Đâu là những điểm cần lưu ý liên quan việc thể hiện phần Biển Đông trên bản đồ để tránh vi phạm và góp phần bảo vệ chủ quyền Việt Nam, không bị dính vào bẫy của Trung Quốc?
Một bản đồ thể hiện bãi đá Chữ Thập của VN là cơ quan “huyện Nam Sa”
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bị xử phạt liên quan bản đồ không đúng ở Biển Đông. Có lẽ, trong số các đơn vị vi phạm thì không ít các đơn vị vì vô ý và chưa hiểu hết các nội dung thể hiện vốn là các nội dung phi pháp do Trung Quốc tự đưa ra, không phù hợp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền VN.
Không chỉ có “đường lưỡi bò”
Lâu nay, hầu hết dư luận quan tâm vấn đề bản đồ phần Biển Đông đều chú ý cảnh giác trước “đường lưỡi bò”. Sau nhiều vụ việc, sự cảnh giác của dư luận VN trước bản đồ “đường lưỡi bò” ngày càng cao. Những năm gần đây, các vụ việc liên quan “đường lưỡi bò” hầu hết liên quan yếu tố ngoại quốc như các sản phẩm, phim… đến từ nước ngoài. Thực tế, tuyên bố chủ quyền với bản đồ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra cũng đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) phán quyết bác bỏ vào năm 2016.
Tuy vậy, Trung Quốc cũng liên tục đổi mới các định hướng để tìm cách gia tăng kiểm soát chủ quyền phi pháp mà nước này tuyên bố ở Biển Đông. Cụ thể hơn, Trung Quốc đã tự đặt ra các cấp chính quyền để hợp thức hóa các tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Trong đó, năm 2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là TP.Tam Sa để quản lý chủ quyền phi pháp đối với một số khu vực trên biển, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa của VN.
Đến năm 2020, Trung Quốc lại thiết lập những cái gọi là huyện Tây Sa (Xisha – Tây Sa cũng là tên gọi do Trung Quốc đặt ra cho Hoàng Sa) và huyện Nam Sa (Nansha – Nam Sa cũng là tên gọi do Trung Quốc đặt ra cho Trường Sa). Trong đó, chính quyền “huyện Tây Sa” đặt tại đảo Phú Lâm, chính quyền “huyện Nam Sa” đặt tại đá Chữ Thập. Cả hai thực thể Phú Lâm và Chữ Thập đều thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Không chỉ thành lập trên giấy tờ, Trung Quốc còn tiến hành đánh dấu các định danh phi pháp trên vào hệ thống bản đồ, bao gồm cả bản đồ số trên internet. Tất nhiên, kèm theo đó thì hệ thống tên gọi các thực thể ở Biển Đông cũng được Trung Quốc đánh dấu và sử dụng những tên gọi phi pháp mà nước này đặt ra.
Điển hình như một số thực thể sau ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và đặt tên phi pháp lên bản đồ:
Đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) của VN có tên gọi tiếng Anh là "Woody Island", thì Trung Quốc đặt tên phi pháp là "đảo Vĩnh Hưng" (Yongxing Dao - 永兴岛).
Nhóm đảo An Vĩnh (Hoàng Sa) có tên tiếng Anh là "Amphitrite Group", thì Trung Quốc đặt tên phi pháp là "nhóm đảo Tuyên Đức" (Xuāndé qúndǎo - 宣德群岛).
Nhóm đảo Lưỡi Liềm (Hoàng Sa) có tên tiếng Anh là "Crescent Group", thì Trung Quốc đặt tên phi pháp là "nhóm đảo Vĩnh Lạc" (Yǒnglè qúndǎo - 永乐群岛).
Đá Chữ Thập (Trường Sa) có tên tiếng Anh là "Fiery Cross Reef", thì Trung Quốc đặt tên phi pháp là "đá Vĩnh Thử" (Yǒngshǔ jiāo - 永暑礁).
Đá Xu Bi (Trường Sa) có tên tiếng Anh là "Subi Reef", thì Trung Quốc đặt tên phi pháp là "đá Chử Bích" (Zhǔbì jiāo - 渚碧礁).
Đá Vành Khăn (Trường Sa) có tên tiếng Anh là "Mischief Reef", thì Trung Quốc đặt tên phi pháp là "đá Mỹ Tế" (Měijì jiāo - 美济礁).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức cần sử dụng các ứng dụng bản đồ phục vụ quá trình hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh Google Maps, hiện vẫn có nhiều dịch vụ bản đồ mã nguồn mở (open API) có thể được các nhà phát triển ứng dụng dùng như một công cụ để phát triển dịch vụ của họ. Đơn cử có thể kể tới OpenStreetMap, Mapbox, TomTom, OsmAnd…
Khi sử dụng các dịch vụ này, thông tin về các địa danh trên bản đồ phụ thuộc vào nguồn cung dữ liệu của các bên cung cấp mã nguồn. Việc hình thành dữ liệu các địa danh này tại các dịch vụ cung cấp khác nhau cũng sẽ khác nhau và nhiều ứng dụng đang thể hiện theo các tên gọi phi pháp do Trung Quốc đặt ra.
Chính vì thế, khi sử dụng những bản đồ này, nếu các tổ chức thiếu kiểm tra, chỉnh sửa thì có thể bị “dính bẫy” về bản đồ liên quan Biển Đông.