Lâu nay, cộng đồng quốc tế đã nói nhiều về việc Trung Quốc thiết lập các “BOT” trên Biển Đông. Gần đây, mối lo còn mở rộng ra các dự án cáp quang đi ngầm dưới đáy biển.
Đơn phương, tự tiện đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” bao gồm tới gần 90% Biển Đông cũng như lấn dần từng bước, mỗi bước một thêm ngang ngược: khó dễ chuyện tàu bè qua lại theo thông lệ quốc tế; cấm ngư dân các nước láng giềng đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống – những việc làm phi pháp đó của Trung Quốc từ lâu đã khiến dư luận lo ngại rằng, sẽ tới lúc Biển Đông dày đặc các “trạm BOT” của Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao thương của tuyến hàng hải quan trọng bấc nhất này.
Không lâu sau đó, mối quan ngại được mở lên… trời, trước các thông tin về khả năng Trung Quốc lăm le thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ)…Phản ứng của dư luận và cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đã buộc Trung Quốc chùn bước. Tuy nhiên, không chủ quan được. Với thế và lực ngày một lên, chẳng ai loại trừ khả năng tới lúc nào đó, Trung Quốc sẽ làm thật điều mà họ đã và đang thèm muốn.
Vừa kịp lắng vụ “BOT trên trời”, thì nay, lại nứt ra nỗi lo “BOT đáy biển”.
Chuyện là, dưới đáy Biển Đông, từ lâu nay, chằng chịt như mạng nhện các tuyến cáp quang kết nối internet. Cơ sở hạ tầng này thi thoảng trục trặc. Dạo tháng 2 năm nay, từng có thời điểm cả 5 tuyến cáp quang kết nối internet Việt Nam đi quốc tế đồng loạt gặp sự cố, có thể coi là thí dụ cụ thể.
Trục trặc thì phải sửa. Lâu nay không sao.Vấn đề là gần đây, vin vào cái gọi là “chủ quyền chính đáng” (?!) dựa trên yêu sách ngang ngược “đường chín đoạn”, Trung Quốc cho rằng, họ có quyền cho hoặc không cho đặt cáp quang dưới đáy biển. Bắc Kinh còn làm căng thêm bằng cách hô hoán về nguy cơ các công ty nước ngoài (trong đó có đại gia công nghệ Google và Facebook Inc) lợi dụng cung cấp dịch vụ internet thực hiện các hoạt động do thám, gây mất an ninh cho Trung Quốc, từ đó đòi kiểm soát hoạt động của các nhà mạng.
Trong khi đòi hòi vô lý này vấp phải phản ứng kịch liệt của dư luận, Bắc Kinh bèn “mềm hóa” bằng việc gây khó dễ cho hoạt động bảo trì các tuyến cáp quang chạy ngầm dưới đáy biển, trong vùng liếm của “đường lưỡi bò” – một cách gọi mỉa mai của dư luận về “đường 9 đoạn”.
Gây khó dễ bằng cách nào? Bằng đặt ra giấy phép; bằng cho tàu hải cảnh, tàu chiến quấy nhiễu, hù dọa. Thế cũng đã là đủ mệt. Tuy nhiên, những người có tầm nhìn xa còn lường tới thời điểm Bắc Kinh giở bài cho tàu khảo sát địa chất tới hoạt động. Khi đó, ai dám cam đoan không xảy ra việc cáp quang internet “vướng” vào mấy cái chân vịt…?
Nếu tình huống tai hại đó xảy ra thật, gỡ được mớ dây nhợ lằng nhằng trong đám chân vịt tàu khảo sát của Trung Quốc – hơi bị lâu đấy.
Thế nên nhiều người mới có lời khuyên: Trung Quốc dựng “BOT dưới đáy biển” ví như một mối nguy mới, cộng đồng quốc tế lo sớm đi thì vừa.
T.V