Với thù lao cho mỗi thành viên hội đồng quản trị vào khoảng hơn 300 triệu đồng một tháng, có cổ đông cho rằng quá cao so với nhiều doanh nghiệp có quy mô tương đương.
Ông Trần Đình Long đề nghị đây là lần cuối đại hội nói về thù lao và lương.
Việc trích lập 35 tỷ đồng để chi trả thù lao cho Hội đồng quản trị là một trong những nội dung được Đại hội cổ đông Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) thông qua trong phiên họp thường niên sáng nay (31/3) tại Hà Nội.
Hội đồng quản trị của Hòa Phát có 10 thành viên, song một người đã nghỉ từ tháng 8/2015. Theo đó, mỗi thành viên được nhận mức thù lao khoảng 3,9 tỷ đồng, tương đương mức trung bình hơn 300 triệu đồng mỗi tháng. Riêng Ban Giám đốc (gồm 36 người) được nhận 5% quỹ khen thưởng từ phần vượt kế hoạch năm, tương đương 13 tỷ đồng.
Một số cổ đông cho rằng mức thù lao như vậy là quá lớn so với các doanh nghiệp có quy mô tương đương hoặc cùng ngành nghề.
“Tôi cũng nắm được thông tin thù lao của một số ngân hàng lớn chỉ vào khoảng 0,35% lợi nhuận sau thuế. Hoặc so sánh với thù lao của Công ty Cơ điện lạnh (REE), vốn cũng cao, lợi nhuận cũng cao mà thù lao là 3,4 tỷ. Tất nhiên mức thù lao nói trên ở các công ty là có chuyện kiêm nhiệm nữa nhưng tôi đặt trong sự so sánh thì vẫn chưa giải thích nổi. Thực sự là tôi cảm thấy hơi choáng”, một nữ cổ đông cho hay.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát cho rằng với quy mô doanh thu trên một tỷ USD thì số lượng doanh nghiệp trên thị trường không phải nhiều. Tuy nhiên, cũng hiếm có doanh nghiệp nào như Hòa Phát khi năm nào cũng vừa mở rộng đầu tư, vừa chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
“Có những doanh nghiệp kế hoạch hoành tráng nhưng tiền tươi thì không có cho cổ đông. Tôi vẫn nghĩ rằng đáng biểu dương ban điều hành, hiếm có công ty nào vừa đầu tư, vừa rút ra cả nghìn tỷ để trả cổ tức. Mức thù lao như vậy nói cao cũng đúng mà nói thấp thì cũng đúng. Thù lao 35 tỷ là chúng tôi làm ra 3.500 tỷ chứ nếu làm ra 5 tỷ thì cũng được rất thấp”, ông Long nhận xét.
Về mức lương và khen thưởng cho ban điều hành, ông Long cũng cho rằng rất khó để so sánh. “Với quy mô của Hòa Phát, lương như Tổng giám đốc chắc khó tìm người nhận dưới 300 triệu một tháng. Tuy nhiên, lương anh Dương (Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương) chỉ là 70 triệu đồng một tháng trước thuế. Tôi nói ra đây đúng là xấu hổ quá vì mức lương quá thấp. Tôi xin nói lại đây sẽ là buổi cuối cùng chúng ta nói về thù lao và lương”, ông Long cho hay.
Cũng tại Đại hội sáng nay, lãnh đạo Hòa Phát cho biết đã đạt doanh thu 27.864 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.504 tỷ đồng năm 2015. Không ít cổ đông cũng bày tỏ sự băn khoăn về sự dè dặt trong kế hoạch kinh doanh năm 2016 của Hòa Phát khi mục tiêu lợi nhuận chỉ bằng 90% mức thực hiện nêu trên với 3.200 tỷ đồng.
“Kế hoạch năm 2016 chỉ bằng 90% của năm trước. Tất nhiên, báo cáo đã chỉ ra một số khó khăn của thị trường nhưng cũng có nhiều điểm thuận lợi hơn, đặc biệt khi thị trường bất động sản có khởi sắc. Phải chăng chúng ta nên đặt ra mức tăng trưởng so với năm ngoái cho phấn khởi”, một cổ đông nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Long cho rằng, lợi nhuận cao ai cũng muốn. Nhưng đó là vấn đề mâu thuẫn muôn thuở giữa bên sở hữu và ban điều hành. “Thời điểm xây dựng kế hoạch là cuối năm 2015, giữa bối cảnh các giá nguyên liệu cơ bản như giá dầu, quặng sắt… đều giảm. Trong đó sản phẩm thép chiếm 80% doanh thu của tập đoàn cũng giảm giá tới 30%. Nhu cầu sắt thép giảm nên lợi nhuận cũng giảm theo”, ông Long cho hay.
Chủ tịch Hòa Phát cũng cho biết, kế hoạch xây dựng ban đầu lợi nhuận chỉ là 2.500 tỷ đồng nhưng sau đó đã được điều chỉnh lên 3.200 tỷ.
“Tôi cũng đang là cổ đông, tôi cũng muốn lợi nhuận nhiều nhất, khát khao của tôi không kém gì các cổ đông khác về con số doanh thu, lợi nhuận. Chúng ta ngồi đây nói thì rất dễ nhưng tôi nghĩ rằng, phải chia sẻ với người điều hành. Tôi chỉ có một cam kết là sẽ làm hết sức, không kể ngày đêm”, ông Long nhấn mạnh.