Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóng“Giấc mơ Trung Hoa” và ác mộng của các nước láng giềng

“Giấc mơ Trung Hoa” và ác mộng của các nước láng giềng

Tháng 9-2015, khi đi thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này “không theo đuổi việc quân sự hóa ở Biển Đông”.

Năm tháng sau, truyền thông khắp thế giới đưa tin và hình ảnh chụp từ các vệ tinh dân sự cho thấy Trung Quốc đã triển khai các khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 (tương đương với hệ thống tên lửa S-300 của Nga) và cả một trạm radar trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc truyền thông phương Tây đã “thổi phồng” sự việc về mấy khẩu đội tên lửa mà không chịu chú ý đến những công trình dân sự như những ngọn hải đăng mà Trung Quốc cũng xây dựng trái phép ở đây, nhưng những người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì không buồn né tránh. Ông Hồng Lỗi cho rằng việc bố trí các thiết bị (chỉ các khẩu đội tên lửa và trạm radar) “không phải là hành động quân sự hóa”(!?) Còn bà Hoa Xuân Doanh, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc Trung Quốc bố trí vũ khí ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) cũng tương đương với việc Mỹ phòng thủ bảo vệ Hawaii! (bà Hoa cố tình không nhắc đến một điểm then chốt là không có quốc gia nào đòi chủ quyền đối với bang Hawaii của nước Mỹ).

Phải chăng, như lời của ông Michael Green, cựu Giám đốc các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ, nhận xét rằng: “Nếu ông Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa Biển Đông, có lẽ ông đã quên nói việc này với các ủy viên còn lại của Quân ủy Trung ương”?

 Câu trả lời dường như không phải thế. Chỉ có thể thấy rõ một điều là giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc là một khoảng cách mênh mông. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao đến ngay những tuyên bố được coi là có trọng lượng của phía Trung Quốc về việc “không quân sự hóa Biển Đông” thật ra cũng chỉ là những thủ thuật câu giờ chứ hoàn toàn không hề có một ý định nghiêm chỉnh nào để tuân theo những tuyên bố như vậy? Và bất chấp những rủi ro về mặt hình ảnh do sự chỉ trích rộng khắp của dư luận thế giới về những hành vi quân sự hóa này, Trung Quốc vẫn tiếp tục quá trình có thể gây căng thẳng trên Biển Đông như vậy?

Câu trả lời có thể nằm ở một khía cạnh: Trung Quốc muốn đạt tới những lợi ích địa chính trị lớn hơn bằng quá trình quân sự hóa bị thế giới kịch liệt lên án này. Nói cách khác, Trung Quốc chấp nhận những tổn hại về mặt hình ảnh để đổi lấy những giá trị nhằm vươn tới một mục tiêu chiến lược: trở thành cường quốc biển, đủ sức thách thức các cường quốc biển khác.

Trung Quốc là quốc gia lớn nhất thế giới nhưng trải qua lịch sử hàng nghìn năm, chưa bao giờ được coi là một cường quốc biển. Kể cả trong thời kỳ cực thịnh của các triều đại phong kiến Trung Hoa, với những đoàn thương thuyền đi khắp thế giới, Trung Quốc vẫn chỉ được coi là một trung tâm thương mại, buôn bán của thế giới chứ chưa phải là một thế lực trên biển. Một trong những cơ sở minh chứng cho điều này là “Hệ số biển” của Trung Quốc, được tính bằng tổng diện tích quốc gia chia cho chiều dài bờ biển, khá thấp.

 Nhưng quan trọng hơn là trong lịch sử dài lâu của mình, các triều đại Trung Hoa đã nhiều lần quay lưng với biển. Điều này một phần xuất phát từ lịch sử chinh phạt của các triều đại phong kiến Trung Hoa chỉ thành công khi diễn ra trên bộ, còn khi được tiến hành trên biển thì đều không mang lại kết quả khả quan. Ngay cả triều đại nhà Nguyên khét tiếng trong những trận bộ chiến với tiếng tăm “vó ngựa Nguyên Mông lướt tới đâu cỏ không mọc được tới đó”, vậy mà hai lần dùng thủy quân tiến công Nhật Bản đều bị bão và gặp phải quân Nhật phòng thủ kiên cường, chịu thảm bại.

Thời nhà Trần nước Đại Việt thế kỷ 13, quân Nguyên lấy cớ mượn đường đánh Chiêm Thành định xâm chiếm nước Đại Việt, bị quân dân nhà Trần kháng cự mãnh liệt, các hải đội của nhà Nguyên vận lương hay chuyển quân bị các đội thủy binh của nhà Trần đánh bại, phải kéo quân về nước.

Đỉnh cao của chính sách quay lưng với biển của Trung Hoa kéo dài tới 500 năm trong hai triều đại Minh-Thanh. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, nhận thấy triều đại nhà Nguyên mà mình lật đổ trước đó từng hao binh tổn tướng rất nhiều trên biển cả, đã nhìn nhận biển chỉ như một chướng ngại vật tự nhiên để phòng thủ đất nước. Đỉnh cao của chính sách này là luật lệ “Hải phòng cấm chỉ lệnh” (hải cấm), quy định ai đem lương thực, quân khí ra khỏi nước sẽ bị treo cổ, đóng thuyền từ hai cột buồm trở lên là vi phạm vào lệnh cấm đóng đại thuyền, giao lưu hàng hóa với các phiên quốc, thông đồng với hải tặc đều bị xử tử bêu đầu, gia quyến bị đày ra biên ải. Thuyền chỉ được mang theo nước uống đủ dùng cho hai ngày, nghiêm cấm tất cả những ai tự ý ra biển đi đến nước khác…

Đến đầu đời nhà Thanh, chính sách “hải cấm” này vẫn tiếp tục được duy trì, thậm chí còn cực đoan hơn khi việc rời quê hương bị xem như phản quốc, không mấy ai đã ra đi rồi có thể quay về. Dân chúng sống ven bờ biển từ bắc xuống nam phải di cư vào trong đất liền 40 dặm…

Khoảng thời gian giữa thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20, khi bị những nước thậm chí nhỏ hơn “bắt nạt”, Trung Quốc mới nhận ra một điểm đặc biệt là hầu hết các nước muốn mang danh cường quốc đều là những cường quốc biển! Bồ Đào Nha thế kỷ 16, Hà Lan thế kỷ 17, đế chế Anh trong hai thế kỷ 18, 19 và nước Mỹ trong thế kỷ 20 đều chiếm vị trí vượt trội trên biển, khống chế được các tuyến đường biển chiến lược. Sức mạnh của các cường quốc này thực chất là một cách gọi khác của “sức mạnh biển”.

Câu trả lời đã có cho câu hỏi làm thế nào để có thể trở thành một cường quốc, đó là hướng ra biển. Thế nhưng trong một thời gian dài, điều kiện cần thiết để Trung Quốc thực hiện ước mộng này chưa hội đủ. Chỉ đến những năm đầu của thế kỷ 21, khi mà Trung Quốc đã vươn lên, dần trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới thì khi ấy, giấc mơ và niềm tin về một cường quốc biển mới hiện hữu một cách rõ rệt.

 Tháng 5-2003, trong Cương yếu quy hoạch phát triển quốc gia được Quốc vụ viện phê chuẩn đã lần đầu tiên đề ra mục tiêu chiến lược là “từng bước xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển”.

Mặc dù vậy, phải đến mười năm sau, trên diễn đàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc khi ấy Hồ Cẩm Đào đã đọc Báo cáo chính trị, chính thức khẳng định “nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái trên biển, kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển quốc gia, xây dựng cường quốc biển”.

Bên cạnh những giá trị tiềm năng kinh tế to lớn dưới lòng Biển Đông với trữ lượng dầu lửa và khí đốt nhiều tỷ thùng, vốn rất cần cho một nền kinh tế Trung Quốc luôn đói khát năng lượng, giá trị địa chính trị của khu vực Biển Đông còn mang một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tham vọng biển của Trung Quốc.

Muốn thoải mái triển khai những tàu ngầm lớp Tấn mang đầu đạn hạt nhân ra các vùng biển xa mà không bị hệ thống giám sát dò tìm của Mỹ và Nhật Bản theo dõi, Trung Quốc phải làm chủ được vùng Biển Đông về phía nam, bởi phía bắc và phía đông đã bị Nhật Bản, Đài Loan, Philippine án ngữ. Đồng thời, chuỗi ba đảo-đá Hoàng Sa – Vành Khăn – Trường Sa mà Trung Quốc có tham vọng làm chủ cũng sẽ ngăn chặn tàu bè của các cường quốc không thể dễ dàng ra vào vùng Biển Đông.

Khả năng Trung Quốc tuyên bố về Vùng nhận dạng phòng không, như từng làm đối với biển Hoa Đông hồi 2013, là điều hoàn toàn có thể. Khi ấy, vùng trời trên Biển Đông cũng sẽ phải phụ thuộc vào sự “cấp phép” của Trung Quốc…

Thế giới đang chăm chú quan sát trong sự lo ngại trước những biểu hiện mới nhất của quá trình quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc là nước đi những bước liên tục, nhất quán và có hệ thống. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong hòa bình, theo như tuyên bố nhiều lần của Trung Quốc, đang được đặt trước những thử thách khó lý giải. Làm sao để “giấc mơ Trung Hoa” không trở thành ác mộng của các nước láng giềng, đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

RELATED ARTICLES

Tin mới