Sau khi bị chậm 4 năm và đội vốn hơn 1 tỷ USD, dự án tàu cao tốc Jakarta-Bandung của Indonesia hợp tác với Trung Quốc tiếp tục đối mặt với trở ngại trước khi đi vào vận hành thương mại.
Reuters đưa tin, Bộ Giao thông vận tải Indonesia và 3 công ty tư vấn đã không đồng ý với kế hoạch của một tập đoàn do Trung Quốc cấp vốn nhằm bắt đầu vận hành thương mại toàn bộ dự án tàu cao tốc đầu tiên trị giá 7,3 tỷ USD của Jakarta vào tháng 8.
Dự án Jakarta-Bandung dài 142km – nằm trong Sáng kiến Một vành đai, một con đường do Trung Quốc khởi xướng – đã chậm 4 năm so với kế hoạch và đội vốn 1,2 tỷ USD. Tập đoàn KCIC đứng sau dự án là liên doanh giữa các công ty nhà nước Trung Quốc và Indonesia.
Vài tháng trước khi dự án dự kiến vận hành thương mại vào tháng 8, phía công ty Trung Quốc đề xuất Indonesia cấp giấy phép hoạt động cho toàn tuyến bất chấp việc một nhà ga chưa hoàn thiện.
Đáp lại, Bộ Giao thông vận tải Indonesia và các công ty tư vấn Mott MacDonald, PwC và công ty luật địa phương Umbra cho rằng, các hoạt động khai thác thương mại chính thức có thể bắt đầu vào tháng 1/2024.
“Có rủi ro là mục tiêu dự án đi vào hoạt động thương mại vào tháng 8 có thể bị trì hoãn để hoàn thành tất cả việc xây dựng trước ngày 31/12”, báo cáo mang tên Cập nhật tiến độ ngày 14/5 mà Reuters tiếp cận được, viết.
Theo Reuters, nếu dự án tàu cao tốc được vận hành theo đúng kế hoạch, nó sẽ mang lại lợi thế cho đảng cầm quyền ở Indonesia trước thềm cuộc bầu cử năm sau.
“Nếu dự án tiếp tục bị trì hoãn, nó sẽ trở thành điểm bất lợi khiến phe đối lập tận dụng để tấn công (đảng cầm quyền)”, Teuku Rezasyah, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Padjadjaran (Indonesia), nhận định. Nhà phân tích trên cũng cảnh báo rằng, việc dự án tiếp tục bị “lỡ hẹn” cũng có nguy cơ làm giảm uy tín của Trung Quốc trong việc phát triển và thực hiện các dự án lớn khác trong khu vực.
Dự án có kế hoạch chạy thử có hành khách vào giữa tháng 8, bắt đầu bán vé vào tháng 9 và phần nhà ga chưa xây xong dự kiến hoàn thiện vào tháng 11. Hiện chưa rõ nó có thể sẽ bị chậm thêm bao lâu nữa.
KCIC thắng thầu dự án đường sắt cao tốc vào năm 2015 sau khi đưa ra phương án giá rẻ hơn đối thủ Nhật Bản, vào dự kiến hoàn thành năm 2019. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm do các vấn đề về giải phóng mặt bằng, các câu hỏi về tác động tới nền kinh tế và đại dịch Covid-19.
Theo Reuters, tình trạng chậm trễ và đội chi phí không phải là hiếm gặp trong các dự án đường sắt cao tốc trên toàn cầu, kể cả ở các nước phương Tây.
KCIC ước tính sẽ mất 40 năm để khoản đầu tư bắt đầu mang lại lợi nhuận, gấp đôi so với con số dự kiến ban đầu mà họ đưa ra khi thắng thầu. Với tốc độ tàu lên tới hơn 200km/h, tuyến đường sắt sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 2 giờ 30 phút xuống còn 45 phút.
Tuy nhiên, một vấn đề khác lại tiếp tục nảy sinh khi các nhà ga tàu được đặt ở khu vực ngoại ô thành phố – dẫn tới việc có thể khó thu hút các khách hàng, đặc biệt là nhóm doanh nhân.
Sutanto Soehodho, nhà phân tích giao thông tại Đại học Indonesia cho biết: “Họ coi trọng thời gian và tìm kiếm sự tiện lợi. Nhưng nếu họ cần phải chuyển phương tiện một lần nữa (để vào trung tâm) thì họ đi tàu để làm gì?”.
T.P