Sunday, January 12, 2025
Trang chủThâm cung bí sửĐằng sau con đường làm quan của cháu nội Đặng Tiểu Bình

Đằng sau con đường làm quan của cháu nội Đặng Tiểu Bình

Cháu nội lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình mới đây đã nhậm chức Phó bí thư huyện ủy kiêm Bí thư thị trấn ở tuổi 31 tại tỉnh Quảng Tây.

Mao Tân Vũ (trái) và Đặng Trác Đệ

Con đường làm quan của cháu nội Đặng Tiểu Bình

Theo trang Phượng Hoàng (Trung Quốc), Đặng Trác Đệ, người được biết đến là cháu đích tôn của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, vừa được bổ nhiệm giữ chức Phó bí thư huyện Bình Quả, kiêm Bí thư thị trấn Tân An, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hôm 15/3.

Trước đó, Đặng Trác Đệ là Phó chủ tịch huyện Bình Quả, phụ trách các vấn đề cải cách, phát triển kinh tế, pháp luật, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo cùng các dự án lớn tại Bình Quả. Đặng được đánh giá là người “trí thức uyên bác, có năng lực, khiêm tốn, thận trọng và cầu tiến”.

Có bình luận nhận xét, so với Mao Tân Vũ, cháu nội lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, số lần xuất hiện trước báo giới của Đặng Trác Đệ “kém cạnh hơn hẳn”.


Đặng Trác Đệ, Phó bí thư huyện Bình Quả, Bí thư thị trấn Tân An, Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Phượng Hoàng)

Đặng Trác Đệ, Phó bí thư huyện Bình Quả, Bí thư thị trấn Tân An, Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Phượng Hoàng)

Theo các báo cáo, sau khi nhậm chức Phó chủ tịch huyện Bình Quả, thuộc thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây vào năm 2013 thường từ chối xuất hiện trước truyền thông.

Tháng 2/2016, trang điện tử Hội liên hiệp người tàn tật huyện Bình Quả có đăng tải thông tin về nhân vật “làm đâu chắc đó” Đặng Trác Đệ được bầu vào Ban thường vụ huyện ủy Bình Quả.

Trong danh sách này, tên của Đặng chỉ đứng sau Phó bí thư huyện ủy nên dư luận phỏng đoán, con đường đến với chức danh Chủ tịch huyện của Đặng sẽ không còn xa.

Bên cạnh đó, thông tin tại địa phương cho hay, có thể ông này sẽ giữ chức mới tại địa bàn khác trong năm 2016.

Có nguồn tin tiết lộ, cuối năm 2013, khi Bí thư đảng ủy Quảng Tây, Bành Thanh Hoa đến Bình Quả thị sát, Đặng Trác Đệ đã yêu cầu Bành đồng ý cho mình xuống cơ sở công tác.

Theo đó, đến tháng 2/2014, Đặng Trác Đệ được bầu vào Đại biểu nhân dân huyện Bình Quả.

Tháng 5/2015, báo Hữu Giang nhật báo của thành phố Bách Sắc có bài viết với Lãnh đạo thị trấn Tân An “nằm vùng cơ sở” lắng nghe ý dân, nhắc đến Đặng với chức danh là Bí thư thị trấn Tân An.

Theo thông lệ, đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, làm việc ở cấp cơ sở, nhất là tại các vùng nông thôn, là một trong những bước đi căn bản trong con đường thăng tiến về sau.

Một thế hệ – hai cuộc đời

Do Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là hai thế hệ “lãnh đạo hạt nhân” của Trung Quốc nên con đường thăng tiến của những hậu duệ như Đặng Trác Đệ và Mao Tân Vũ cũng thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông.

Đặng Trác Đệ sinh năm 1985 tại Mỹ. Bố là ông Đặng Chất Phương, là con út của Đặng Tiểu Bình. Ông này tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Lượng tử vật lý trường đại học Rochester, Mỹ. Vợ ông, Lưu Tiểu Nguyên tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Sinh vật vật lý cùng trường.

Mao Tân Vũ là cháu đích tôn của Mao Trạch Đông, sinh năm 1970 tại Bắc Kinh. Bố của Mao Tân Vũ là Mao Ngạn Thanh, con út của Mao Trạch Đông và mẹ là bà Thiệu Hoa, nguyên chủ tịch Hiệp hội nhiếp ảnh Trung Quốc.


Mao Tân Vũ, cháu nội Mao Trạch Đông trở thành Thiếu tướng năm 2010, khi mới 40 tuổi. (Ảnh: Chinanews)

Mao Tân Vũ, cháu nội Mao Trạch Đông trở thành Thiếu tướng năm 2010, khi mới 40 tuổi. (Ảnh: Chinanews)

Mao Tân Vũ từng theo học chuyên ngành lịch sử tại Đại học nhân dân Trung Quốc năm 1988. Sau học tại học viện Bộ lý luận và quân sự khoa học, thuộc Trường đảng trung ương Trung Quốc.

Mao tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2003 tại Học viện khoa học quân sự Trung Quốc.

Khi Mao Tân Vũ tốt nghiệp tiến sĩ năm 2003 thì Đặng Trác Đệ mới bắt đầu theo học chuyên ngành Pháp luật tại đại học Bắc Kinh. Sau đó, Đặng đi du học tại Mỹ và làm việc tại đây 2 năm, trước khi trở lại Trung Quốc đi theo con đường chính trị.

Giới phân tích đánh giá, Mao Tân Vũ “nổi” hơn Đặng Trác Đệ, do ông này đang nghiên cứu chính ông nội mình, lãnh tụ được Trung Quốc tôn thờ.

