Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiảm dân số chưa lo bằng “già hóa” ở TQ

Giảm dân số chưa lo bằng “già hóa” ở TQ

Dân số ở các thành phố lớn của Trung Quốc giảm không quá đáng báo động vì tỉ lệ sinh giảm vẫn là thách thức lớn nhất mà nước này phải đối mặt, theo các nhà phân tích và truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Một góc phố Thượng Hải, Trung Quốc.

4 thành phố lớn nhất Trung Quốc đại lục – Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến – báo cáo số lượng cư dân giảm trong năm ngoái, giảm tổng cộng hơn 275.000 người, theo dữ liệu chính thức.

Các siêu đô thị Bắc Kinh và Thượng Hải không xa lạ gì với việc giảm dân số bởi có các chính sách nghiêm ngặt về dòng dân số nhập cư để hạn chế mở rộng đô thị nhanh chóng.

Tuy nhiên, đây là một xu hướng mới với các trung tâm sản xuất và công nghệ Quảng Châu, Thâm Quyến – nơi có tốc độ tăng dân số nhanh nhất cả nước từ năm 2010 đến năm 2022.

Số cư dân Quảng Châu giảm 76.500 xuống 18,73 triệu vào năm 2022, trong khi Thâm Quyến giảm 19.800 xuống còn khoảng 17,68 triệu.

Đây là lần đầu tiên Thâm Quyến chứng kiến mức tăng dân số âm kể từ khi trở thành đặc khu kinh tế năm 1979. Trong một bài bình luận đăng ngày 10.6, Nhật báo Kinh tế thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nhận định, việc giảm dân số ở 4 thành phố cần được xem xét một cách nghiêm túc nhưng không nên quá lo ngại.

“Việc giảm dân số ở Bắc Kinh và Thượng Hải là kết quả của việc các siêu đô thị kiểm soát quy mô dân số một cách tích cực và hợp lí dựa trên điều kiện tài nguyên và vị thế chức năng” – bài báo nêu rõ.

Cả hai thành phố đã kiểm soát dòng dân số nhập cư trong thập kỷ qua để giảm bớt “những căn bệnh của thành phố lớn” như ùn tắc giao thông và điều kiện sống ngày càng tệ.

Với trung tâm sản xuất Quảng Châu và Thâm Quyến, bài báo cho biết, các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt được áp dụng trong năm ngoái buộc nhiều lao động nhập cư từ các tỉnh phải trở về quê hương khi mất việc. Tỉnh Quảng Đông, nơi có cả 2 thành phố này, dự kiến tốc độ tăng dân số sẽ tăng trở lại trong năm nay.

Bài bình luận chỉ ra, nhiều yếu tố, bao gồm quản trị đô thị, di dời chuỗi công nghiệp và chi phí sinh hoạt, có thể ảnh hưởng đến tăng giảm dân số ở các thành phố lớn, đặc biệt là khi dân số Trung Quốc đạt đỉnh.

Năm ngoái, dân số Trung Quốc lần đầu giảm sau 6 thập kỷ, giảm 850.000 người xuống còn 1,4118 tỉ người và tỉ lệ sinh hàng năm giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,77/1.000 người.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng trầm trọng với nền kinh tế số 2 thế giới có nguy cơ gây ra những tác động sâu rộng đối với tăng trưởng.

Huang Wenzheng – thành viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh – cho biết, sụt giảm dân số không thường xuyên ở một số thành phố lớn có thể không phản ánh xu hướng dài hạn.

“Vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt là dân số trẻ ngày càng giảm, đặc biệt là giảm số ca sinh mới. Điều này sẽ có tác động tai hại đến tất cả các ngành công nghiệp ở Trung Quốc trong dài hạn, cũng như tác động rất tiêu cực đến niềm tin đầu tư trong tương lai của cả nước” – chuyên gia Huang nói.

Ông chỉ ra, kinh nghiệm của Tokyo và Mátxcơva cho thấy các thành phố lớn có thể giảm dân số chậm hơn so với những thành phố nhỏ hơn trong bối cảnh dân số giảm nói chung, khi những đô thị này tiếp tục thu hút người di cư từ các nơi khác trong nước.

Tuy nhiên, ông Huang cảnh báo, việc kiểm soát quá mức quy mô của các siêu đô thị có thể hạn chế cơ hội phát triển kinh tế trong tương lai, khi những người di cư trẻ tuổi – những người có thể mang lại năng lượng và sự đổi mới – không được chào đón.

Hơn nữa, các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải có nguồn tài nguyên đất đai để đáp ứng việc mở rộng đô thị hơn nữa.

“Giá bất động sản cao hơn và tắc nghẽn giao thông là cái giá phải trả của tăng dân số và phát triển đô thị. Nếu không muốn trả những mức giá này bằng cách kiểm soát quy mô của các thành phố đồng nghĩa với việc không thể nhận được lợi ích từ nó” – ông lưu ý.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới