Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngPhilippines thành lập Tiểu ban công tác đặc biệt về Biển Đông

Philippines thành lập Tiểu ban công tác đặc biệt về Biển Đông

Thành viên của Tiểu ban này gồm quan chức cấp Thứ trưởng của gần 20 cơ quan Chính phủ, sẽ thống nhất quản lý vấn đề Biển Đông.

Thời báo Tự do Đài Loan ngày 24/3 cho hay, Phủ Tổng thống Philippines tối ngày 23/3 ra tuyên bố cho biết, Tổng thống Benigno Aquino thành lập “Tiểu ban công tác đặc biệt toàn quốc biển Tây Philippines” (Philippines gọi Biển Đông là biển Tây Philippines), thống nhất quản lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Tiểu ban công tác này do Cố vấn an ninh quốc gia Philippines làm Chủ tịch, các thành viên bao gồm quan chức cấp Thứ trưởng của gần 20 cơ quan Chính phủ Philippines như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Bảo vệ môi trường, Bộ Nội vụ và quân đội-cảnh sát.

Tuyên bố cho biết: “Tổng thống sẽ thông qua Cơ quan an ninh nội các để chỉ đạo Tiểu ban công tác đặc biệt toàn quốc biển Tây Philippines, hoạch định và phối hợp các mục tiêu khác nhau của các đơn vị đối với biển Tây Philippines, cung cấp báo cáo và kiến nghị về các vấn đề biển Tây Philippines”.

Liên quan đến Biển Đông, ngày 23/3, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã ngang nhiên mời các phương tiện truyền thông quốc tế đến thăm Ba Bình, một thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) để “chứng minh tính chất “đảo / island” của Ba Bình, bác bỏ quan điểm coi đây là “đảo đá / rock” như vụ kiện của Philippines.

Xung quanh vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Rose cho rằng: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên liên quan tránh áp dụng các hành vi tiếp tục làm phức tạp hóa tình hình Biển Đông”.

Khi Mã Anh Cửu, người đứng đầu Đài Loan thị sát (bất hợp pháp) Ba Bình vào tháng 1/2016, Philippines cũng kêu gọi Đài Loan chớ làm tăng căng thẳng khu vực.

Năm 2013, Philippines đưa tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc. Mặc dù là một nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhưng Trung Quốc ngang nhiên rũ bỏ trách nhiệm tuân thủ trọn gói Công ước, tuyên bố không chấp nhận, không tham gia vụ kiện này.

Có chuyên gia cho rằng, vụ kiện lần này sẽ đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, bác bỏ mạnh mẽ yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, phi pháp của Trung Quốc, tạo cơ sở pháp lý cho giải quyết vấn đề Biển Đông. Nếu Trung Quốc không thực hiện phán quyết của Tòa, họ sẽ bị cộng đồng quốc tế gây sức ép mạnh mẽ và sẽ chịu hậu quả tương ứng trên nhiều phương diện.

RELATED ARTICLES

Tin mới