Sau nhiều hù doạ, mua chuộc và áp lực để mưu toan cưỡng chiếm Biển Đông, nay Trung Quốc vừa liều lĩnh làm một việc ngoài khả năng tiên liệu.
Đó là những tấm hộ chiếu bị đóng dấu “huỷ” xuất hiện mấy ngày qua trên truyền thông trong nước và quốc tế, được biết hơn 200 tấm đã đến các cửa khẩu Việt Nam. Bên trong các hộ chiếu ấy có đầy đủ số trang gồm một bản đồ của Trung Quốc được phác thảo ở góc trái còn cả Đài Loan và vùng biển lân cận, nằm bên trong các “đường đứt khúc chín đoạn”.Chiến lược cũ, hành vi mới
“Đây có thể xem là bước leo thang khá nghiêm trọng, vì Trung Quốc cấp hàng triệu hộ chiếu mới và hộ chiếu người lớn có giá trị đến mười năm”. Một nhà ngoại giao cao cấp tại Bắc Kinh cho biết và yêu cầu giấu tên bởi tính nhạy cảm của vấn đề. “Nếu Bắc Kinh sau này thay đổi quan điểm thì họ buộc phải thu hồi tất cả những hộ chiếu đó”.
Tàu Trung Quốc. Ảnh: Internet.
Cuối tuần qua, các hiệu sách lớn tại Trung Quốc bắt đầu bày bán những tấm bản đồ “thành phố Tam Sa” – đơn vị hành chính Bắc Kinh vừa mới thành lập, để cai quản gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Trong đó có quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng võ lực đánh chiếm từ Việt Nam và quần đảo Trường Sa hiện đang còn tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Những tấm bản đồ này nhấn mạnh đến đảo Vĩnh Hưng, trụ sở của cái gọi là “chính quyền Tam Sa”. Đảo này, tên quốc tế là Woody Island, Việt Nam gọi là Phú Lâm, đảo lớn nhất ở Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1974.
Cả hai hành vi nói trên đều nằm trong chiến lược lâu nay Bắc Kinh tìm cách buộc các quốc gia trên thế giới và trong khu vực thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên tất cả các vùng tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, mặc dù các vùng này cũng được Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Brunei và Malaysia cùng lên tiếng tuyên bố chủ quyền. Mặc dù chưa tiên liệu được kết quả cuối cùng, vụ hộ chiếu và bản đồ lần này có thể là một phần trong bộ phim dài nhiều tập từng kêu gọi sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Sự kiện bản đồ trên những tấm hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc có thể là hành động có tính toán nhằm thử thách phản ứng của các nước trong khu vực kể cả Ấn Độ và một số nước lớn khác đang có những cạnh tranh đáng kể với sức vươn dậy của Trung Quốc trên bàn cờ chính trị – kinh tế thế giới.
Sẽ có phản ứng ngược
Việc in hình ảnh lãnh hải nước khác vào hộ chiếu của công dân nước mình là một tiền lệ chưa từng có trong quan hệ bình thường giữa các quốc gia. Hành động ngang ngược này của Trung Quốc chỉ có thể giải thích từ những sự kiện mà nước này từng âm mưu và thất bại. Những diễn tiến liên tục trong thời gian gần đây cho thấy mỗi ngày ý đồ bành trướng của Bắc Kinh thêm lộ liễu hơn, bất chấp những giá trị phổ quát nhất trên trường ngoại giao quốc tế.
Hành động không xứng với tầm cỡ cường quốc của Bắc Kinh không những bị thế giới chê bai, mà còn phản tác dụng khi gián tiếp thúc đẩy cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Philippines, Việt Nam, Malaysia, và Brunei vào 12.12 sắp tới trong khuôn khổ tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
Với những hành động mới đây, Trung Quốc đã tạo nên tiếng nói chung giữa những nước bị đường lưỡi bò chèn lấn. Trước đây khi Trung Quốc có những hành động riêng rẽ ức hiếp các nước trong khu vực thì phản ứng của từng nước không giống nhau. Khi hàng vạn tàu Trung Quốc ào ạt xuống Biển Đông, khi ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt bớ hoặc tấn công, hầu như không một nước nào lên tiếng cho dù chỉ là loan tin. Khi vụ bãi cạn Scaborough nổ ra giữa Philippines và Trung Quốc nhiều nước tỏ ra vô can, xem như việc tranh chấp là chuyện nhà của người khác. Trước đây vấn đề Biển Đông được các tờ báo nổi tiếng Tây phương xem như chuyện địa phương thì ngay sau khi tin tức cho in tấm bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu đã làm thế giới giật mình và đánh hơi thấy đây chính là đề tài nóng và nguy hiểm. Khi báo chí thế giới nhập cuộc thì trái banh khó lòng chỉ nằm trong chân Trung Quốc.
Mạnh Trần