Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao ông Vương Nghị năm lần bảy lượt né tránh Ngoại...

Tại sao ông Vương Nghị năm lần bảy lượt né tránh Ngoại trưởng Nhật?

Ông Vương Nghị đang quá cảnh giác với Nhật Bản chứ không phải ông Tập Cận Bình miễn cưỡng trong việc cải thiện quan hệ với Tokyo.


Nikkei Asian Review ngày 28/3 cho biết, sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhiều lần gọi đường dây nóng cho ông Vương Nghị – Ngoại trưởng Trung Quốc, nhưng mãi tới ngày 14/3 ông Nghị mới bắt máy. Sự im lặng của ông Nghị cho thấy manh mối về quan hệ Trung – Nhật đang ở mức độ nào.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 45 phút, hai ông Kishida và Vương Nghị đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên và quan hệ song phương. Theo một quan chức Nhật, hai ông nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, đồng thời sắp xếp một chuyến thăm cho ông Kishida đến Trung Quốc.

Tuy nhiên hai Ngoại trưởng rất ít đề cập đến quá trình khôi phục quan hệ song phương và có những tranh cãi gay gắt về Biển Đông. Sau điện đàm, ông Fumio Kishida nói với báo giới rằng ông không đi vào chi tiết nội dung cuộc trò chuyện.

Có những nguồn tin thân cận với giới ngoại giao Nhật cho hay, Vương Nghị đã yêu cầu Nhật Bản không được nêu Biển Đông ra hội nghị Ngoại trưởng G-7 vào tháng Tư và thượng đỉnh G-7 vào tháng Năm này.

Những tháng gần đây, ít nhất là từ tháng 11 năm ngoái, quan hệ Trung – Nhật có dấu hiệu ấm lên một chút sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe với người đồng cấp Lý Khắc Cường.

Cả hai đồng ý tổ chức đối thoại kinh tế Nhật – Trung càng sớm càng tốt, tiếp tục đàm phán hợp tác chung khai thác dầu khí ở Hoa Đông, khởi động nhanh chóng các bước đàm phán cơ chế tránh khủng hoảng, va chạm giữa lực lượng chức năng hai nước.

Nhưng kể từ đó Bắc Kinh đã không đáp ứng lại những nỗ lực của Tokyo. Một quan chức ngoại giao Nhật cho biết, lý do chính khiến các cuộc đàm phán Nhật – Trung bị đình trệ là do ông Vương Nghị đang quá cảnh giác với Nhật Bản chứ không phải ông Tập Cận Bình miễn cưỡng trong việc cải thiện quan hệ với Tokyo.

Trên thực tế các thỏa thuận giữa ông Tập Cận Bình với lãnh đạo các nước được xử lý qua Bộ Ngoại giao, nên thái độ khước từ các nỗ lực của Nhật Bản đến từ ông Vương Nghị chứ không phải ông Tập Cận Bình.

Từng là Đại sứ tại Nhật Bản và sợ bị coi là người có thái độ “hòa hoãn với Nhật”, nên ông Nghị đang cố gắng tránh bất kỳ động thái nào có thể khiến ông bị dư luận Trung Quốc gán cho cái mũ “thân Nhật”.

Trung Quốc đổ lỗi cho Nhật Bản can thiệp vào tình hình Biển Đông. Bắc Kinh đã nói với Tokyo thông qua một kênh ngoại giao chính thức: “Nhật Bản nói muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng lại hợp tác với Mỹ và các nước trong khu vực để nỗ lực bao vây Trung Quốc. Tại sao Nhật Bản là nước ngoài cuộc lại cứ thích can thiệp vào Biển Đông?”

Trung Quốc tuyên bố rằng các nỗ lực của Nhật Bản trên Biển Đông là “trở ngại” tiến trình cải thiện quan hệ song phương, ông Nghị đã ám chỉ điều này trong cuộc họp báo hôm 8/3.

Nhưng thực tế chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe và ông Kishida từ lâu đã nhiều lần lên án các hành vi đơn phương xây dựng, quân sự hóa BIển Đông mà Trung Quốc tiến hành chứ không phải đến bây giờ mới nói, nên Biển Đông chỉ là cái cớ trì hoãn cải thiện quan hệ Trung – Nhật mà Bắc Kinh đang vớ lấy.

Trên thực tế, chính quyền ông Tập Cận Bình đang quan tâm và lo ngại lại là mối quan hệ giữa Nội các Thủ tướng Shinzo Abe với tân Nội các Đài Loan dưới thời bà Thái Anh Văn. Bắc Kinh lo ngại rằng Nhật Bản có thể gây thiện cảm với chính quyền Tiến sĩ Thái Anh Văn để gia tăng áp lực lên Bắc Kinh.

Có những dấu hiệu cho thấy khả năng này. Ông Shinzo Abe vẫn duy trì liên lạc trao đổi với bà Thái Anh Văn. Ông đã từng đến thăm Đài Loan và gặp gỡ bà Thái Anh Văn. Tháng 12 năm ngoái, bà Thái Anh Văn thăm Nhật Bản, em trai Thủ tướng Nhật, ông Nobuo Kishi cũng là một Hạ Nghị sĩ thành viên đảng Dân chủ Tự do Nhật, đã tháp tùng bà Văn tham quan Yamaguchi, quê nhà ông Shinzo Abe.

Dư luận cho rằng một cuộc họp bí mật giữa bà Thái Anh Văn với ông Shinzo Abe đã được tổ chức tại Tokyo, tuy nhiên cả hai nhà lãnh đạo từ chối xác nhận điều này.

Với những tranh chấp lãnh thổ đối với Senkaku / Điếu Ngư, những căng thẳng trên Biển Đông, quan hệ Trung – Nhật đã đủ phức tạp, nay lại thêm một yếu tố bất ổn mới, đó chính là Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới