Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNợ công tăng nhanh, Việt Nam thêm lo sắp 'tốt nghiệp' ODA

Nợ công tăng nhanh, Việt Nam thêm lo sắp ‘tốt nghiệp’ ODA

Tháng 7/2017, World Bank sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam, phải chuyển chủ yếu sang nguồn vay ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường.

Thông tin trên được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản ý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA diễn ra hôm 22/3.

Theo ông Long, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, do đó, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt.

Nếu như giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn thì 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp, vừa vốn tài trợ vừa vốn thương mại kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc.

Theo lộ trình, đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (World Bank) sẽ tuyên bố chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam và phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% – 3,5%.

Ông Long cho biết, khoản vay dài nhất của Việt Nam có thời hạn đến năm 2055, bình quân thời gian các khoản nợ vay là 12,5 năm. Theo đó, yêu cầu đặt ra trước khi Việt Nam “tốt nghiệp” ODA vào năm 2017 là phải trả nợ nhanh theo từng khoản vay.

“Tôi tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất rơi vào khoảng năm 2022 – 2025, từ nay 2020 chưa phải là nhiều”, ông Long cho biết.

Hiện tại, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đang có chương trình làm việc với World Bank, sau đó là các tổ chức khác để đàm phán lộ trình và phương án trả nợ, hạn chế tối đa tác động của trả nợ nhanh tới ngân sách nhà nước để thực hiện cho vay lại và tránh “sốc” cho ngân sách khi tăng gấp đôi thời gian và chi phí

World Bank cũng đã cam kết với Việt Nam đưa ra phương án để đảm bảo tránh tác động nhiều đến nghĩa vụ nợ của Việt Nam, kể cả lâu dài và trước mắt.

Trong bối cảnh Việt Nam sắp “tốt nghiệp” ODA, nợ công đang ngày càng tăng nhanh. Trình bày báo cáo bổ sung tình hình kinh tế – xã hội 2015 trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sáng 21/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, vẫn còn thất thu, nợ đọng thuế, cơ cấu chi chưa hợp lý; chi thường xuyên tăng nhanh. Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%).

Chính phủ cũng nhìn nhận, việc sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu thấp. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn phức tạp.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng bày tỏ lo lắng khi một số bộ, ngành có thể sẽ không còn tiền đầu tư trong 5 năm tới nếu trong trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số vốn ứng trước. “Thậm chí sẽ không còn nguồn để khởi công mới như Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận…”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới