Wednesday, April 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThương chiến Mỹ - Trung giữa nguy cơ 'chơi tất tay'

Thương chiến Mỹ – Trung giữa nguy cơ ‘chơi tất tay’

Chưa hết thời gian tối hậu thư, Mỹ đã bổ sung thêm 50% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả mức tương đương.

Tối qua (9.4, theo giờ VN), AFP dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đề cập khả năng loại bỏ cổ phiếu Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Mỹ nhằm đáp trả hành động “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh.

Quyết liệt “ăn miếng trả miếng”

Trước đó, Trung Quốc cùng ngày thông báo sẽ đánh thuế 50% để đáp trả mức tăng tương tự mà Mỹ áp dụng đối với hàng Trung Quốc. Tính tổng các thuế suất trước đó, hàng Mỹ sẽ chịu thuế 84% khi vào thị trường Trung Quốc.

Đây là hành động của Bắc Kinh nhằm đáp trả việc Washington cùng ngày tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Cụ thể, rạng sáng 9.4 (theo giờ VN), Mỹ công bố áp thuế thêm 50%, nâng tổng thuế suất lên 104%, đối với hàng hóa Trung Quốc. Washington đưa ra quyết định trên sau tối hậu thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, viết trên mạng xã hội Truth Social vào khuya 7.4 (theo giờ VN), Tổng thống Trump nêu: “Nếu Trung Quốc không rút lại mức tăng 34% thuế vào ngày mai (8.4), Mỹ sẽ bổ sung thuế đối với Trung Quốc là 50%, có hiệu lực từ ngày 9.4. Ngoài ra, tất cả các cuộc đàm phán với Trung Quốc liên quan các cuộc họp mà họ yêu cầu với chúng tôi sẽ bị chấm dứt!”.

Nhưng đáp trả tối hậu thư của Tổng thống Trump, Trung Quốc ngày 8.4 liên tục đưa ra các thông điệp cứng rắn. Giữa các diễn biến như vậy, dù thời hạn theo tối hậu thư chưa kết thúc, Nhà Trắng vẫn công bố tăng thêm 50% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc như cảnh báo Tổng thống Trump đưa ra.

Không những tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ, Trung Quốc còn có một loạt động thái khác: Ngừng hợp tác trong các chương trình liên quan kiểm soát việc kinh doanh trái phép liên quan chất fentanyl; hạn chế nhập khẩu nông sản từ Mỹ; áp đặt các hạn chế đối với nhập khẩu gia cầm của Mỹ; hạn chế các dịch vụ của Mỹ tại Trung Quốc như dịch vụ thiết kế, tư vấn, tài chính và pháp lý; cấm phim Mỹ; mở cuộc điều tra về các hoạt động sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ…

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên cùng ngày 9.4, Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đánh giá: “Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh trong nhiều năm đã chuẩn bị cho việc phân tách quan hệ thương mại với Washington. Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân theo chiến lược tăng cường hỗ trợ để bảo vệ nền kinh tế trong nước và tìm kiếm các thị trường thay thế cho thương mại và đầu tư”.

Những động thái trên của Mỹ và Trung Quốc đang dần tiến đến trạng thái “chơi tất tay” nhằm vào nhau.

Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) thông báo sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để ổn định nền kinh tế toàn cầu. Dấu hiệu này cho thấy các liên minh thương mại có thể phối hợp để phá vỡ vị thế của Mỹ. Tất nhiên, EU vẫn lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường của khối này.

Đòn bẩy của Trung Quốc

Trả lời Thanh Niên hôm qua (9.4), GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) đánh giá: “Trung Quốc không có nhiều chọn lựa để đàm phán với Mỹ. Bắc Kinh đáp trả thuế quan “ăn miếng trả miếng” với Washington bằng cả các chính sách từ đòn bẩy mà Trung Quốc có, như hạn chế xuất khẩu vật liệu đất hiếm và pin, đồng thời áp thuế nhằm vào thực phẩm của Mỹ”.

“Trung Quốc cũng đã bán một lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ, nhằm tác động thị trường tài chính Mỹ. Đó là một lời cảnh báo rõ ràng cho chính quyền của Tổng thống Trump về đòn bẩy mà Trung Quốc vẫn nắm giữ”, GS Sato chỉ ra.

Ông cho rằng: “Song song, Trung Quốc vẫn tìm kiếm đàm phán song phương với Mỹ, đồng thời cố gắng đẩy nhanh cuộc đàm phán thương mại tự do ba bên vừa được nối lại với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng đã bắt đầu trợ cấp mạnh mẽ cho các chương trình nghiên cứu và phát triển để tự chủ về công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn tiên tiến dùng để phát triển trí tuệ nhân tạo. Việc tận dụng Singapore để tiếp cận một số công nghệ cũng là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh để phát triển lĩnh vực chip bán dẫn của Trung Quốc”.

Tối qua, AFP đưa tin EU vừa thông qua biện pháp đầu tiên nhằm trả đũa việc bị Washington áp thuế bằng cách hướng đến mục tiêu hơn 20 tỉ euro hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ xuất khẩu vào khối nào. Việc áp thuế được thực thi đối với các mặt hàng như đậu nành, xe máy và các sản phẩm làm đẹp. Thuế suất sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 15.4. Tuy nhiên, EU cho biết các biện pháp trên có thể tạm ngưng nếu Mỹ đồng ý đàm phán công bằng.

Các khoản thuế trên của EU nhằm đáp trả thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm có hiệu lực vào tháng trước, chứ châu Âu chưa công bố hành động đáp trả thuế đối ứng của Tổng thống Trump.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới