Friday, December 27, 2024
Trang chủNước Việt đẹpTrạm BOT đua nhau tăng phí: Có sự thông đồng trục lợi?

Trạm BOT đua nhau tăng phí: Có sự thông đồng trục lợi?

Nhiều ĐBQH cho rằng cần phải công khai, minh bạch hợp đồng, mức phí và thời gian thu BOT để người dân hiểu và thực hiện quyền giám sát.

Dễ có sự thông đồng trục lợi

Liên quan đến việc nhiều trạm BOT đua nhau tăng phí thời gian qua khiến người dân và nhiều chuyên gia giao thông hết sức lo ngại, trao đổi với Đất Việt, ông Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng việc thiếu công khai, minh bạch hợp đồng, mức phí và thời gian thu BOT đang khiến người dân chịu thiệt thòi, phải đóng phí cao.

“Người dân tù mù không hiểu thu hồi vốn kiểu nào, đành rằng tất cả những cái đó đều có quyết định của các bên có trách nhiệm như ngân hàng, bên các bộ quản lý. Nhưng họ không được giám sát và sẽ rất dễ có sự thông đồng giữa các bên với nhau nhằm trục lợi cá nhân. Đương nhiên chúng ta rất quan tâm đến nhà đầu tư vì họ bỏ tiền ra thì phải có lãi, tuy nhiên cách công bố hiện nay rất tù mù.

Tôi đề nghị có những công bố công khai ở các trạm thu phí, cụ thể như: đường này nhà đầu tư hết bao nhiêu tiền, nhà nước cho phép sử dụng trong bao nhiêu lâu, lưu lượng đi được bao nhiêu, khoản thu mỗi ngày là bao nhiêu và tính lại xem lợi ích của nhà đầu tư có chính đáng hay không”, ông Quốc chỉ rõ.

Theo ĐBQH tỉnh Đồng Nai, vai trò quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Các cơ quan nhà nước phải chủ động, không nên ỉ lại theo hình thức đầu tư BOT.

“Cơ sở hạ tầng đầu tiên là phải trách nhiệm của nhà nước. Trong trường hợp nhà nước không đủ vốn thì chúng ta bổ sung thêm. Chứ không thì tất cả mọi cái đều BOT cả. Vậy vai trò của nhà nước trong vấn đề xây dựng hạ tầng mà cái đó bắt nguồn từ thuế của dân, cái đóng góp của quốc gia chứ không nên ỉ lại theo phương thức đầu tư BOT ấy.

Ngoài ra rất nhiều đường vốn là nhà nước đầu tư rồi chỉ sửa chữa ở mức độ nào, ở đôi chỗ người ta chỉ thấy anh rải thảm lên trên thế thôi rồi thu phí. Tôi cho rằng quan trọng nhất là minh bạch để cho người dân giám sát được”, ông Quốc nêu vấn đề.

Là người từng được cử tri trực tiếp đưa ra các kiến nghị bày tỏ bức xúc về các mức thu bất hợp lý tại trạm BOT, ông Quốc cho rằng tại nhiều địa phương tình trạng này vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.

“Công trình ở Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu chẳng hạn, dù chưa hoàn thành nhưng 4 năm nay chủ đầu tư đã tiến hành thu phí và người dân dù không muốn nhưng khi qua đây vẫn phải đóng tiền. Như vậy là bất hợp lý. Trước đây người dân trạm BOT QL6 Xuân Mai – Hòa Bình cũng rất bức xúc trước việc tăng phí này. Vì thế cần phải tăng cường giám sát vì giao thông là lĩnh vực rất quan trọng, nó cũng giống như giáo dục, giống như y tế, nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân”, ông Quốc nêu dẫn chứng.

Ngoài ra, vị ĐBQH tỉnh Đồng Nai khẳng định, cần phải tiến tới áp dụng công nghệ trong quá trình thu phí để hạn chế đến mức thấp nhất việc thu phí sai quy định cũng như những tiêu cực có thể xảy ra.

“Không hiếm các hiện tượng những người đi qua trạm BOT đều biết tiền phí đó có thể không đưa vào trong quỹ mà các nhân viên ở đấy bỏ túi.  Vì thể cần tăng cường hơn nữa việc sử dụng công nghệ trong quá trình thu phí để thực hiện quyền giám sát của công dân cũng như đảm bảo chính xác số lượng mà nhà đầu tư thu được.

Ngoài ra, với các đường cao tốc chúng ta cũng đã tiến hành thu phí 1 lần, trả theo km đi nhưng có những con đường không phải đường cao tốc có rất nhiều đường cắt ngang cho nên việc thu phí rất khó tính toán. Cái này cũng cần xem xét lại cho hợp lý”, ông Quốc đánh giá.

Xử lý nghiêm nhà đầu tư BOT vi phạm

Cũng đưa ra nhận định về vấn đề này, bà Bùi Thị An – ĐBQH Hà Nội, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho hay, trong các lần tiếp xúc cử tri vấn đề người dân bức xúc nhất là chuyện giá cả và cách tính thầu trong BOT.

“Cử tri phàn nàn chuyện làm đường giá rất đắt, trong phí thu qua trạm cũng đắt như thế chỉ lợi cho doanh nghiệp và người dân luôn phải chịu thiệt. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng ta phải tìm cách giảm gánh nặng, phải thương dân chứ không phải để họ đã trả những khoản tiền bất hợp lý như vậy”, bà An nói.

Trước những kiến nghị của người dân, nữ ĐBQH Hà Nội cho rằng chính phủ và các bộ, ngành cần phải có những biện pháp thích hợp để giải quyết triệt để tình trạng này.

“Thứ nhất, Chính phủ phải xem xét lại giá dự án, giá đấu thầu có hợp lý hay không. Thứ hai, phải nghiên cứu các dự án BOT, tiến hành khống chế đến mức tối đa không được tăng liên tục tăng quá cao. Thứ ba là xem lại chất lượng đường của mình để đưa ra mức thu phù hợp. Thứ tư là phải xử nghiêm chủ đầu tư vi phạm. Nếu cần thì đình chỉ vĩnh viễn không cho tham gia các loại thầu đó nữa. Phải làm nghiêm khắc, không thể để tình trạng trên bảo dưới không nghe được”, bà Anh đánh giá.

ĐB Trần Ngọc Vinh – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cũng thừa nhận, giá vé tại các trạm thu phí quá cao đã gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân.

Theo ông Vinh việc cần làm ngay lúc này đó là cân đối giữa lợi ích của nhà đầu tư và của người dân để đẩy mạnh lưu thông trên các tuyến đường BOT, tránh lãng phí.

“Mức thu BOT hiện nay còn cao hơn so với mức thu nhập của người dân. Nhưng chủ đầu tư lại lý luận những người dân có phương tiện thì không phải là những người có thu nhập thấp. Thu nhập thấp làm gì có ô tô đi ngoài đường. Việc tăng phí BOT đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vận tải sẽ đội giá thành lên do vậy mình phải tính toán thế nào cái giá nó hợp lý, có thể cho phép kéo dài thời gian thu. Chẳng hạn như thu 20 năm thì giờ kéo dài ra 25 năm như vậy sẽ hạ giá thành xuống, sẽ phù hợp hơn với thu nhập của người dân.

Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh rà soát lại các trạm thu phí BOT, xem vốn đầu tư có đúng không, xem chi phí làm đường có lãng phí không. Từ đó sẽ có những điều chỉnh cho hợp lý”, ông Vinh nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới