Wednesday, December 25, 2024
Trang chủThâm cung bí sửXâm chiếm Gạc Ma với thủ đoạn lợi dụng 'thời cơ chính...

Xâm chiếm Gạc Ma với thủ đoạn lợi dụng ‘thời cơ chính trị’

28 năm kể từ khi xâm chiếm Gạc Ma tháng 3-1988, những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa càng cho chúng ta nhận thức sâu sắn hơn bài học về thủ đoạn lợi dụng “thời cơ chính trị” hết sức nguy hiểm của Bắc Kinh để độc chiếm Biển Đông.

Hình ảnh tàu Trung Quốc hút cát để biến bãi ngầm đá Gạc Ma thành đảo nổi rộng đến 30 hécta

Thủ đoạn lợi dụng “thời cơ chính trị”

Đánh giá toàn bộ cục diện Trường Sa năm 1988, giới quân sự quốc tế cho rằng, cuộc tiến công của Bắc Kinh đánh chiếm đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là cuộc tiến công có chủ đích và được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng về mọi mặt.

Sau này, Phó chủ nhiệm Cục chính trị Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc Dương Chí Lượng (người trước đây cũng trực tiếp tham gia xâm chiếm Gạc Ma năm 1988) đã thừa nhận như vậy khi trả lời báo chí trong nước về sự kiện 14/3/1988. Theo các chuyên gia, trong cuộc tiến công xâm chiếm cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam, Trung Quốc đã chuẩn bị một kịch bản “hoàn hảo” hội tụ đủ cả 3 yếu tố: lực, thế và thời để giành thắng lợi.

Để chuẩn bị cho tiến công, hải quân Trung Quốc huy động hàng chục tầu chiến đấu hiện đại, trong đó có nhiều tầu tuần dương, tầu khu trục được trang bị ngư lôi, trọng pháo để tác chiến tầm xa. Phía hải quân Việt Nam chỉ có 3 tầu vận tải không vũ trang, các chiến sĩ chỉ trang bị vũ khí cá nhân, bảo vệ đảo với phương châm “không nổ súng trước”, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Mặt khác, do vị trí nằm cách xa nhau nên sự phối hợp chi viện chiến đấu từ các cụm đảo khác đối với cụm đảo này cũng rất hạn chế.

Với tương quan lực lượng và phương tiện chênh lệch quá lớn như vậy, hải quân Trung Quốc đã tạo một thế trận hoàn toàn áp đảo, làm chủ chiến trường và không mấy khó khăn khi bao vây, tiến công bắn cháy các tầu vận tải và sát hại 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam.

Hải quân Trung Quốc còn dã man ngăn chặn không cho tầu của Hội chữ thập đỏ quốc tế vào cứu thương binh Việt Nam- một hành động vi phạm trắng trợn Luật chiến tranh.  

Tuy nhiên, cốt lõi của cuộc tiến công này là thủ đoạn lựa chọn “thời cơ chính trị” thâm hiểm để Trung Quốc có thể ngông cuồng bất chấp luật pháp quốc tế sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu sau này đã chỉ rõ, Trung Quốc chọn thời điểm tiến đánh các đảo Trường Sa năm 1988 khi mà quan hệ Việt-Xô đang “ở mức thấp”. Năm 1978, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác; trong đó, quy định: “Trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công, thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai nước” (Điều 6).

Năm 1979, khi Trung Quốc tiến công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, Liên Xô đã tích cực giúp đỡ Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược. Từ năm 1985, thực hiện đường lối “cải tổ”, Liên Xô đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, đặt trọng tâm vào “quan hệ với các nước lớn” mà Trung Quốc là một ưu tiên. Trung Quốc coi đây là một “thời cơ chính trị” và đúng như dự đoán khi họ đánh chiếm các đảo ở Trường Sa Việt Nam, lực lượng hải quân Liên Xô khi đó vẫn đang đồn trú ở cảng Cam Ranh của Việt Nam hầu như “án binh bất động”.

Còn nhớ, năm 1974, Trung Quốc cũng đã tận dụng mối quan hệ “hữu hảo” với Mỹ để đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Thứ nữa, Trung Quốc cũng lựa chọn thời điểm tiến công “đắc lợi” khi mà tình hình thế giới, khu vực đang rất rối ren, có nhiều sự kiện chính trị diễn biến hết sức phức tạp, để làm “màn che” bản chất xâm chiếm của mình.

Thời gian đó ở châu Âu, trào lưu “dân chủ, tự do hóa theo mô hình Goóc-ba-chốp” như “cơn gió độc” đang làm cho tình hình chính trị của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu điên đảo, đẩy các nước này đứng trước nguy cơ bị sụp đổ.

Tận dụng cơ hội “ngàn vàng” này, Mỹ và phương Tây ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm giáng “đòn quyết định” loại bỏ Đảng Cộng sản và xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Ở châu Á, xung đột ở Áp-ga-ni-xtan, ở Căm-pu-chia…cũng đang ở thời điểm có những thay đổi mang tính “bước ngoặt”, thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới. Vì vậy, Trung Quốc tiến công xâm chiếm Gạc Ma của Việt Nam, cùng luận điệu “vừa ăn cướp vừa la làng” của nước này tuy bị dư luận quốc tế lên án phản đối, nhưng không nhiều và cũng sớm bị những sự kiện chính trị quốc tế “nóng” kể trên làm lu mờ.  

Như vậy, với thủ đoạn lợi dụng “thời cơ chính trị” một cách thâm độc, Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu là làm được “việc đã rồi” xâm chiến Gạc Ma, đảo có vị trí chiến lược trên bản đồ địa quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sâu xa hơn, Trung Quốc đã “hợp pháp hóa” từ một bên không có tranh chấp trở thành một bên có “tư cách pháp nhân” yêu sách chủ quyền ở Trường Sa; đồng thời, tạo một tiền lệ về một Trung Quốc “vương triều” có quyền đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực bất chấp luật pháp quốc tế, các cam kết mà Trung Quốc là một bên tham gia, để giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước khác trên Biển Đông. 

Cảnh giác với thủ đoạn đánh chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Nhiều nhà phân tích cho rằng, hơn 28 năm kể từ khi đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988, Trung Quốc vẫn đang ráo riết tiến hành một chiến lược xâm chiếm Biển Đông có bài bản, với lộ trình, bước đi được tính toán kỹ lưỡng, thâm hiểm, gồm 2 mặt trận kết hợp (có người gọi là chiến lược “song đao”): Mặt trận “dân sự hóa Biển Đông” là mặt trận có vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế pháp lý cho cái gọi là “chủ quyền không bàn cãi” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mặt trận “quân sự hóa Biển Đông” đóng vai trò quyết định để Trung Quốc hiện thực hóa yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông. Hai mặt trận này không tách biệt mà đan xen, bổ sung cho nhau, trong một kế hoạch chỉnh thể thống nhất, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp lớn nhất để bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong mặt trận “dân sự hóa”, Trung Quốc dùng con bài kinh tế gây chia rẽ và tận dụng những thời điểm ASEAN có sự thiếu thống nhất về vấn đề Biển Đông để thực hiện những bước “dân sự hóa” nhan hiểm trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình là năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ “Đường chín đoạn” (còn gọi là “Đường lưỡi bò”) liếm hơn 75% diện tích mặt nước của Biển Đông. Tiếp đó, năm 2012, Trung Quốc cho thành lập và tổ chức bầu cử cái gọi là Hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa (gồm Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa)…

Trung Quốc cũng điều động lực lượng kiểm ngư, hải giám thường xuyên tiến hành cái gọi là “chấp pháp” trên biển; tổ chức các hoạt động thăm dò, khảo sát, nghiên cứu khoa học biển; tự ý quy định vùng cấm đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; trên các đảo chiếm trái phép, Trung Quốc cho xây dựng các công trình dân sinh, nhà máy, cảng biển, các trạm hải đăng v.v, khiến dư luận rất bất bình, phản đối.

Trong mặt trận “quân sự hóa Biển Đông”, năm 1999, Trung Quốc đã lặp lại kịch bản Gạc Ma với Phi-líp-pin ở đảo Vành Khăn và bãi đá cạn Scarborough. Gần đây với Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Sen-ka-ku. Hiện nay, Bắc Kinh coi Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự trên Biển Đông trong chiến lược “xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương” là thách thức lớn nhất đe dọa đến mưu đồ “quân sự hóa” độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quân sự “diều hâu” của Trung Nam Hải cho rằng, chiến lược “xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ tuy là thách thức an ninh, nhưng cũng đồng thời là “thiên thời” mà Trung Nam Hải cần tận dụng để hợp thức hóa và đẩy nhanh tiến độ “quân sự hóa Biển Đông”.

Bởi vậy, năm 2011, khi mà Mỹ công bố chiến lược “xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương” cũng là thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh việc bồi đắp, tôn tạo các đảo mà họ chiếm trái phép ở Trường Sa. Trong số đó, Bắc Kinh dự kiến biến các đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Ga Ven thành những “pháo đài trên Biển Đông”, cho phép nước này nâng tầm tác chiến lên ít nhất là 1.500 km xuống Biển Đông. Theo các chuyên gia, sau khi hoàn tất hạ tầng quân sự trên các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam, Trung Quốc sẽ áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Khi đó Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế trong đối phó với Mỹ và có nhiều lựa chọn để gây sức ép với các nước khu vực trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Cũng cần thấy rằng, tuy thua kém Mỹ về quân sự, nhưng Trung Quốc hiện là “chủ nợ” tài chính lớn nhất của Mỹ.

Đây là con bài “độc” giúp Trung Quốc có thêm lợi thế trong cạnh tranh địa chính trị quốc tế với Mỹ. Mới đây, ngày 5-3-2016, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lớn tiếng tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng trên tất cả các mặt trận, với tất cả các kịch bản, nỗ lực để đảm bảo sức sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, kiểm soát trên biển cũng như trên không”.

Và rằng: “Trung Quốc sẽ tăng cường thực thi “pháp luật hàng hải”, bảo đảm tự do hàng hải, an ninh tại các vùng biển và sẽ “đối phó một cách thích hợp với các hành vi xâm phạm “chủ quyền Trung Quốc trên biển”. Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyên bố cứng rắn của ông Cường như một tín hiệu cho thấy thời gian tới, Trung Quốc sẽ kiên quyết, “mạnh tay” hơn trong tranh chấp chủ quyền với các nước ở Biển Đông.

28 năm đã trôi qua, bài học về Gạc Ma ngày 14/3/1988 vẫn còn nguyên giá trị. Những hành động ngang ngược mà Trung Quốc đang tiến hành ở Hoàng Sa và Trường Sa càng cho chúng ta thấm thía bài học này, phải luôn tỉnh táo, cảnh giác với những thủ đoạn nham hiểm lợi dụng “thời cơ chính trị”, bất chấp tất cả để sử dụng sức mạnh quân sự thực hiện mưu đồ thôn tính Trường Sa của nước ta.

RELATED ARTICLES

Tin mới