Đông Nam Á trong vài tháng qua đã và đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt được mô tả là “trăm năm mới có một lần”, khi nhiều quốc gia chứng kiến những kỷ lục nhiệt độ bị xô đổ.
Báo cáo của World Weather Attribution (WWA), một liên minh các nhà khoa học quốc tế, cho biết đợt nắng nóng hồi tháng 4 ở Đông Nam Á là sự kiện 200 năm mới có một lần và “hầu như không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Thông thường, tháng 4 và tháng 5 sẽ là những tháng nóng nhất trong năm ở Đông Nam Á khi nhiệt độ tăng lên trước khi những cơn mưa gió mùa mang lại cảm giác dễ chịu. Năm nay, nhiều quốc gia tại khu vực này đã chứng kiến mốc nhiệt độ cao kỷ lục.
Theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera, Thái Lan ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử ở mức 45,4 độ C vào 15/4, trong khi nước láng giềng Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C trong 2 ngày liên tiếp vào tháng 5.
Ông Herrera mô tả, Đông Nam Á đang trải qua “đợt nắng nóng không hồi kết khắc nghiệt nhất” kéo dài sang tới tháng 6. Cái nóng thiêu đốt ở Đông Nam Á thậm chí còn trở nên khó chịu và nguy hiểm hơn do độ ẩm cao – một sự kết hợp có thể gây chết người vì khiến cơ thể khó khăn hơn trong việc hạ nhiệt.
Các bệnh liên quan đến nhiệt, như say nắng và kiệt sức vì nóng, có các triệu chứng nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tim và các vấn đề về thận, tiểu đường và người mang thai.
“Khi độ ẩm xung quanh rất cao, cơ thể sẽ tiếp tục đổ mồ hôi để cố gắng giải phóng độ ẩm để tự làm mát, nhưng do mồ hôi không bay hơi được nên cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng, và trong trường hợp cấp tính có thể dẫn đến say nắng và tử vong. Đó là lý do vì sao nóng ẩm lại nguy hiểm hơn nóng khô”, chuyên gia Mariam Zachariah Đại học Hoàng gia London, Anh, cho biết.
Để hiểu chính xác tác động của nắng nóng tới con người, các nhà khoa học thường dùng thuật ngữ “nhiệt độ cảm nhận” – khái niệm ám chỉ mức độ nóng mà cơ thể người có thể cảm thấy trên thực tế, kết hợp giữa cả nhiệt độ, độ ẩm không khí và những yếu tố khác.
Một phân tích của CNN cho thấy từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, tất cả 6 quốc gia ở phần lục địa của Đông Nam Á đã đạt đến mức nhiệt độ cảm nhận ở mốc 40 độ C trở lên mỗi ngày. Con số này ở trên ngưỡng được coi là nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người không quen với nhiệt độ quá cao.
Ở Thái Lan, có 20 ngày trong tháng 4 và ít nhất 10 ngày trong tháng 5, mức nhiệt độ cảm nhận trên 46 độ C. Trong suốt tháng 4 và tháng 5, Campuchia, Lào và Malaysia đều có vài ngày trải qua tình trạng nắng nóng cực độ. Myanmar có 12 ngày như vậy – cho đến khi bão Mocha đổ bộ.
Theo báo cáo của World Weather Attribution, đợt nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 5 ở Đông Nam Á đã gây ra tình trạng nhập viện trên diện rộng, làm hư hỏng đường xá, gây ra hỏa hoạn và khiến trường học phải đóng cửa.
Nghiên cứu cho thấy, do biến đổi khí hậu, nhiệt độ con người cảm nhận được nóng hơn 2 độ C. Theo nghiên cứu, nếu sự nóng lên toàn cầu tiếp tục tăng lên 2 độ C, những đợt nóng ẩm như vậy có thể xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần.
T.P