Wednesday, April 2, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnUkraine bị Mỹ đề nghị trả lại viện trợ kèm lãi suất

Ukraine bị Mỹ đề nghị trả lại viện trợ kèm lãi suất

Giới chuyên gia nhận định Ukraine khó chấp nhận thỏa thuận khoáng sản phiên bản mới trong đó Washington muốn Kiev trả lại số tiền đã viện trợ và kèm theo lãi suất.

Ngày 23/3, Ukraine đã nhận được bản dự thảo từ Mỹ liên quan tới thỏa thuận chia sẻ doanh thu quy mô lớn về tài nguyên thiên nhiên của phía Kiev. Động thái này diễn ra sau 3 tuần mà 2 bên tạm dừng đàm phán sau vụ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tranh luận căng thẳng ở Nhà Trắng.

Cuối tháng trước, Ukraine và Mỹ đã có kế hoạch ký thỏa thuận khoáng sản nhưng vụ tranh cãi đã khiến điều này bất thành. Sau đó, Mỹ đã sửa các điều khoản trong dự thảo và điều này đặt Ukraine vào thế khó.

Đầu tiên, Mỹ từ bỏ cách tiếp cận hai giai đoạn trước đó. Vào cuối tháng trước, Mỹ dự kiến ký với Ukraine một thỏa thuận khung ban đầu để thiết lập các thông số chính trước khi một hiệp ước liên chính phủ chi tiết được ký kết. Với cách tiếp cận mới, Mỹ muốn ký thẳng một thỏa thuận đã chốt các điều khoản với Ukraine.

Theo European Pravda, Mỹ về cơ bản đã không còn sử dụng đề xuất thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, phiên bản này được đánh giá là khó chấp nhận với Ukraine khi làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và có thể cản trở tiến trình gia nhập EU của Kiev.

Phiên bản mới của dự thảo thỏa thuận bao gồm việc thành lập một quỹ đầu tư chung giữa Ukraine và Mỹ, trong đó Mỹ có quyền quyết định cao nhất. Quỹ này sẽ kiểm soát việc phát triển gần như toàn bộ tài nguyên khoáng sản của Ukraine, và Mỹ sẽ nhận lợi nhuận từ hoạt động này cho đến khi thu hồi số tiền viện trợ cho Ukraine năm 2022 tới nay.

Theo bản dự thảo mà truyền thông Ukraine tiếp cận được, thỏa thuận yêu cầu Ukraine hoàn trả toàn bộ viện trợ của Mỹ trước đây, tạo ra một khoản nợ hơn 120 tỷ USD với phía Kiev. Ngoài ra, theo dự thảo, khoản nợ này sẽ tăng 4% mỗi năm, giống như là lãi suất. Tiền thu được từ việc khai thác khoáng sản chung của Ukraine sẽ được trích ra để trả lại cho Mỹ.

Sau đó, phía Ukraine khẳng định rằng họ không coi những khoản viện trợ trước đó của Mỹ là nợ trong bất cứ thỏa thuận khoáng sản nào.

Điều này là dễ hiểu vì nếu Ukraine đồng ý với điều khoản này, nó sẽ mở ra “chiếc hộp Pandora”, có khả năng cao dẫn đến những yêu cầu tương tự từ các quốc gia khác từng viện trợ cho Ukraine.

Ngoài ra, bản dự thảo mà Mỹ gửi cho Ukraine không có bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Kiev.

Mặt khác, theo Telegraph, nếu Ukraine đồng ý với bản dự thảo này, con đường gia nhập EU của Kiev sẽ trở nên thách thức hơn bao giờ hết.

Theo dự thảo thỏa thuận, mọi dự án đầu tư mới liên quan đến phát triển tài nguyên của Ukraine hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng mới trước tiên phải được trình lên quỹ chung để xem xét. Điều này sẽ không tương thích với các yêu cầu của EU để tích hợp nền kinh tế Ukraine vào Liên minh châu Âu.

“Không có bất kỳ đảm bảo nào, không có điều khoản phòng thủ, Mỹ không cam kết điều gì. Người Mỹ có thể rút lui bất cứ lúc nào, còn Ukraine thì không. Tôi chưa từng thấy điều gì như vậy trước đây”, Alan Riley, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.

Theo các chuyên gia, Ukraine không thể ký thỏa thuận này vào thời điểm hiện tại với những điều khoản được xem là không có lợi cho Kiev.

Giới quan sát cho rằng, quốc hội Ukraine gần như sẽ bác bỏ một thỏa thuận như vậy, đồng nghĩa với việc nó sẽ không có hiệu lực hoặc sẽ bị hủy ngay lập tức. Điều này có thể làm trầm trọng thêm hậu quả chính trị cho Kiev cũng như mối quan hệ giữa Ukraine và Mỹ.

Tuy nhiên, việc từ chối thẳng thừng thỏa thuận cũng không phải là một lựa chọn, vì chính quyền ông Trump sẽ không hài lòng, có khả năng tiếp tục kéo theo những hệ lụy khó lường khác.

Cách tiếp cận khả thi duy nhất đối với Kiev là tiếp tục đàm phán nhằm đạt được một phiên bản tốt hơn cho phía Ukraine. Theo các nguồn tin trong chính phủ, mục tiêu của Ukraine là quay trở lại các điều khoản đã được nêu trong bản ghi nhớ dự kiến ký kết vào ngày 28/2.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới