Tới thời điểm này, để chiếm vị trí thượng phong trên đại dương, tàu sân bay vẫn được coi là con “át”. Nói cách khác, sở hữu nhiều hay ít cùng mức độ tối tân đến đâu các tàu sân bay quyết định vị thế quốc gia trên biển. Tuy nhiên, điều đó có thể bị đảo ngược, nếu…
“Tới thời điểm này” là cách nói thận trọng. Bởi mới đây, một nhà khoa học, đồng thời là yếu nhân của hải quân Trung Quốc – chuẩn Đô đốc Ma Weiming – đã tiết lộ, Trung Quốc đang có ý tưởng thiết kế một tàu chiến tương lai “không giống bất kỳ con tàu nào mà thế giới từng thấy”.
Không giống hay giống không phải điều quan trọng. Quan trọng tính năng của nó. Ông Ma nói: nó sẽ “đảo ngược hoàn toàn đội hình chiến đấu của các hạm đội hải quân được thiết lập trong hơn 100 năm qua”. Ghê gớm chưa?
Để thuyết phục những người còn hoài nghi, ông Ma Weiming phân tích trong một bài viết trên tạp chí của Hiệp hội Kỹ thuật điện Trung Quốc, ra tháng 6/2023 này: “Hiện tại các nhóm tác chiến tàu sân bay trở nên phức tạp hơn vì nhiệm vụ đa dạng mà chúng phải thực hiện. Điều này khiến chúng khó phối hợp hành động hiệu quả, đồng thời cũng tốn kém khi chế tạo và vận hành…”. Trong khi đó, nếu nghiên cứu, phát triển thành công, siêu chiến hạm” của Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ của gần như toàn bộ hạm đội tàu sân bay, kết hợp vũ khí điện từ và hệ thống điện chạy bằng năng lượng hạt nhân mạnh mẽ…”.
Ông còn nhấn mạnh một lô một lốc tính năng đặc biệt con tàu tương lai, như: thu nhỏ và giảm trọng thiết bị phóng và nguồn cung cấp năng lượng; tích hợp hệ thống vũ khí súng điện từ vào phương tiện; nâng cao độ chính xác và tốc độ nhả đạn (tất nhiên là tên lửa rồi) khi bắn…
Tiết lộ trên khiến nhiều quốc gia bấy lâu nay vẫn đắc ý, ngạo mạn về địa vị cường quốc đại dương của mình, như Anh, Pháp, Ấn Độ, và nhất là Mỹ, giật mình.
Giật mình bởi không thể coi thường được. Thế giới đầy những bài học nhãn tiền. Người Nhật, vì chủ quan mà bị người Hàn vượt qua một số mặt công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn điện tử. Cũng vì chủ quan, Washington từng “thả” để Bắc Kinh chớp thời cơ, đạt được những bước tiến thần kỳ về kinh tế, quốc phòng, công nghệ…, để tới nay, thách thức sức mạnh với chính Mỹ.
Trung Quốc hiện cũng thuộc hàng cường quốc biển với những hạm đội hải quân có lượng tàu nhiều nhất. Nhiều còn hơn cả Mỹ. Tuy nhiên, xét về chất lượng, chiếu cố lắm, sức mạnh hải quân Trung Quốc cũng chỉ so đọ được với Anh, Pháp, chứ với Mỹ: đừng có…mơ!
Nói riêng câu chuyện tàu sân bay với vai trò chính hỗ trợ trên không cho các hoạt động hải quân, trong khi từ lâu, Mỹ có hàng chục, thì, dù được cho là đã đạt những bước tiến dài trong việc phát triển tàu sân bay: sau chiếc tàu cũ mua của Ukraine năm 1998, qua 12 năm cải biến thành tàu sân bay Liêu Ninh, biên chế cho hải quân năm 2010, tới nay, Bắc Kinh đã biên chế thêm tàu sân bay Sơn Đông; và thông tin mới nhất, đang ráo riết tiến độ để biên chế thêm tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến, thì Trung Quốc vẫn còn “dưới cơ”. Dưới bởi Bắc Kinh chưa thể sở hữu các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Vì sự thua kém đó, các tàu sân bay của Trung Quốc, trong con mắt ngạo mạn những cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ, chỉ là những “thuyền”, le te hoạt động gần bờ, sao cạnh tranh nổi với các tàu sân bay tối tân của Mỹ. Cùng lắm, các “thuyền” đó chỉ diễu võ dương oai, dọa nạt được Đài Loan và vài bốn quốc gia lâu nay phẫn nộ với sự tham lam muốn nuốt trọn Biển Đông của Bắc Kinh, nhưng yếu hơn về thế và lực.
Vậy nên, nếu câu chuyện ông Ma Weiming là thật chứ không phải ngón “đòn gió” mà Bắc Kinh vốn sử dụng thành thạo, thì cùng với thời gian, mọi chuyện có thể khác.
Khác – nghĩa là với việc sở hữu một con “át” là chiếc tàu chiến tương lai trên, Trung Quốc sẽ vượt trội các hạm đội Mỹ về tầm hoạt động và sức mạnh, chiếm thế thượng phong trên đại dương.
Thêm một cái khác cũng là cái lợi nữa, thay vì hùng hục, mướt mồ hôi chạy đua với phương Tây để đóng những tàu sân bay tốn kém nhằm đáp ứng một tư duy chiến thuật đang dần dần bị thực tiễn bỏ qua, bằng chiếc tàu chiến tương lai nói trên, Trung Quốc có thể tiết kiệm được vô khối thời gian và tiền bạc, dù ai cũng biết, hiện thực hóa được ý tưởng đó là cả một câu chuyện dài, phải cần tới hàng đống của nả tiền bạc.
Chỉ có điều khó tin: chẳng lẽ, siêu cường số 1 như Mỹ lại nhắm mắt thúc thủ để Trung Quốc qua mặt trong công chuyện công nghệ quốc phòng này?
T.V