Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐiểm tinNhật Bản và Pháp ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực...

Nhật Bản và Pháp ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân

Nhật Bản và Pháp thỏa thuận tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo.

Hãng Reuters ngày 3.5 đưa tin Nhật Bản và Pháp vừa ký kết tại Paris một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân.

Hai bên đưa ra tuyên bố chung cam kết làm sâu sắc hơn và tăng tốc sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo, chẳng hạn như các lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri.

Công việc sẽ tiếp tục nhằm kéo dài tuổi thọ an toàn của các lò phản ứng hiện có, ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân bao gồm lò phản ứng Fukushima Dai’ichi của Nhật, phát triển năng lực hạt nhân dân sự ở các quốc gia được quan tâm và thúc đẩy tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nhằm giảm thiểu nhu cầu về uranium.

Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Yasutoshi Nishimura. Hai bên đã thảo luận về việc tăng tốc hợp tác kỹ thuật về chu trình nhiên liệu hạt nhân và nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chỉ liên quan đến các quốc gia chia sẻ “các giá trị chung”.

Thông tin trên được đưa ra sau cuộc đối thoại bên lề hội nghị G7 về năng lượng và khí hậu diễn ra tại thành phố Sapporo (Nhật) vào tháng trước. Khi đó, các bộ trưởng thảo luận về hợp tác nhằm khôi phục năng lượng hạt nhân ở Nhật, đáp ứng nhu cầu gia tăng mà không làm tăng phát thải khí nhà kính.

Tờ Sankei hôm 2.5 đưa tin Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đã dành khoảng 46 tỉ yen (7.983 tỉ đồng) trong 3 năm để giúp phát triển các lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri, tính từ tháng 4.2024.

Tuyên bố chung được đưa ra một ngày sau khi tòa phúc thẩm Paris cho phép chính phủ Pháp tiến hành mua lại tập đoàn hạt nhân EDF, trong kế hoạch dài hạn nhằm tái tạo ngành hạt nhân và xây tới 14 lò phản ứng mới đến năm 2050.

Pháp cũng đã ký một thỏa thuận song phương với Anh, nhấn mạnh hạt nhân là nguồn năng lượng carbon thấp có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch như Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới