Thỏa thuận hoà bình giữa Ả Rập Xê-út và Iran cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng, song liệu điều đó có thể thay thế sự hiện diện an ninh Mỹ ở khu vực?
Hôm 6/4, các bộ trưởng ngoại giao của Ả Rập Xê-út và Iran gặp nhau lần đầu tiên sau 7 năm. Trước đó một tháng, các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của hai nước đã làm cả thế giới sửng sốt khi ký kết văn bản đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao sau nhiều năm thù địch.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các cuộc họp dẫn đến bước đột phá mạnh mẽ trong quan hệ ngoại giao giữa Ả Rập Xê-út và Iran không được tổ chức ở Trung Đông, mà diễn ra với vai trò trung gian của Trung Quốc. Trước đó, Oman và Iraq có nhiều năm nỗ lực hoà giải nhưng bất thành.
Theo các nhà quan sát, thành công của Trung Quốc với tư cách là một nhà kiến tạo hòa bình ở Trung Đông báo hiệu sự thay đổi đối vai trò của Bắc Kinh. Trung Quốc vốn có truyền thống do dự trong việc tham gia quá sâu vào các nỗ lực giải quyết xung đột toàn cầu.
Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã thay đổi. Hồi tháng 2, ngay trước khi các cuộc đàm phán Ả Rập Xê-út và Iran kết thúc, Bắc Kinh đã khởi động sáng kiến ”An ninh toàn cầu”, với mục đích “giải quyết những khác biệt và tranh chấp giữa các quốc gia thông qua đối thoại và tham vấn”.
Sau đó, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Chuyên gia Julia Gurol-Haller, đến từ viện nghiên cứu Arnold-Bergstraesser-Institut Freiburg ở Đức, cho biết thỏa thuận giữa Ả Rập Xê-út và Iran có thể đóng vai trò là “bệ phóng cho các sáng kiến trong tương lai” của Trung Quốc. Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn so với trước đây trong việc hòa giải các cuộc xung đột.
Theo nhiều nhà phân tích, điều này xảy ra vào thời điểm mà ảnh hưởng của Mỹ – theo truyền thống đóng vai trò môi giới quyền lực lớn nhất ở Trung Đông, đã suy yếu. Quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, mối quan hệ căng thẳng với Ả Rập Xê-út, quyết định rút quân hỗn loạn khỏi Iraq và Afghanistan đã làm tổn hại đến uy tín của Mỹ.
Thế nhưng, liệu Trung Quốc có thể cung cấp cho Trung Đông mọi thứ mà Mỹ đã có trong nhiều năm?
Trên thực tế, mặc dù ảnh hưởng Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, song nước này vẫn không có khả năng thay thế Mỹ ở Trung Đông. Tại khu vực này, Washington có hàng chục căn cứ quân sự và các đồng minh mà họ cam kết bảo vệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể chưa muốn đảm nhận trách nhiệm này. Hiện tại, Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao, trong khi để Mỹ tiếp tục dẫn đầu về các mối quan ngại về an ninh của khu vực.
Lợi thế Trung Quốc
Trước khi thỏa thuận giữa Ả Rập Xê-út và Iran được ký kết, Trung Quốc đã tự khẳng định nước này là đối tác quan trọng đối với các quốc gia ở Trung Đông.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ả Rập Xê-út và Iran, đồng thời là khách hàng mua dầu lớn nhất từ hai quốc gia này. Trong những năm gần đây, điều đó đã củng cố hơn nữa khi Bắc Kinh ký kết thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran năm 2021 và thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Ả Rập Xê-út năm 2022.
Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng dựa trên sáng kiến ”Vành đai và Con đường” (BRI), với mục đích kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua mạng lưới cảng, đường sắt, đường cao tốc và các dự án cơ sở hạ tầng khác do Trung Quốc hậu thuẫn.
Trung Quốc đã đầu tư hơn 273 tỷ USD vào khu vực từ năm 2005 đến năm 2022. Đây là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Đông. Nước này cũng mua dầu từ Iraq, khí đốt từ Qatar và xuất khẩu vũ khí sang Algeria, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ả Rập Xê-út.
Vào tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Ả Rập Xê-út trong 3 ngày, tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Bắc Kinh với Liên đoàn Ả Rập và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman mô tả chuyến thăm đánh dấu “một kỷ nguyên lịch sử mới” trong quan hệ giữa Trung Quốc và đất nước ông.
Trong khi đó, những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ gần đây giúp Bắc Kinh có thêm lợi thế trong việc cung cấp các dịch vụ kết nối 5G thông qua các công ty như Huawei.
Trita Parsi, phó chủ tịch Viện Quincy – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết tất cả những điều này mang lại cho Trung Quốc quyền lực tự động trong khu vực. Ông nói, ảnh hưởng này đã giúp Bắc Kinh thành công với Ả Rập Xê-út và Iran.
