháng 10.2024, lãnh đạo quận Triều Dương (TP.Bắc Kinh) có buổi làm việc với Hiệp hội Cà phê ca cao VN (VICOFA) và mời các DN cà phê VN tham gia các lễ hội văn hóa cà phê quốc tế tại địa phương; đồng thời mở quán cà phê đầu tiên trên địa bàn quận. Lãnh đạo quận Triều Dương cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ ban đầu cho cửa hàng.
Theo các chuyên gia và DN, Trung Quốc là một thị trường giàu tiềm năng với cà phê. Những người trẻ ở xứ trà đang có xu hướng chuyển sang tiêu thụ cà phê, đặc biệt là sản phẩm cà phê chất lượng cao, cà phê hòa tan. Thị trường này đứng trước cơ hội bùng nổ khi các hoạt động thương mại cà phê đang được Trung Quốc đẩy mạnh. Nhận định này đã được chứng minh qua số liệu hải quan VN năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 24.000 tấn cà phê từ VN, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đạt 101 triệu USD, tăng 170%. Thị phần cà phê Việt tại Trung Quốc từ 9,44% năm 2023 tăng lên 12,62% trong năm 2024 và trở thành nguồn cung cà phê lớn thứ 3 sau Brazil và Colombia.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, cũng thông tin: Thị trường Trung Quốc, đặc biệt là ở Vân Nam trước giờ vẫn tiêu thụ mạnh sản phẩm cà phê arabica và các sản phẩm cà phê hòa tan. Thời gian qua, xuất khẩu cà phê của VN vẫn còn hạn chế do xuất khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các hoạt động chính ngạch đang ngày càng trở nên tích cực hơn. Các DN VN vẫn đều đặn tham gia hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thực phẩm và đồ uống hằng năm ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhờ vậy hoạt động xuất khẩu chính ngạch của VN liên tục tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2024 khi sản lượng xuất khẩu hầu hết các nước đều giảm nhưng Trung Quốc lại tăng mạnh.
Tính đến hết tháng 2, xuất khẩu cà phê VN đạt 284.000 tấn, giảm 28,4%; giá trị đạt gần 1,6 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.574 USD/tấn, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.
T.P