Friday, October 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBóng ma chiến tranh khi ẩn khi hiện

Bóng ma chiến tranh khi ẩn khi hiện

Từ cuối tháng 3 đến ngày 6/4, tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã ngang nhiên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế rồi sau hơn nửa tháng quấy rối trên biển, con tàu này buộc phải tháo lui.

Đây là lần thứ ba, những con tàu mang tên Hải Dương của Trung Quốc  “rước lửa” vào khu vực này, chủ yếu là vùng biển chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà  Bắc Kinh gọi là Tây Sa và Nam Sa, nơi mà họ xây dựng cái gọi là thành phố Tam Sa (!)

Cũng như tàu Hải Dương 981 (xâm nhập trái phép vào năm 2014), Hải Dương Địa chất 8 (năm 2019), lần này Hải Dương Địa chất 4 mở màn cuộc gây gổ với các nước trong khu vực Biển Đông ngay từ đầu năm 2023. Có điều thời gian mà Hải Dương Địa chất 4 lưu lại trên vùng biển nóng này ngắn hơn nhiều so với hai đợt xâm nhập trước đây. 

Vì sao Trung Quốc liên tục gây rối, mặc dù hai lần trước đây đều phải rút lui một cách bí ẩn, chẳng hiểu họ đã “thăm dò” được những gì? Nói như Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hôm 4/4 trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc: “Đây không phải là vấn đề không thể vượt qua”. Ông Ibrahim nói ngoại giao thế thôi. Câu này phải “dịch” thẳng ra rằng: Trung Quốc tiếp tục làm ngơ trước dư luận quốc tế, cố tình gây bão táp trên Biển Đông.

Các nước Việt Nam, Philippines cũng nêu vấn đề tương tự như vậy. Cụ thể, hôm 6/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời phóng viên báo chí quốc tế: “Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các quốc gia liên quan đàm phán, giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.

Còn Philippines thì trả lời những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc bằng việc làm cụ thể: xác định địa điểm của 4 căn cứ quân sự bổ sung mà nước này cho phép Mỹ tiếp cận. Sau đó Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội. Không làm gì được Manila, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đổ lỗi cho việc Mỹ triển khai quân sự trong khu vực, nói rằng điều này tạo ra rất nhiều bất ổn.

Trên đây là nói về những vấn đề cụ thể. Câu hỏi lớn cần có lời giải đáp là, lý do gì khiến cho Trung Quốc liên tục gây căng thẳng trên Biển Đông? Tại sao Tổ chức Khoa học và Tự nhiên Trung Quốc ngang ngược công bố danh sách 33 khu vực khảo sát thường xuyên, trong đó có một số tuyến bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam?

Trong khi đó Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Những hành động sai trái của Trung Quốc sẽ gây mất ổn định trên Biển Đông. Trước mắt là ảnh hưởng tới việc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên vùng biển quan trọng này. Những căng thẳng trên thực địa do Bắc Kinh gây ra tiếp tục  báo hiệu con đường chông gai cho đàm phán COC.

Cần thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc buộc phải rút Hải Dương Điạ chất 4 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Giống như trước đây họ buộc phải tuyên bố “đã hoàn thành nhiệm vụ” để đưa Hải Dương 981 và sau đó là Hải Dương Địa chất 8 ra khỏi vùng đang có tranh chấp.

Điều đầu tiên cần khẳng định là, Trung Quốc không thể trơ lì đến mức phớt lờ trước sức ép ngày càng lớn đến từ dư luận trong nước và quốc tế. Các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia… ngày càng thể hiện thái độ cứng rắn. Tại các diễn đàn quốc tế, các nước này đã bám sát luật pháp quốc tế, nêu bật lợi ích chung đối với tất cả các quốc gia khi có một môi trường hòa bình ở Biển Đông, nhằm thu hút sự ủng hộ quốc tế. Và không chỉ các nước trong khu vực, ở mức độ quy mô toàn cầu, các nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ấn Độ… vốn phụ thuộc vào tự do hàng hải đã lên tiếng, bày tỏ thái độ mạnh mẽ và kiên quyết.

Qua vụ việc tàu Hải Dương Địa chất 4 và các tàu khảo sát, thăm dò trước đó, cần đánh giá đúng bản chất hành động ngang ngược của Trung Quốc.  Mặc dù có thể Trung Quốc tiến hành thăm dò, hay hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chỉ là động thái “mơ hồ”, nhằm phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông, chứ không hẳn nhằm mục đích thăm dò khai thác dầu khí, tuy nhiên, không phải vì thế mà chủ quan.

Căn cứ vào diễn biến trên thực tế, có thể thấy rằng, họ đang hành động thật sự, theo một kịch bản được tính toán, xếp đặt lớp lang. Kịch bản đó nằm trong một kế hoạch tổng thể và đồng bộ, nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược là khống chế toàn diện, tiến tới độc chiếm Biển Đông trên mức chiến dịch.

Đừng bao giờ quên, Trung Quốc từng trơ tráo tuyên bố, nguồn tài nguyên dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông “đang bị các quốc gia khác chiếm đoạt, vơ vét và Trung Quốc cần phải giành lại” (!). Cho nên việc những con tàu khổng lồ le ve trên biển thật sự là  bóng ma chiến tranh khi ẩn khi hiện, nhiều bất trắc khó lường và thật sự nguy hiểm, bởi đó là một trong những mũi tiến công, một cuộc xâm lược mềm mà Trung Quốc đã tính toán rất kỹ lưỡng.

H.Đ  

RELATED ARTICLES

Tin mới