Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc ngày 14/11/2012. Chính sách biển của Trung Quốc được nêu ra tại Đại hội đang gây sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế, gây mối quan ngại đối với các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc.
Báo cáo Chính trị được nguyên Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào trình bày tại Đại Hội 18 lần đầu tiên đã đề cập khá cụ thể đến chính sách biển của Trung Quốc. Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc phải “nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển quốc gia, xây dựng quốc gia mạnh về biển”. Nếu đọc qua những nội dung đó, có vẻ như là việc làm bình thường của một quốc gia ven biển, tuy nhiên đối với Trung Quốc thì dư luận không thể xem thường được nhất là với những gì diễn ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua.
Trong khi Trung Quốc đang ra sức gây sức ép với các nước láng giềng chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong các vùng biển của các nước này, thì việc “nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển” của Trung Quốc đang là mối đe dọa lớn với các nước ven Biển Đông và biển Hoa Đông. Với việc thực thi chính sách này trong thời gian tới thì Trung Quốc sẽ có nhiều giàn khoan khổng lồ (như gian khoan đã hạ thủy có thể khoan ở độ sâu 3000 mét) và nếu nó được mang xuống Biển Đông thì sẽ là đại họa cho các nước ven Biển Đông. Đáng chú ý là khi mà chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” không được các nước hưởng hứng vì Trung Quốc chỉ luôn nhăm nhe vào “cùng khai thác” trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác thì gần đây rất nhiều ý kiến ở Trung Quốc đã đưa ra ý kiến “gác tranh chấp, không khai thác”, nghĩa là không cho các nước khác khai thác nếu không chấp nhận “cùng khai thác” với Trung Quốc. Trên thực tế thời gian qua, Trung Quốc đã nhiều lần cản trở, phá hoại các hoạt động dầu khí của các nước ven Biển Đông. Điển hình là việc tàu Trung Quốc cản phá hoạt động của một tàu khảo sát của Philippin trên thềm lục địa của Philippin tháng 3/2011; cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam trên thềm lục địa của Việt Nam tháng 5/2011; phá hoại cáp của tàu Viking 2 của Việt Nam ở thềm lục địa phía Nam của Việt Nam và gần đây nhất là tàu Trung Quốc đã quấy nhiễu hoạt động của một tàu khảo sát địa chấn của Malaysia trong thềm lục địa của Malaysia…. Mục tiêu của hành động này chính là để chờ đến thời điểm “năng lực khai thác tài nguyên biển của Trung Quốc đã được nâng cao” Trung Quốc sẽ tự mình khai thác ở những khu vực này.
Ảnh minh họa: Internet.
Việc Báo cáo chính trị của Đại hội 18 khẳng định Trung Quốc “kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển quốc gia” thì lại còn đáng lo ngại hơn nhiều vì các nước láng giềng đều không biết được giới hạn của cái gọi là “quyền lợi biển” của Trung Quốc là ở đâu? Nếu lợi ích biển quốc gia của Trung Quốc nói ở đây chính là cái “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc đã nêu ra đối với Biển Đông từ đầu năm 2010 thì rõ ràng sẽ đe dọa không chỉ lợi ích của các nước ven Biển Đông mà còn đe dọa đến cả an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mỗi quốc gia ven biển đều có lợi ích của mình đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, điều này cần được tôn trọng. Tuy nhiên, “quyền lợi biển quốc gia” mà Trung Quốc nói đến ở đây lại trà đạp lên lợi ích của các nước ven biển khác, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi phải chăng “quyền lợi biển quốc gia” của Trung Quốc là “đường lưỡi bò”, là “thành phố Tam Sa”, là quần đảo Senkaku? Việc bảo vệ cái được gọi là “quyền lợi biển quốc gia” này của Trung Quốc chính là nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Nội dung “xây dựng quốc gia mạnh về biển” phải chăng là việc tăng chi phí quốc phòng lên 2 con số hàng năm tập trung cho việc tăng cường lực lượng hải quân, không quân để khống chế cả trên biển lẫn trên không? Quốc gia mạnh về biển được nêu trong Báo cáo chính trị Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là việc xây dựng tàu sân bay, tập trận thường xuyên trên biển với sự tham gia của tàu chiến, tàu khu trục, tàu ngầm…? Mạnh trên biển để rồi tàu cá Trung Quốc ào ạt xông ra Biển Đông và biển Hoa Đông để dung số đông lấn án các hoạt động kinh tế của các nước ven biển khác; mạnh về biển để đe dọa các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc.
Tại Đại hội 18, khi thảo luận về nội dung các chính sách biển của Trung Quốc nhiều đại biểu kêu gọi “đẩy mạnh xây dựng lực lượng hải quân Trung Quốc trở thành một trong những lực lượng hải quân hàng đầu thế giới, bảo vệ có hiệu quả chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển” của Trung Quốc. Thậm chí có đại biểu còn vu cáo các nước láng giềng “không thèm để ý đến quan hệ hữu nghị” với Trung Quốc, “sức gây sự, xâm phạm tài nguyên biển và đe dọa đến an ninh quốc gia” của Trung Quốc. Đáng chú ý là tờ China Daily hôm 09/11/2012 của Trung Quốc còn cho biết Trung Quốc đã thành lập một Văn phòng bảo vệ quyền lợi biển ở cấp cao với thành phần là Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Với những nội dung được đưa vào Báo cáo Chính trị của Đại hội 18 và ý kiến của các đại biểu trong thảo luận có thể thấy rằng chính sách vươn lên thành một cường quốc quân sự biển của Trung Quốc đã được nâng lên tầm quốc sách. Đây là bước chuẩn bị cho những hành động mới leo thang ở mức độ nghiêm trọng hơn trên biển, trước mắt là ở Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc trong thời gian tới. Giờ đây, các nhà phân tích mới hiểu ra rằng những hành động gây hấn với các nước ven Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông ngay trước thềm Đại hội 18 chính là bước thăm dò dư luận để chuẩn bị cho những quyết sách mới liên quan đến vấn đề biển đảo được đưa ra tại Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dư luận quốc tế đang chăm chú theo dõi những nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc mới được bầu ra tại Đại hội 18 sẽ hành động thế nào với các nước láng giềng ven biển. Với những nội dung về phương hướng triển khai chính sách biển của Quốc được đề cập tại Đại hội 18 thì xem ra những người Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh vừa được bầu ra còn hiếu chiến, hung hãn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của họ trong việc thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Chúng ta hãy cùng chờ xem.