Trung Quốc đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy nợ của chính mình khi các khoản vay theo sáng kiến ”Vành đai và Con đường” (BRI) ngày một chồng chất.
Trung Quốc trở thành “phao cứu sinh” cho các nước nghèo sau khi cung cấp 950 tỷ USD tín dụng cho thế giới trong 20 năm qua, phần lớn con số này nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Báo cáo mới nhất do tổ chức AidData (Mỹ) công bố cho hay, từ năm 2008-2021, Bắc Kinh cấp 240 tỷ USD “tín dụng giải cứu”. Trung Quốc đứng trước nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” của chính mình khi phải tham gia đàm phán đa phương “xoá nợ” cho các nước nghèo.
Trung Quốc siết đầu tư
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Trường Kennedy Harvard, AidData và Viện Kinh tế thế giới Kiel cho hay, Trung Quốc rót 240 tỷ USD để cứu trợ cho 22 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 2008 – 2021. Trong đó, đối tượng thuộc diện cần được giải cứu khẩn cấp gồm Argentina, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Lào, Ukraine hay Sri Lanka…
Theo nghiên cứu, Trung Quốc cho vay hàng trăm tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, song việc cho vay đã giảm dần kể từ năm 2016 do nhiều dự án không trả được cổ tức tài chính như mong đợi.
“Bắc Kinh cũng đang cố gắng giải cứu các ngân hàng của chính họ. Đó là lý do tại sao nước này đã tham gia vào hoạt động kinh doanh đầy rủi ro là cho vay cứu trợ quốc tế”, chuyên gia Carmen Reinhart, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại World Bank và là một trong những tác giả nghiên cứu cho hay.
Các khoản vay cứu trợ chủ yếu tập trung vào những quốc gia thu nhập trung bình, chiếm tới 4/5 tổng số tiền vay. Còn các nước thu nhập thấp được tăng thời gian ân hạn và đáo hạn.
Trung Quốc đang đàm phán tái cơ cấu nợ với các quốc gia như Zambia, Ghana và Sri Lanka. Bắc Kinh kêu gọi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng tham gia giảm nợ.
Trước đó, trong tháng 10 năm ngoái, Zambia đã nhận được khoản vay tài chính trị giá 1,3 tỷ USD từ IMF, với thời gian ân hạn là 5 năm rưỡi và kỳ hạn cuối cùng là 10 năm.
Zambia tuyên bố sẽ hủy bỏ hoàn toàn 12 dự án đã lên kế hoạch, một nửa trong số đó được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EXIM), cùng với một dự án của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cho một trường đại học và một dự án xây đường cao tốc của Tập đoàn Giang Tây.
Trong khi đó, Wall Street Journal cho hay: “Sau gần một thập kỷ thúc ép các ngân hàng Trung Quốc hào phóng cho vay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thảo luận về chương trình siết chặt cho vay, được gọi là BRI 2.0. Mục đích đánh giá chặt chẽ hơn các dự án mới để cấp vốn”.
“Trung Quốc cũng sẵn sàng chấp nhận một số tổn thất đối với các khoản vay và đàm phán lại các khoản nợ. Khi Trung Quốc ngày càng bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế, BRI ngày càng trở nên quan trọng đối với chiến lược của nước này. Bắc Kinh hy vọng BRI phiên bản 2.0 sẽ trở nên bền vững hơn”, tờ Wall Street Journal cho hay.
Gánh nặng của gói “tín dụng khẩn cấp” càng lúc càng lớn so với các khoản tín dụng chung mà Bắc Kinh cho các nước đang phát triển vay, đặc biệt là trong khuôn khổ các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, hợp tác về năng lượng, khai thác khoáng sản.
Theo AidData, “tín dụng khẩn cấp” tương đương với chưa đầy 5% tổng số tiền mà Bắc Kinh cho các nước đang phát triển vay vào năm 2010, tỷ lệ này đến cuối 2021 chiếm 60%.
Báo cáo của AidData lưu ý, Trung Quốc vẫn làm giàu trên sự tuyệt vọng của các nền kinh tế đang mắc nợ chồng chất khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc “giải cứu” các con nợ với lãi suất là 5%. Trong khi đó, IMF cấp tín dụng khẩn cấp với lãi suất 2%.
Isabelle Feng, chuyên gia châu Á thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB) ở Bỉ, cho rằng việc Trung Quốc hay IMF giải cứu một nền kinh tế mang nợ quá nhiều thực chất là cách để bơm thêm tín dụng cho quốc gia đó, khiến họ “nợ chồng chất nợ”.
Chuyên gia Isabelle Feng cho hay: “Cứu trợ là giải pháp cứu nguy, cấp thêm tín dụng khẩn cấp song Trung Quốc không đòi hỏi bên đi vay những cam kết cải tổ hệ thống cơ cấu, cải tổ hành chính hay là tiết kiệm để vực dậy tài chính. Hơn nữa, Trung Quốc cấp tín dụng khẩn cấp với lãi suất thường là cao hơn nhiều so với lãi suất của IMF”.
Theo Isabelle Feng, từ 20 năm nay, Trung Quốc trở thành chủ nợ hàng đầu của các nước nghèo, gồm 147 nước, các nước này đã vay của Bắc Kinh 950 tỷ USD. Riêng tại châu Phi, tình trạng tài chính của các quốc gia trong vùng đã xấu đi do nợ Trung Quốc.
Trung Quốc không quan tâm đến những điều kiện của bên đi vay về nhân quyền, quyền lao động, tham nhũng… hay cách thức điều hành đất nước của bên liên quan. Nếu như đó là những quốc gia bị tham nhũng lũng đoạn và càng lún sâu vào khủng hoảng thì lại càng mắc nợ, và Trung Quốc không ngần ngại cho vay thêm dưới dạng tín dụng khẩn cấp.
Trong trường hợp của Hy Lạp, nước này phải vượt qua nhiều thử thách của bộ ba nhà tài trợ (IMF, Liên minh châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu) giai đoạn khủng hoảng năm 2010-2011. Cả ba đã nêu điều kiện yêu cầu Athens cắt giảm chi tiêu công, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước và áp dụng các chương trình “thắt lưng buộc bụng” một cách triệt để nhằm đổi lấy hai gói hỗ trợ 110 và 130 tỷ euro.
Với Trung Quốc thì khác, Isabelle Feng cho rằng hợp đồng cho vay giữa Trung Quốc và các nước thiếu sự minh bạch. Hợp đồng giữa chủ nợ Trung Quốc và các con nợ là những hợp đồng song phương với những điều khoản bí mật.
Trong khi Bắc Kinh cho rằng các khoản vay của nước này là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, nhiều lo ngại về tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế nhận viện trợ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho rằng điều khoản và điều kiện của một số khoản vay của Trung Quốc cần phải rõ ràng hơn.
300 tỷ USD nợ khó đòi?
Trong những năm 2019 – 2021, hứng chịu tác động khủng hoảng dịch COVID-19, tiếp đó bùng phát xung đột Ukraine, giá năng lượng, lương thực tăng cao, nhiều nước đi vay Trung Quốc càng lúc càng khó thanh toán khoản nợ đáo hạn. Điển hình là Sri Lanka, nước này rơi vào khủng chính trị và nhiều lần cầu cứu Trung Quốc bởi nước này nắm giữ đến 19,6% nợ của Sri Lanka.
Theo nhận định củ Isabelle Feng, “đây chính là mối nguy hiểm. Giờ đây, giới nghiên cứu Trung Quốc bắt đầu báo động”. Trong gần một chục năm, trong khuôn khổ sáng kiến BRI, Bắc Kinh mở hầu bao cho vay, cấp tín dụng cho các nước nghèo với khả năng thanh toán nợ khá thấp. Giờ đây, Bắc Kinh nhận ra rằng họ có thể bị thiệt hại trong các khoản giao dịch tài chính này.
Theo báo cáo của AidData, từ năm 2008-2021, Trung Quốc cấp 500 tỷ USD nợ cho các nước đang phát triển, 240 tỷ trong số đó được cấp dưới dạng “tín dụng khẩn cấp”. Đáng chú ý, “60% vốn Trung Quốc cho vay hiện do các quốc gia đang trong tình trạng khó khăn về tài chính nắm giữ”.
Hiện tại, khoảng 300 tỷ USD nợ Bắc Kinh đã cấp cho các nước ngoài thuộc diện mang tính rủi ro cao. Trước tình thế đó, Trung Quốc lần đầu tiên phải chấp nhận đàm phán đa phương về nợ của các nước nghèo.
Isabelle Feng cho biết: “Tái cơ cấu nợ có nghĩa là nước chủ nợ (ở đây là Trung Quốc) có thể cùng với các chủ nợ khác và bên phải đi vay cùng đàm phán về khả năng xoá, hoãn hay giảm nợ cho bên cần được giúp đỡ”.
Trước năm 2020, Bắc Kinh từ chối giải pháp này và Trung Quốc đã không tham gia các cuộc họp tái cơ cấu nợ do IMF và WB đồng tổ chức để giúp đỡ một nền kinh tế nào đó, như Congo, Venezuela hay Sri Lanka, Pakistan…
Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc nhận thấy họ có thể bị rơi vào bẫy nợ do chính mình gây ra. Bắc Kinh không có kinh nghiệm trong việc xoá, hoãn, hay giảm nợ.
Giúp con nợ vẫn có khả năng thanh toán cũng có lợi cho Trung Quốc nếu không muốn mất trắng khoản cho vay… Từ tháng 3/2023, Bắc Kinh tham gia vào các vòng đàm phán tái cơ cấu nợ cho các nền kinh tế “đang mang nợ ngập đầu”.
Theo Isabelle Feng, Trung Quốc giờ đây trong thế “đâm lao phải theo lao”. Một mặt, tín dụng Bắc Kinh cho các nước ngoài vay trong khuôn khổ sáng kiến BRI đã giảm rất mạnh (năm 2017 là gần 28 tỷ USD, nhưng cả năm 2022 chưa đến 2 tỷ USD). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng rút ra bài học trong việc quản lý nợ của các nước ngoài.
Ngoài ra, yếu tố chính trị cũng được xem là nguyên nhân khiến Trung Quốc bắt buộc phải cứu các nước đang mang nợ nước này. Trong quan hệ với châu Phi, Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh “khác với các cường quốc châu Âu”, cố gắng “bơm thêm tiền” vào châu lục này.
Theo Yao Guimei – Giám đốc Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh (5/2022), cho châu Phi vay tín dụng là một cách nhằm “mua lá phiếu” của châu lục này. Điều đó lại càng có ý nghĩa hơn khi mà Bắc Kinh lao vào một cuộc đối đầu với Mỹ, tham vọng trở thành “siêu cường thế giới về mọi mặt”.
Mục đích của Trung Quốc là rất rõ ràng khi chịu chi cho các đối tác của mình. Trung Quốc muốn thông qua việc tham gia các tiến trình đàm phán đa phương “giải cứu” các nước nghèo để chứng minh Bắc Kinh là đối tác có trách nhiệm với thế giới, trong khi chỉ trích Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mỹ tăng lãi suất, đẩy các nước nghèo vào cảnh thêm khốn khổ.
T.P