Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken từ ngày 18 đến 19-6 không chỉ nhằm mục tiêu xuống thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung.
Mà nó còn cho thấy sự hiệu quả từ các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh với các gói trừng phạt đơn phương của Washington.
Chuyến thăm của ông Blinken là sự tiếp nối các lần tới Bắc Kinh trước đó của đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai vào cuối tháng 5, và một loạt lãnh đạo công nghệ hàng đầu của Mỹ như Tim Cook (CEO của Apple) vào tháng 3, Elon Musk (CEO của Tesla), Bill Gates của Microsoft và Jensen Huang (CEO của Nvidia) vào nửa đầu tháng 6.
“Lưỡng bại câu thương” về công nghệ
Hiện tượng thăm viếng ồ ạt cho thấy quá trình triển khai lập trường mới của Chính phủ Mỹ sau khi Tổng thống Biden tuyên bố “không theo đuổi sự phân tách”, mà chỉ “tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa quan hệ” với Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 21-5.
Lập trường này được bà Katherine Tai nhắc lại trong chuyến thăm Trung Quốc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng từng nhấn mạnh “sẽ là thảm họa với chúng ta nếu cố gắng tách khỏi Trung Quốc” khi điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện ngày 13-6.
Chính phủ Mỹ dường như đã nhận thức được sự kém hiệu quả, thậm chí còn tạo nên thế “phong tỏa ngược” của các biện pháp đã áp dụng với Trung Quốc. Cụ thể, trên mặt trận công nghệ, kể từ khi ban hành Đạo luật khuyến khích sản xuất bán dẫn cho nước Mỹ (CHIPS) vào tháng 8-2022, Washington đã hiện thực hóa mong muốn tách rời hệ sinh thái bán dẫn với Trung Quốc.
Để đáp trả, ban đầu Trung Quốc phỏng chiếu theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ để lên danh sách thực thể không đáng tin cậy (UEL) từ năm 2019, và Luật Trừng phạt chống nước ngoài (AFLS) từ năm 2021. Lockheed Martin và Raytheon là hai tập đoàn đầu tiên của Mỹ bị đưa vào UEL từ tháng 2-2023 vì tham gia các hợp đồng vũ khí với Đài Loan.
Mới đây nhất, quyết định trừng phạt “gã khổng lồ” chip Micron của Mỹ vào cuối tháng 5-2023 đã tạo nên cơn địa chấn cho giới tinh hoa công nghệ Mỹ. Vì nó cho thấy bất kỳ tập đoàn nào của Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu trừng phạt tiếp theo và mất cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Mặc dù các lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc vẫn đang “nghẹt thở” do mất khả năng nhập khẩu các linh kiện bán dẫn quan trọng vì Đạo luật CHIPS, nhưng việc trừng phạt Micron cho thấy Trung Quốc đang tỏ ra sẵn sàng chấp nhận một kịch bản “đôi bên cùng thiệt” với Mỹ.
Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm tự chủ công nghệ đang được dư luận ghi nhận càng khiến Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chạy đua tạo dựng hệ sinh thái bán dẫn phân tách với Mỹ. Trong đó, tổng đầu tư hơn 143 tỉ USD của Trung Quốc nhằm thay thế các công nghệ chip của Mỹ là một điển hình ấn tượng.
Không chỉ đáp trả đối ứng, Trung Quốc còn dự định sử dụng “vũ khí tối thượng” của họ khi tuyên bố xem xét quá trình hạn chế xuất khẩu một số công nghệ nam châm đất hiếm từ tháng 4 cho đến nửa cuối năm nay.
Hiện Trung Quốc đang kiểm soát gần 90% thị phần toàn cầu và có trữ lượng gấp đôi nước đứng thứ hai là Nhật Bản về các loại nam châm đất hiếm vốn là chìa khóa sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao. Động thái này sẽ tạo nên kịch bản thiếu hụt nghiêm trọng không thể cứu vãn đối với nhiên liệu đầu vào cho ngành công nghệ cao của cả Mỹ và khối G7.
Phục hồi các cầu nối
Không chỉ tạo nên thế “phong tỏa ngược” về công nghệ đối với Mỹ, Trung Quốc còn phỏng chiếu theo cách mà phía Mỹ vận động các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc chia sẻ thông tin tình báo để đáp trả đối ứng, tạo nên mối đe dọa tương tự ở nhóm các nước láng giềng của Mỹ.
Việc ông Blinken ngay trước chuyến thăm lại nhắc đến sự tồn tại của mạng lưới tình báo do Trung Quốc điều hành trực tiếp ở Cuba trong nhiều năm, kết hợp với cuộc khủng hoảng fentanyl mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã cố tình cung cấp cho các tổ chức tội phạm Mexico tuồn qua biên giới Mỹ cho thấy nhận thức rõ ràng của Chính phủ Mỹ về thế trận đối ứng này.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng từng bước gia tăng tương tác ở ngưỡng “cận xung đột” với các phương tiện quân sự mà Mỹ triển khai tại Đông Á. Động thái Trung Quốc cho chiến đấu cơ J-16 bay “tạt đầu” máy bay do thám RC-135 của Mỹ trên Biển Đông vào ngày 30-5, cũng như cho tàu chiến “tạt đầu” tàu khu trục USS Chung Hoon của Mỹ ở eo biển Đài Loan vào ngày 3-6 đã cho thấy sức ép cường độ cao từ Trung Quốc.
Đứng trước áp lực cao độ có thể dẫn đến những “tính toán sai lầm”, sự vội vã của ông Blinken đến Bắc Kinh nhằm phục hồi các kênh liên lạc giữa quân đội hai nước, cũng như ngăn chặn một kịch bản “lưỡng bại câu thương” là hoàn toàn có thể hiểu.