Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLo ngại về các siêu dự án nước mới ở TQ

Lo ngại về các siêu dự án nước mới ở TQ

Trung Quốc đang lên kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng nước mới đầy tham vọng với mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc chuyển hướng dòng chảy của sông ngòi có thể gây tốn kém.

Các siêu dự án nước ở Trung Quốc như SNWDP và đập Tam Hiệp đã tạo thành “phản ứng dây chuyền” dẫn đến những hậu quả không lường trước được.

Khai thông các động mạch chính

Giới chức Trung Quốc công bố cuối tháng 5 về kế hoạch xây dựng “mạng lưới nước” quốc gia bao gồm các kênh, hồ chứa và cơ sở lưu trữ để thúc đẩy tưới tiêu, đồng thời giảm nguy cơ lũ lụt, hạn hán.

Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc Li Guoying cho hay, kế hoạch này sẽ “khai thông các động mạch chính” của hệ thống sông vào năm 2035, thúc đẩy khả năng phân phối nguồn cung cấp nước của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, cách tiếp cận này không chỉ tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường mà còn có thể khiến các khu vực ở phía nam bị gián đoạn nguồn cung cấp nước và cần thêm cơ sở hạ tầng để giải quyết những vấn đề phát sinh.

“Cho tới nay, những gì họ đang làm là sử dụng các giải pháp kỹ thuật để tìm cách cung cấp nước và khắc phục vấn đề về nước. Nếu Trung Quốc có thể giảm sử dụng nước và tăng hiệu quả cung cấp thì họ không cần các dự án chuyển hướng nước lớn” – Giáo sư Mark Wang, nhà địa lý tại Đại học Melbourne, người nghiên cứu tác động của cơ sở hạ tầng nước của Trung Quốc, cho biết.

Hạn hán năm 2023 dự kiến không nghiêm trọng như năm trước khi nhiệt độ cao trong nhiều tháng làm khô hạn phần lớn lưu vực sông Dương Tử. Dù vậy, các nhà dự báo thời tiết cảnh báo rằng, miền trung và tây nam Trung Quốc có thể phải hứng chịu những tác động trong năm nay.

Nhiều vùng ở tây nam Trung Quốc áp dụng các biện pháp đặc biệt, trong đó một công ty cung cấp nước ở huyện Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên kêu gọi cư dân không tắm quá 4 lần một tháng.

Tài nguyên nước bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới và phân phối không đồng đều. Từ lâu, Trung Quốc đã dựa vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn để đưa nguồn nước dồi dào từ miền nam lên miền bắc khô hạn và tìm ra các giải pháp kỹ thuật cho những vấn đề nguồn cung dài hạn.

Một số giải pháp đã được triển khai. Giới chức địa phương đã thúc đẩy giảm tiêu thụ nước, cải thiện tái chế nước thải và giải quyết ô nhiễm. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bắt tay vào hơn 100 dự án điều hướng nước trong 5 năm qua.

Các nhà phân tích chỉ ra, tổng đầu tư vào tài sản nước cố định đã vượt 1,1 nghìn tỉ nhân dân tệ (154 tỉ USD) vào năm 2022, tăng 44% so với năm 2021. Trong quý đầu tiên của năm 2023, tổng số vốn đầu tư là 407 tỉ nhân dân tệ, cao hơn 15,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giới chức cho hay, sẽ có thêm nhiều khoản tài trợ khác.

Bà Genevieve Donnellon-May – nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Toàn cầu Oxford, người nghiên cứu các vấn đề về nước của Trung Quốc – cho biết: “Chi phí xây dựng những dự án khổng lồ này có thể sẽ tiếp tục tăng”.

Tác động dây chuyền

Trong kế hoạch mới liên quan đến việc mở rộng Dự án dẫn nước Nam – Bắc (SNWDP) – dự án kỹ thuật đầy tham vọng nhằm chuyển nước sông Dương Tử sang lưu vực sông Hoàng Hà, Chính phủ Trung Quốc cho hay, dự án đóng vai trò quan trọng trong việc “tối ưu hóa” nguồn cung cấp nước của Trung Quốc và đã chuyển hướng hơn 60 tỉ mét khối nước. Nhưng đúng như tên gọi của dự án, nước chỉ chảy theo một hướng và không thể giúp ích gì trong đợt hạn hán năm ngoái.

Bằng cách dựa vào các dự án bổ sung ở quy mô lớn, các chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ chỉ chuyển hướng sự thiếu hụt. Giáo sư Wang của Đại học Melbourne chỉ ra, các siêu dự án như SNWDP và đập Tam Hiệp đã tạo thành “phản ứng dây chuyền” dẫn đến những hậu quả không lường trước được, đòi hỏi hàng tỉ nhân dân tệ vào cơ sở hạ tầng mới để khắc phục.

Ví dụ, việc chuyển nước lên phía bắc qua hồ chứa Đan Giang Khẩu đã làm cạn kiệt nguồn nước ở hạ lưu Hán Giang, buộc chính quyền phải đề xuất một dự án khác trị giá 60 tỉ nhân dân tệ để kết nối Đan Giang Khẩu với hồ chứa Tam Hiệp.

Tam Hiệp, nơi trữ tới 40 tỉ mét khối nước sông Dương Tử để phát điện và điều tiết lũ lụt, bị cho là nguyên nhân dẫn tới mực nước thấp kỷ lục ở hồ Bà Dương. Để giải quyết vấn đề, giới chức đang xem xét kế hoạch xây dựng một cửa xả mới mà các nhà phê bình cho rằng, sẽ phá hủy môi trường sống địa phương.

Trung Quốc cũng đề xuất dự án chuyển nước từ Tây Tạng sang tây bắc Trung Quốc, khiến các quốc gia phụ thuộc vào những con sông như Brahmaputra và Mekong lo ngại.

Giáo sư Wang chỉ ra, các phương pháp thay thế tập trung vào tái chế nước thải, khử mặn hoặc giảm nhu cầu có thể hiệu quả hơn. Với khoảng 60% nguồn cung cấp nước của Trung Quốc được sử dụng cho nông nghiệp, hiệu quả có thể đạt được thông qua chuyển đổi cây trồng hoặc sử dụng các phương pháp tưới tiêu thay thế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới