Thành phố Yokosuka của Nhật Bản đã chính thức áp dụng ChatGPT vào hoạt động hành chính từ ngày 5.6 sau một tháng thử nghiệm cho thấy công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) này giúp cải thiện hiệu quả công việc.
Thành phố Yokosuka, thuộc tỉnh Kanagawa ở phía nam Tokyo, đã trở thành chính quyền địa phương đầu tiên ở Nhật Bản sử dụng thử nghiệm ChatGPT, ứng dụng Generative AI (AI tạo sinh) được điều khiển bởi một mô hình học máy hoạt động giống như bộ não con người.
Trong quá trình thử nghiệm, công chức thành phố đã sử dụng ChatGPT để tạo bản tin, tóm tắt nội dung các cuộc họp và chỉnh sửa lỗi đánh máy trong các tài liệu, bên cạnh một số mục đích khác, theo tường thuật của hãng tin Kyodo.
Chính quyền thành phố ước tính, nếu tiếp tục sử dụng ChatGPT, thời gian làm việc có thể giảm ít nhất khoảng 10 phút mỗi ngày.
“Chúng ta có một công cụ tuyệt vời. Nó sẽ giúp giảm chi phí lao động. Đưa AI vào công việc văn thư là điều quan trọng”, Thị trưởng Katsuaki Kamiji nói trong một cuộc họp báo mới đây.
Song thành phố cũng lưu ý rằng khoảng một nửa số người được khảo sát cho biết họ không hài lòng với độ chính xác của các phản hồi mà ChatGPT đưa ra.
Chính phủ các nước chạy đua tìm cách quản lý công cụ AI
Để nâng cao kỹ năng, thành phố sẽ tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia và tổ chức các cuộc thi tình huống về cách tạo “prompt” (câu lệnh) hiệu quả để một chatbot như ChatGPT đưa ra phản hồi chính xác hơn.
Chatbot là các ứng dụng phần mềm được huấn luyện bằng cách sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ từ internet, cho phép chúng xử lý và mô phỏng các cuộc trò chuyện giống con người với người dùng. Chúng đưa ra câu trả lời dựa trên hướng dẫn và câu hỏi của người dùng.
Có những lo ngại về việc thông tin bí mật bị rò rỉ do sử dụng ChatGPT. Chính quyền Yokosuka cho biết họ không cho phép công chức thành phố nhập thông tin cá nhân khi sử dụng ứng dụng này.
Tuần trước, cơ quan giám sát quyền riêng tư của Nhật Bản đã đưa ra chỉ thị hành chính cho OpenAI, công ty Mỹ đứng sau ChatGPT, yêu cầu công ty không thu thập thông tin cá nhân nhạy cảm, chẳng hạn như bệnh án hoặc tiền án tiền sự, mà không có sự đồng thuận của các cá nhân.
Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân của chính phủ Nhật Bản cũng cảnh báo các cơ quan hành chính về nguy cơ quyền riêng tư bị xâm phạm xuất phát từ việc nhập thông tin cá nhân vào chatbot.