Hơn nữa, Bắc Kinh được coi là một đối tác thương mại, vốn duy trì chính sách không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước Trung Đông, từ chính trị đến nhân quyền. Điều này khiến Bắc Kinh trở thành một trung gian hòa giải ít gây tranh cãi hơn so với Mỹ.
“Lý do chính giải thích tại sao nhiều nước trong khu vực có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc không chỉ vì Trung Quốc không can thiệp vào công việc của họ, mà còn bởi vì họ không thấy Bắc Kinh hành xử theo cách sẽ đe dọa, hoặc có khả năng đe dọa họ”, Trita Parsi cho hay.
Theo Trita Parsi, Mỹ không có được điều này. Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine của Mỹ cũng làm tăng thêm sự bất an ở các nước trong khu vực.
Tìm lối đi riêng
Fan Hongda, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Đông của Thượng Hải, cho biết trong khi đóng thế vai trò của Mỹ ở Trung Đông, Bắc Kinh không thực sự muốn thay thế hoàn toàn vị trí mà Washington đã nắm giữ từ lâu.
“Sức mạnh của Trung Quốc chủ yếu nằm ở ảnh hưởng kinh tế và các dự án như BRI. Trung Quốc không bao giờ có ý định kiểm soát Trung Đông. Tôi không nghĩ Bắc Kinh có bất kỳ kế hoạch nào để thay thế Mỹ ở Trung Đông. Trung Quốc có cách hợp tác riêng với các nước Trung Đông”, ông Fan Hongda nói.
Trung Quốc muốn quảng bá hình ảnh về một cường quốc ôn hòa so với Mỹ, Trung Quốc trong những năm gần đây cũng đã chuyển sang nâng cấp và mở rộng đáng kể khả năng quân sự. Năm 2017, Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, gần eo biển Hormuz.
Bốn năm sau, Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc có thể xây dựng một căn cứ hải quân ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, dự án này bị đình chỉ sau khi Mỹ can thiệp với chính quyền UAE. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh tuân theo chính sách “đầu tiên là dân sự, sau đó là quân sự” khi xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng, đường sắt và sân bay tại các nước mà Bắc Kinh thực thi sáng kiến BRI.
Zakiyeh Yazdanshenas, giám đốc Dự án Trung Quốc – Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông của Tehran, cho biết Trung Quốc không muốn can dự theo kiểu Mỹ trong khu vực.
“Bắc Kinh không có khả năng cũng như mong muốn có sự hiện diện quân sự như của Mỹ trong khu vực, nhưng nước này cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông và đặc biệt là ở Vịnh Ba Tư”, chuyên gia Zakiyeh Yazdanshenas cho hay.
Theo Zakiyeh Yazdanshenas, mục tiêu của Trung Quốc là “đảm bảo an ninh cho dòng năng lượng với chi phí thấp nhất đối với Trung Quốc, đồng thời nâng cao uy tín của nước này với tư cách là bên có trách nhiệm khi tham gia vào các vấn đề quốc tế”.
Nhiều hoài nghi
Mark Fitzpatrick, thành viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng việc Trung Quốc miễn cưỡng đảm nhận vai trò “cảnh sát” hoặc nhà cung cấp an ninh trong khu vực có thể hạn chế vai trò của nước này về lâu dài.
Theo vị chuyên gia này, còn phải xem liệu Trung Quốc có thể thực thi các thỏa thuận mà họ đã làm trung gian chỉ bằng các đảm bảo kinh tế hay không, hay liệu Bắc Kinh có thể lặp lại thành công về hàn gắn quan hệ như Ả Rập Xê-út và Iran?
“Vấn đề là liệu mối quan hệ hợp tác giữa Ả Rập Xê-út và Iran có được duy trì hay không và liệu Trung Quốc có thể thực thi nó hay không. Đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc có thể không đủ để đảm bảo cho điều đó. Các khía cạnh của thỏa thuận có thể không diễn ra như mong đợi”, Mark Fitzpatrick cho hay.
Gurol-Haller từ viện nghiên cứu Arnold-Bergstraesser-Institut Freiburg cho biết, hiện tại, Trung Quốc phải đi trên một con đường “rất dài và gập ghềnh” để đi đến hòa bình và tránh bị lôi kéo vào các cuộc xung đột kéo dài, giống như Mỹ trước đây.
“Không rõ Trung Quốc sẽ đồng hành cùng Ả Rập Xê-út và Iran ra sao. Tuyên bố chung được đưa ra sau khi thỏa thuận này được thực hiện không làm rõ các bên ký kết hoặc Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào với hành vi vi phạm thoả thuận”, chuyên gia Gurol-Haller nêu.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu Iran vi phạm một phần của thỏa thuận? Hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu Ả Rập Xê-út không tuân thủ những gì họ đã cam kết? Thực sự không rõ Trung Quốc có thể phản ứng thế nào với điều đó và đâu là củ cà rốt, đâu là cây gậy”, Gurol-Haller nhận định, cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm với Trung Quốc ở Trung Đông.
T.P