Hơn nữa, Mao Tân Vũ là đại diện tiêu biểu nhất cho “gia tộc khai quốc công thần” của Trung Quốc nên mọi hành động của Mao đều “lọt vào tầm ngắm” của giới truyền thông.

Phượng Hoàng trích dẫn, Mao Tân Vũ từng tâm sự: “Một số người cứ đem những ân oán của ông nội đổ dồn lên đầu tôi”.

Nếu như Đặng Trác Đệ phải “tình nguyện” về làm cán bộ cơ sở và “ẩn mình” trước truyền thông thì thành tích của Mao Tân Vũ lại vượt trội hơn hẳn.

Mao đã tham gia quân đội trong thời gian học Tiến sĩ nên sau khi tốt nghiệp vào tháng 7/2003, ông này được thăng hàm đại úy.

Đến tháng 7/2008 Mao được phân giữ chức Phó bộ trưởng Bộ chiến lược Học viện Khoa học quân sự.

Chức danh đầy đủ hiện nay của Mao Tân Vũ là Phó bộ trưởng Bộ lý luận chiến lược và nghiên cứu chiến lược học viện Khoa học quân sự, Ủy viên thường vụ Hội liên hiệp thanh niên, Ủy viên Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.

Năm 2010, ông này được thăng hàm thiếu tướng khi vừa 40 tuổi. Đây cũng là viên tướng trẻ nhất trong quân đội Trung Quốc.

Hiện nay, tại mỗi kỳ hội nghị Chính hiệp toàn quốc ĐCSTQ được tổ chức vào tháng 3 hàng năm, Mao Tân Vũ đều nhận được sự quan tâm của các phóng viên.

Truyền thông Trung Quốc không chỉ muốn tìm hiểu công việc và cuộc sống hàng ngày của hậu duệ Mao Trạch Đông mà còn muốn tìm hiểu quan điểm của Mao Tân Vũ về những vấn đề khác nhau của xã hội Trung Quốc hiện đại.


Đặng Tiểu Bình và Đặng Trác Đệ

Đặng Tiểu Bình và Đặng Trác Đệ

Đặng Tiểu Bình phủ nhận cháu nội mang quốc tịch Mỹ

Đặng Tiểu Bình có tất cả 4 người cháu, ngoại trừ Đặng Trác Đệ còn có 3 cháu ngoại khác.

Phượng Hoàng cho hay, theo luật pháp nước Mỹ, khi đứa trẻ được sinh trên đất Mỹ sẽ lập tức trở thành công dân Mỹ.

Ngay sau khi Đặng Trác Đệ ra đời, vợ chồng Đặng Chất Phương đã lập tức đưa con cùng về Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình nói rằng: “Ai nói cháu tôi là người Mỹ? Nó về Trung Quốc thì là người Trung Quốc”.

Dù cho Đặng Tiểu Bình đã đích thân phủ nhận nhưng dư luận Trung Quốc vẫn tin rằng, Đặng Trác Đệ có cả quốc tịch Mỹ.

Tháng 9/2014, khi phim tài liệu Chuyện về di vật của Đặng Tiểu Bình (tạm dịch) của Đặng Dung, con gái ông được công chiếu, Đặng Dung cũng đã phản bác lập luận này của các phóng viên.

Đặng Dung nói, Đặng Trác Đệ sinh ra tại Mỹ nhưng chưa từng có hộ chiếu Mỹ bởi sau khi sinh đã được làm hộ chiếu ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, khi vừa đầy tháng thì cũng được cha mẹ đưa về Trung Quốc.

“Có thế mọi người nghĩ sinh ra trên đất Mỹ sẽ là người Mỹ nhưng đây là sự hiểu lầm,” bà cho biết.

Xuất thân gia tộc tạo ra áp lực

Là cháu nội duy nhất của Đặng Tiểu Bình nên khi ông Đặng còn sinh thời, Đặng Trác Đệ thường được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc

Tác phẩm Tiểu Bình là mãi mãi (tạm dịch) của nhà xuất bản Nhân dân Tứ Xuyên, Trung Quốc từng nhắc đến, khi Đặng Trác Đệ vừa ra đời thì đã được đưa về sống bên Đặng Tiểu Bình.

Từ đó, mùa hè nào Đặng “cháu” cũng được đi tránh nóng ở Bắc Đới Hà, cũng là địa điểm diễn ra hội nghị thường niên bí ẩn nhất Trung Quốc giữa các thế hệ lãnh đạo cũ-mới của Trung Quốc.

Đặng Trác Đệ tự nhận rằng bối cảnh gia tộc đã tạo rất nhiều áp lực cho bản thân. Trong lễ kỷ niệm 110 ngày sinh Đặng Tiểu Bình tại Tứ Xuyên và Tây An năm 2014, Đặng Trác Đệ là đại diện cho gia tộc họ Đặng tham gia.

Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) mới đây gọi Đặng Trác Đệ là “hồng tam đại” – lớp hậu duệ thứ 3 của thế hệ cách mạng Trung Quốc đầu tiên, và nói rằng Đặng là người kế thừa sự nghiệp của Đặng Tiểu Bình.


Đặng Trác Đệ (đứng đầu tiên, hàng thứ 2) tham gia lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình tại Tứ Xuyên năm 2014. (Ảnh: Phượng Hoàng)

Đặng Trác Đệ (đứng đầu tiên, hàng thứ 2) tham gia lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình tại Tứ Xuyên năm 2014. (Ảnh: Phượng Hoàng)

RELATED ARTICLES

Tin mới