Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMở đường bay du lịch ra Trường Sa: Ai cũng mong...

Mở đường bay du lịch ra Trường Sa: Ai cũng mong…

Mở đường bay ra Trường Sa, giúp mong ước của hàng triệu triệu người dân VN muốn được một lần ra Trường Sa đã sắp thành hiện thực.

Ông Bùi Minh Thắng – Giám đốc công ty TNHH TMDV Phương Thắng (Nha Trang) cho biết, chủ trương xây dựng, phát triển vịnh Cam Ranh trở thành điểm du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc tế. Thành phố Nha Trang là đô thị du lịch, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia và Trường Sa thành điểm du lịch quốc gia cùng với đề án mở đường bay ra quần đảo này là tín hiệu mừng cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Trường Sa nói riêng.

Vui hơn nữa, ông cho biết, mong ước của hàng triệu triệu người dân Việt Nam mong muốn được một lần ra Trường Sa đã sắp trở thành hiện thực.

Chủ trương là vậy nhưng kế hoạch triển khai, khai thác tuyến du lịch này thế nào cho hiệu quả thì vị giám đốc cho hay, cần có đánh giá, nhìn nhận cho đúng về nhu cầu cũng như điều kiện thực tế tại khu vực này.  

Về nhu cầu, theo đánh giá, gần như tất cả người dân Việt Nam đều có mong ước muốn một lần được đến Trường Sa, vì thế, nhu cầu thực tế là rất lớn. 

Ông cho biết, đặc thù của tour du lịch Trường Sa rất khác với các tour du lịch trong nước khác vì nó luôn gắn với lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào độc lập chủ quyền. Do đó, ngay từ đầu giá tour đã rất cao mà nếu với một tour du lịch bình thường chắc chắn sẽ không có du khách nào muốn đi.

Theo tính toán của ông, một tour khoảng 3 ngày 2 đêm tại Trường Sa nếu đi bằng máy bay sẽ có giá khoảng 20 triệu. Trong khi hiện nay, một tour đi bằng tàu, thuyền có giá khoảng 60 triệu (đắt hơn cả chi phí một tour đi Mỹ). Vì thế, khi xây dựng tour các doanh nghiệp lữ hành nên khéo léo đưa người dân vào du lịch (theo dạng du lịch cộng đồng) nhằm tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho người dân trên đảo, đồng thời tạo điều kiện cho người dân biển đảo được giao lưu với đất liền.

Do đó, nếu mở đường bay tới thẳng đảo Trường Sa sẽ khắc phục được vấn đề chi phí và tạo bước đột phá trong phát triển, khai thác du lịch tại quần đảo này.

Tuy nhiên, theo vị Giám đốc công ty TNHH TMDV Phương Thắng, nếu mở đường bay ra đảo Trường Sa cũng sẽ có những thuận lợi cũng như khó khăn, cụ thể ông phân tích:

Về thuận lợi, nếu mở thêm đường bay ra đảo, chắc chắn sẽ giảm bớt được gánh nặng chi phí cho du khách. Vấn đề là điều kiện sân đỗ, đường băng, liệu Trường Sa có thể tiếp nhận được máy bay dân sự không, nếu tiếp nhận được thì có thể tiếp nhận được loại nào?.

“Theo tôi, với điều kiện hiện tại, Trường Sa chỉ có thể tiếp nhận được máy bay AT-R72. Nếu máy bay này có thể ra đó được sẽ giảm được chi phí đáng kể cho các tour ra đảo. Như vậy, sẽ tăng thêm nhu cầu muốn được ra đảo của không chỉ du khách trong nước mà cả với du khách nước ngoài cũng hào hứng tham gia”, ông Thắng nói.

Về khó khăn, ông chỉ ra mấy điểm cụ thể như sau:

Đầu tiên, về vấn đề tổ chức. Theo ông Thắng, công tác tổ chức tour, đưa khách ra tham quan, bố trí cơ sở hạ tầng, ăn nghỉ cho khách trên đảo là điều rất quan trọng. Vì vậy, lựa chọn Công ty lữ hành nào đủ uy tín để đứng ra tổ chức, đảm nhận các tour này là trọng trách của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Tôi cho rằng, nên mở rộng số lượng đơn vị tham gia thay vì một nên có từ 2-3 Công ty lữ hành cùng tổ chức để tránh tình trạng độc quyền, ép giá du khách. Trên cơ sở tổ chức đấu thầu, loại dần những đơn vị yếu, kém, không đủ năng lực, các công ty trúng thầu có thể là doanh nghiệp tại các khu vực miền Bắc, miền Nam, cũng có thể là khu vực miền Tây. Nếu có được từ 2-3 tới doanh nghiệp cùng tham gia, chắc chắn du khách sẽ được hưởng một dịch vụ cạnh tranh hơn, với sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng cao hơn”, ông Thắng nói. 

Về phía các doanh nghiệp lữ hành, bên cạnh các khoản thuế, phí bắt buộc phải đóng góp cũng cần khuyến khích đóng góp tự nguyện theo hình thức “góp đá xây dựng Trường Sa”, nhằm tạo điều kiện xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho biển đảo.

Tiếp đến, ông Thắng cho hay, các doanh nghiệp trúng thầu phải tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, trên cơ sở đó xây dựng chương trình du lịch vừa an toàn, hấp dẫn.

“Theo tôi, không lên kéo dài tour quá nhiều ngày vì như vậy sẽ tốn kém, nhàm chán. Nhưng cũng không nên quá ngắn ngày vì như vậy du khách chưa kịp để cảm nhận hết vẻ đẹp của Trường Sa. Vì thế, chỉ nên tổ chức tour khoảng 3 ngày 2 đêm là hợp lý”, vị giám đốc nêu quan điểm.  

Vấn đề nữa, như ông Thắng nói, đi du lịch bằng máy bay sẽ rút ngắn được thời gian, tiết kiệm chi phí nhưng ngược lại cũng có nhiều hạn chế nhất định.

Theo ông, nếu đi bằng máy bay du khách sẽ chỉ phải bay thẳng một mạch từ đất liền ra đảo, giao lưu với người dân, bộ đội trên đảo rồi về mà không được đi nhiều điểm, không được thong dong ngồi thuyền câu cá, hoặc tham gia các trò thể thao trên biển…Như vậy, sẽ thiếu cái thú vị cho du khách.

Do đó, các doanh nghiệp kinh khai thác du lịch khi đã trúng thầu phải tính tới giải pháp khắc phục hạn chế trên.

“Phải xây dựng cơ sở lưu trú, nơi ăn nghỉ, khu vơi chơi, giải trí phục vụ du khách vào ban đêm. Cũng có thể trang bị thêm các thuyền cao su để du khách có thể đi câu cá, du lịch quanh đảo, ngắm san hô trên đảo vào ban đêm”. Nhưng ông Thắng đặc biệt lưu ý, mọi vấn đề xây dựng phải được tính toán bài bản, giữ nguyên hiện trạng biển đảo, tránh làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của sinh vật biển.  

Cuối cùng, ông Thắng cho hay, vấn đề truyền thông, ngoại giao cũng phải khéo léo. Vì Trường Sa vẫn là khu vực nằm trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và trung Quốc, do đó, khi đưa du khách ra thì các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp lữ hành phải tính toán tới yếu tố an toàn cho du khách.

RELATED ARTICLES

Tin mới