Tổng thống Biden đang đối mặt thực tế rằng ngay cả khi đạt được nhất trí về mặt chính trị, ông khó xóa được TikTok khỏi điện thoại của người Mỹ.
Chỉ vài tuần trước, thời gian TikTok tồn tại ở Mỹ dường như chỉ tính bằng ngày. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu TikTok phải bán cổ phần cho công ty Mỹ hoặc bị cấm hoàn toàn ở nước này.
Nỗ lực của Nhà Trắng nhanh chóng thu hút ủng hộ từ Đồi Capitol. Các nhà lập pháp cáo buộc TikTok là công cụ để Trung Quốc “thao túng nước Mỹ” và thu thập các dữ liệu nhạy cảm về công dân Mỹ.
Nhưng hiện tại, nhiều nghị sĩ, chuyên gia pháp lý và an ninh quốc gia, cùng một số cựu quan chức nhận định lệnh cấm mà Nhà Trắng muốn áp đặt với TikTok có thể đối mặt với rất nhiều rào cản. Một số thậm chí lo lắng rằng chính phủ Mỹ có thể không bao giờ hạn chế được việc sử dụng TikTok và đang phải xem xét các giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu rủi ro từ ứng dụng này.
Những người muốn ngăn TikTok hoạt động ở Mỹ so sánh nỗ lực hiện tại với lệnh cấm mà Washington từng áp với Huawei, tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với chính phủ nước này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hai nỗ lực này có nhiều khác biệt.
Dù lệnh cấm Huawei ảnh hưởng tới lợi nhuận của một số công ty viễn thông Mỹ, nó hầu như không tác động tới quyền tự do ngôn luận của hàng triệu người Mỹ, điều được hiến pháp nước này bảo vệ. Washington dường như có nhiều bằng chứng cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia, như phát hiện các lỗ hổng an ninh trong hệ thống của họ. Tuy nhiên, những điều này không xuất hiện trong nỗ lực cấm TikTok.
Mỹ từng một số lần tung ra các động thái cấm TikTok nhưng đều thất bại. Hồi tháng 8/2020, tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã tìm cách ký sắc lệnh hành pháp cấm TikTok và một số ứng dụng khác với lo ngại mạng xã hội này có thể được tình báo Trung Quốc khai thác. Tuy nhiên, tòa án liên bang Mỹ đã bác bỏ nỗ lực đó.
Nhiều nỗ lực thất bại của ông Trump, chính quyền Biden đã tiến hành chiến lược bài bản hơn về lệnh cấm TikTok. Song nỗ lực đó có thể đã đi vào vết xe đổ của chính quyền cũ.
Sai lầm đầu tiên của Trump là tìm cách ép TikTok bán mình cho Microsoft, Oracle hoặc một công ty công nghệ khác của Mỹ. Keith Krach, cựu quan chức chính quyền Trump, cho rằng động thái này đã tạo cơ sở pháp lý cho ByteDance, công ty sở hữu TikTok, thách thức sắc lệnh hàng pháp của Trump trước tòa án.
“Đây là chiến lược không hiệu quả và cũng làm mất nhiều thời gian”, Krach, từng là thứ trưởng ngoại giao phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường dưới thời Trump, nói.
Giờ đây, Washington đang rơi vào tình thế như năm 2020. Hồi tháng 3, Nhà Trắng thông qua Ủy ban liên ngành về Đầu tư Nước ngoài Mỹ (CFIUS) yêu cầu ByteDance bán TikTok cho một công ty mà họ có thể tin tưởng hoặc đối mặt lệnh cấm hoàn toàn.
Nhưng ba năm sau khi Trump cố gắng ép TikTok bán mình, một thương vụ như vậy thậm chí còn khó xảy ra hơn. TikTok đã trở nên lớn mạnh, phổ biến và có giá trị cao hơn, khiến giới quan sát không tin rằng thương vụ này có thể xảy ra.
Dù ByteDance giữ kín định giá TikTok, hầu hết các chuyên gia tin rằng ứng dụng này hiện có giá trị hơn 40 tỷ USD. Mức giá này có thể nằm ngoài tầm với của hầu hết bên mua, trừ các công ty hoặc nhà đầu tư giàu có nhất ở Mỹ. Một người mua tiềm năng, như Elon Musk, đã dồn tiền cho Twitter, một nền tảng mạng xã hội khác.
Những gã khồng lồ khác như Meta hay Google đều sụt giảm giá trị sau khi đạt đỉnh điểm năm 2021, khiến họ khó có thể mua lại TikTok. Và ngay khi có đủ tiền, những lo ngại về chống độc quyền có thể khiến họ tránh xa ứng dụng mà Trung Quốc sở hữu, theo Daniel Francis, giáo sư luật tại Đại học New York.
“Bất kỳ thỏa thuận lớn nào trong lĩnh vực công nghệ đều sẽ bị giám sát chặt chẽ theo luật chống độc quyền”, ông nói.
Các công ty nhỏ hơn trên thị trường truyền thông như Amazon hay Microsoft có thể có vị thế thuận lợi hơn cho thương vụ TikTok, nhưng họ cũng có thể ngần ngại ôm thêm một khối tài sản tiềm ẩn nhiều rắc rối.
“Tất cả các công ty đều rất khó khăn. Họ đã gặp rất nhiều vấn đề về chống độc quyền và không muốn có thêm nữa”, Florian Ederer, giáo sư kinh tế tại Đại học Yale, nói.
Ngay cả khi Mỹ có thể tìm được người mua TikTok, chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi quyền sở hữu TikTok.
ByteDance là một trong những công ty công nghệ thành công nhất toàn cầu của Trung Quốc và TikTok cũng hoạt động trên các hệ thống phần mềm được bảo vệ nghiêm ngặt. Để phản ứng với lệnh cấm của chính quyền Trump, Bắc Kinh năm 2020 đã cập nhật các quy định kiểm soát xuất khẩu để có thể ngăn chặn đưa các thuật toán thuộc sở hữu nhà nước ra khỏi đất nước.
Lindsay Gorman, cựu cố vấn an ninh quốc gia và công nghệ của chính quyền Biden, nói rằng Bắc Kinh có thể đang cân nhắc có nên chặn nỗ lực ép bán TikTok của Washington hay không. Tuy nhiên, bà tin họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
“Bộ Tài chính Mỹ từng lạc quan rằng Meta hoặc Amazon sẽ xuất hiện và cứu ván cờ. Chúng tôi đã đi theo lộ trình đó và giờ nhận ra nó phức tạp hơn nhiều”, một quan chức am hiểu về các cuộc thảo luận liên quan đến TikTok trong chính quyền ông Biden nói.
Nếu nỗ lực ép TikTok thoái vốn thất bại, chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố sẽ tìm cách áp lệnh cấm trực tiếp với mạng xã hội này, nhưng trước tiên, họ cần sự hỗ trợ lớn từ Đồi Capitol.
Chính quyền Mỹ sẽ cần quốc hội trao thêm thẩm quyền để có thể áp lệnh cấm trực tiếp với TikTok. Song không có gì đảm bảo các nhà lập pháp có thể đạt đồng thuận nhanh chóng về những quyền hạn đó.
Ngay cả khi Đồi Capitol có thể thông qua luật mới, cuộc chiến pháp lý về tác động của lệnh cấm TikTok với quyền tự do ngôn luận được quy định trong Tu chính án thứ nhất gần như không thể tránh khỏi.
Theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm ngăn cấm tự do ngôn luận. “Tất cả các con đường đều dẫn tới tòa án. ByteDance có cả núi tiền và họ sẽ thuê một đội luật sư hùng hậu. Cuộc chiến sẽ bắt đầu”, James Lewis, giám đốc Chương trình Công nghệ Chiến lược tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, nói.
Những người ủng hộ lệnh cấm TikTok có thể lập luận rằng ứng dụng gây ra nguy cơ với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, lập luận này khó có thể thuyết phục các thẩm phán liên bang, những người sẽ cân nhắc giữa rủi ro an ninh với việc áp đặt các hạn chế thực tế với khoảng 150 triệu người dùng TikTok ở Mỹ.
Những tranh cãi về TikTok diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng. Giới quan sát cho rằng TikTok chỉ là một phần trong cuộc so kè lớn hơn giữa hai siêu cường của thế giới.
Tuy nhiên, hàng loạt trở ngại hiện tại khiến nhiều người tin Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để kiềm chế ứng dụng do Trung Quốc sở hữu.
“Thời gian không đứng về phía chúng tôi. Mỗi ngày trôi qua là một ngày chúng tôi đánh mất cơ hội hành động về vấn đề quan trọng này”, nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher, chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc, nói.
Lewis tin rằng Mỹ đã để mất thời cơ vào tháng 12 năm ngoái, khi CFIUS và ByteDance đạt thỏa thuận về “Dự án Texas”, cô lập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ để ngăn nguy cơ bị bên ngoài khai thác. Tuy nhiên, thỏa thuận đổ bể khi vấp phản đối từ FBI và Bộ Tư pháp Mỹ.
“Quốc hội hay chính quyền Mỹ giờ đây có thể cấm các giao dịch tài chính hoặc cố gắng buộc TikTok thoái vốn, song họ không thể cấm hoàn toàn TikTok ở Mỹ”, chuyên gia này nói.
T.P