Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi hai cường quốc “gườm” nhau

Khi hai cường quốc “gườm” nhau

“Gườm” là từ thể hiện cái nhìn ganh ghét, đố kỵ, khó chịu trước sự trỗi dậy của đối thủ. Theo nghĩa ấy, Trung Quốc đang “gườm” hoạt động của hai tàu sân bay của Ấn Độ trong một hoạt động phối hợp ở Biển Ả-rập vào đầu tuần này. Còn Ấn Độ, hẳn cũng không dành cho hải quân Trung Quốc ánh mắt thiện cảm.

Hai tàu sân bay Ấn Độ trong một hoạt động phối hợp ở Biển Ả-rập.

Hải quân Ấn Độ – quốc gia láng giềng Trung Quốc – từng biên chế hàng không mẫu hạm từ năm 1961. Tuy nhiên, điều đó dường như chỉ có tình hình thức, ít nhất tới trước năm 2013. Những khó khăn về kinh tế của một quốc gia vì như “nhà đông con” (tới nay, Ấn Độ vượt Trung Quốc thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,7 tỷ người), lo ăn còn khó nhọc, khiến việc sở hữu chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên này chỉ có ý nghĩa giúp hải quân Ấn Độ thực tập, làm quen trước khi có được những hàng không mẫu hạm tối tân, góp phần khẳng định vị thế của hải quân Ấn Độ trên các đại dương.

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu khác kể từ năm 2013 – thời điểm Ấn Độ chính thức tiếp nhận tàu sân bay INS Vikramaditya, mua từ Nga, sau những lằng nhằng về giá khiến New Delhi phải chi tới gần 3 tỷ USD thay vì 900 triệu USD như thỏa thuận ban đầu. Uất vì tốn thêm tiền, nhưng bù lại, sự có mặt của INS Vikramaditya trong hạm đội khẳng định vị thế nằm trong top 5 thế giới hải quân của nước này.

Tham vọng chiếm lĩnh ưu thế cuộc chơi trên biển khiến Trung Quốc ráo riết gia tăng sức mạnh hải quân. Sự trỗi dậy của hải quân Ấn Độ – quốc gia từng xô xát với Trung Quốc trên bộ nhiều lần – càng khiến Trung Quốc biết họ cần phải làm gì để khỏi bị lép vế trên biển Ấn Độ dương. Sau tàu sân bay Liêu Ninh hoán cải từ tàu mua của Ukraine, Trung Quốc tăng tốc để có được tàu sân bay tự đóng, hiện thực hóa với việc hạ thủy tàu sân bay Sơn Đông năm 2017.

Éo le thay, bước tiến đột phá này của Trung Quốc lại góp phần kích thích Ấn Độ trên đường đua tự chủ năng lực hải quân và quốc phòng. 5 năm sau khi Trung Quốc đưa tàu Sơn Đông vào biên chế, Ấn Độ biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Vikrant. Với chiều dài 262 m và lượng giãn nước 47.400 tấn, thủy thủ đoàn 1.600 người, mang theo 30 máy bay trực thăng và tiêm kích, Vikrant là chiến hạm lớn nhất của hải quân Ấn Độ. Điều đặc biệt là Ấn Độ làm được tới 75% thành phần thiết bị trên tàu. Nó đồng nghĩa việc New Delhi đã đạt được bước tiến đột phá trong phát triển hàng không mẫu hạm.

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hân hoan với bước đột phá đó trong lời phát biểu tại nhà máy đóng tàu Cochin ở miền nam Ấn Độ ngày 2/9 năm 2022: “”Đây là một ngày lịch sử và thành tựu mang tính bước ngoặt. Đó là ví dụ về sự thúc đẩy của chính phủ để Ấn Độ tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng”, thì Trung Quốc lại “gườm” mắt nhận ra mình đang bị thách thức bởi đối thủ láng giềng.

Cái “gườm” của Trung Quốc càng sắc lạnh hơn khi chứng kiến những ngày giữa tháng 6 năm nay, Hải quân Ấn Độ ra thông cáo báo chí cho biết: Hai tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant đã dẫn đầu cuộc tập trận với hơn 35 máy bay cùng một loạt tàu nổi và tàu ngầm trên Biển Ả-rập. Mục đích của việc huy động đồng thời cả 2 tàu sân bay vào cuộc tập trận này của Ấn Độ là gì nếu không phải nhằm phô diễn năng lực hải quân và khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Ấn Độ trên biển Ấn Độ dương và xa hơn?

Thế là, đằng sau việc thi thoảng nói với nhau những lời bằng hữu khả nghi về sự chân thành, nhiều chuyên gia đang đặt ra khả năng đang có một cuộc chạy đua về công nghệ đóng tàu sân bay giữa hai quốc gia đông dân nhất, cũng là hai nền kinh tế quy mô thứ hai và thứ năm toàn cầu, là Trung Quốc và Ấn Độ.

Điều này lợi hay hại cho sự ổn định và hòa bình?

Câu hỏi thừa! Mọi sự ganh ghét đều tiêu cực. Tham vọng bá chủ thế giới càng là điều tệ hại hơn bởi nó chỉ thúc đẩy chạy đua vũ trang, gây ra mất ổn định, đe dọa hòa bình thế giới.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới