Trong một cuộc họp báo gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, hành động của Philippines ở Biển Đông không phải do nước này tự quyết, mà là một phần của “kịch bản do các thế lực bên ngoài viết ra” nhằm bôi nhọ Trung Quốc.

Có thể đây cũng là động thái khéo léo của Bắc Kinh nhằm dàn hòa với Manila. Nhưng thế lực bên ngoài là ai, ngoài Mỹ còn những quốc gia nào khác? Điều này chưa được nói đến trong các văn bản công khai của Trung Quốc. Nhưng chắc chắn có sự can dự của Mỹ, bởi trước hết là lợi ích của nước này trên “mỏ vàng lớn Biển Đông”, sau nữa là phục vụ cho sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc.
Philippines gần đây đã thực hiện cái mà nước này gọi là Sáng kiến minh bạch. Theo đó, cơ quan hữu quan cho phép các nhà báo tham gia các chuyến tuần tra và nhiệm vụ tiếp tế trên biển, nhằm làm sáng tỏ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cách tiếp cận này nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh của Manila, đặc biệt là Mỹ.
Gần đây tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines đang ngày càng căng thẳng, đặc biệt khi Manila áp dụng chiến lược minh bạch để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Việc cho phép nhà báo tham gia các chuyến tuần tra và tiếp tế không chỉ giúp Philippines thể hiện quan điểm của mình mà còn tạo áp lực ngoại giao lên Trung Quốc.
Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Philippines chịu ảnh hưởng từ “các thế lực bên ngoài” là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm bác bỏ các hành động của Manila. Trung Quốc thường xuyên chỉ trích sự can dự của Mỹ và đồng minh vào khu vực, cho rằng đây là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng.
Bàn về điều ông Vương Nghị nói đến “thế lực bên ngoài. Theo các nhà phân tích, có thể được hiểu đây là sự ám chỉ các quốc gia và tổ chức bên ngoài khu vực Biển Đông, nhất là Mỹ và các đồng minh của Philippines. Tuy nhiên, nếu nói cụ thể về chính quyền Trump thì chưa hẳn. Trên thực tế, Trung Quốc thường sử dụng cụm từ này để chỉ Mỹ nói chung, bất kể dưới thời tổng thống nào. Dưới thời Trump trong nhiệm kỳ 1.0 (2017-2021), Mỹ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông, thể hiện qua việc tăng cường hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và ủng hộ mạnh mẽ Philippines. Đến thời Biden, chính sách này vẫn tiếp tục, thậm chí còn có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh như Nhật Bản, Úc, và Anh.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, quan hệ Mỹ – Philippines ngày càng khăng khít, nhất là sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền. Thời kỳ này Manila đã mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ, cho phép Washington tiếp cận thêm nhiều căn cứ quân sự ở Philippines. Điều này khiến Bắc Kinh lo ngại và càng có lý do để đổ lỗi cho “các thế lực bên ngoài”.
Trở lại với Sáng kiến minh bạch của Philippines, mục đích chính của nước này nhằm vạch trần các thủ đoạn, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua báo chí và truyền thông quốc tế. Nội dung cụ thể của sáng kiến này bao gồm mấy sự kiện sau: Một là, mời các nhà báo tham gia các chuyến tuần tra, cho phép phóng viên trong và ngoài nước đi cùng lực lượng tuần tra biển của họ để ghi nhận trực tiếp các tình huống trên thực địa; hai là, công khai hình ảnh và video về hành động của Trung Quốc (tàu Trung Quốc chặn đường, sử dụng vòi rồng, hay thực hiện các động thái gây hấn với tàu Philippines; ba là, phối hợp với đồng minh để đưa thông tin ra quốc tế, những thông tin này có thể được sử dụng trong các cuộc họp của ASEAN, Liên hợp quốc hoặc các diễn đàn quốc tế.
Cùng với Sáng kiến minh bạch, Manila tăng cường chiến lược pháp lý và ngoại giao; nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc năm 2016, đã sổ toẹt yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc. Các giải pháp nêu trên đều hướng đến mục tiêu tạo áp lực quốc tế lên Trung Quốc, khiến Bắc Kinh khó tiếp tục các hành động đơn phương mà không bị chỉ trích.
Việc Philippines công khai các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, sử dụng hình ảnh vệ tinh, báo cáo sự cố trên biển và hợp tác với các đồng minh khác đã góp phần đáng kể nâng cao nhận thức toàn cầu về tình hình khu vực. Điều này góp phần củng cố lập trường của các nước ASEAN và các đối tác khác trong việc phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc.
Sáng kiến minh bạch giúp Philippines xây dựng quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với các nước ASEAN có chung lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật pháp, trong đó có UNCLOC-1982.
Tuy nhiên, khả năng thay đổi thực tế trên thực địa vẫn đang là điều khó khăn nhất. Chiến lược ngoại giao có thể giúp tăng cường áp lực chính trị, nhưng nó không thể trực tiếp ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trên thực địa. Họ vẫn sẽ duy trì lực lượng hải cảnh, dân quân biển và các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo như một lẽ… đương nhiên.
Thời gian tới, khả năng leo thang căng thẳng sẽ vẫn không dừng lại. Việc công khai các hành động của Trung Quốc có thể khiến chính quyền Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Manila. Áp lực ấy có thể đến từ các biện pháp kinh tế hoặc quân sự như cắt giảm thương mại, gia tăng tuần tra hoặc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Tạm sơ bộ kết luận, chiến lược ngoại giao và sáng kiến minh bạch của Philippines có thể là những hồi trống báo động, là tiếng kèn thức tỉnh, có tác động đáng kể đến nhận thức quốc tế và duy trì áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, tiếng trống tiếng kèn chưa vang vọng tới biển khơi.
Trên thực địa, những sáng kiến này khó có thể tạo ra thay đổi lớn nếu không đi kèm với các biện pháp răn đe quân sự hoặc hợp tác phòng thủ mạnh mẽ hơn.
H.Đ