Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc có phá được thế đơn cực, độc tôn của Mỹ suốt hơn 30 năm qua? Dường như đã đến lúc Trung Quốc thấy mình đủ lớn mạnh để có tiếng nói có trọng lượng trên thế giới.
Chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày ngắn ngủi (18 và 19-6) của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được đánh giá là “thẳng thắn”, “sâu sắc”, “mang tính xây dựng” cũng như “đồng thuận về một số vấn đề cụ thể”, theo Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin.
Các cuộc đối thoại vẫn chưa giải quyết được ngay những bất đồng, những đòn trừng phạt, và nhiều căng thẳng trong thế đối đầu giữa hai cường quốc bắt đầu gia tăng từ thời tổng thống Donald Trump cho đến nay.
Thế nhưng việc nối lại quan hệ song phương cấp cao lần đầu tiên sau 5 năm gián đoạn được coi là thiện chí của cả hai bên.
Đó là cơ hội để lắng nghe, nối lại các kênh liên lạc nhằm giảm bớt đi những “hiểu lầm” và những “tính toán sai lầm”, theo nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Cũng cần chú ý là trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều có những phát biểu nhằm “hạ hỏa” tình hình như: “Trung Quốc tôn trọng các lợi ích của Mỹ và không tìm cách thách thức hay thay thế Mỹ” và “chúng tôi đang đi đúng hướng” (Tổng thống Biden) thì lại có một phát biểu được cho là cứng rắn và mang tính răn đe trong chuyến công du của ông Blinken.
Đó là lời của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, ông Vương Nghị đã yêu cầu phía Mỹ “cần phải lựa chọn giữa đối thoại và đối đầu, hợp tác hay xung đột”, theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Giấc mộng lớn của Trung Quốc
“Giấc mộng Trung Hoa” là cụm từ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012.
Và cụ thể, ngày 19-8-2013, tổng bí thư họ Tập đã tuyên bố: “Việc hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa về sự phục hưng dân tộc vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh phúc”.
Trong binh pháp của Trung Quốc thì chữ “Nhẫn” đã được các chính trị gia như Hàn Tín, Tư Mã Ý áp dụng một cách hết sức xuất sắc, rồi được phát huy dưới thời Đặng Tiểu Bình với phương châm “ẩn mình chờ thời”.
Và có vẻ như hiện nay, thời cơ đã đến. Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành cường quốc kinh tế số 2, trực tiếp cạnh tranh vị thế số 1 của Mỹ sau bao nhiêu năm nhẫn nhịn, là một minh chứng.
Vào tháng 3-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ con sư tử trong một bài phát biểu ở thủ đô Paris nhân kỷ niệm 50 năm ngày Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Pháp.
Dù khéo léo dẫn lại lời của Napoleon đại đế (Trung Quốc là một con sư tử đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ, vì khi nó tỉnh giấc nó sẽ làm rung chuyển thế giới) và làm mềm nó đi bằng lời khẳng định “sư tử Trung Quốc đã tỉnh giấc” nhưng là con sư tử hòa bình, dễ chịu, văn minh, tuy nhiên mọi người đều tin rằng ông Tập thừa biết quốc gia mình đang đứng ở đâu.
Thiên thời địa lợi?
Xét về mặt thời cơ thì có lẽ chưa bao giờ tình hình thế giới thuận lợi hơn cho Trung Quốc như lúc này.
Kể từ khi khối Liên Xô tan rã vào năm 1991, thế giới trở thành đơn cực với vị thế độc tôn là Mỹ và nếu người Mỹ có phần e dè nước Nga thì cũng là bởi sức mạnh quân sự, chứ không phải về mặt kinh tế.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine hơn một năm qua đã ít nhiều bào mòn nền kinh tế của Nga do những tốn kém đạn dược lẫn các đòn trừng phạt cấp tập.
Hơn nữa, những tổn thất về mặt quân sự là điều không thể tránh khỏi khi trên danh nghĩa là cuộc chiến với Ukraine nhưng trong thực tế là với cả sức mạnh của phương Tây qua những viện trợ quân sự.
Vị thế ngoại giao của Nga cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi bị Mỹ và phương Tây phối hợp cô lập và cấm vận.
Ông Nilay Saiya – Giáo sư trợ giảng chuyên về Chính sách công và các vấn đề toàn cầu của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đưa ra nhận định rất đáng chú ý
“Nghịch lý ở đây là phương Tây vướng vào xung đột với Nga vào đúng lúc đáng lẽ họ phải vun đắp Nga như một lực lượng đối trọng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Thay vào đó, phương Tây đã đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc, mà Trung Quốc thì đang rất sẵn lòng theo đuổi “tình hữu nghị không giới hạn” với nước Nga”.
Và đúng vậy, Trung Quốc bị đánh giá là đang “tọa sơn quan hổ đấu” dù cũng không ít lần lên tiếng về khả năng tìm kịch bản cho hòa bình Ukraine – Nga, nhưng mặt khác đã dựa vào tình hình mà gia tăng quan hệ kinh tế và ngoại giao với Nga.
Trong chuyến thăm Matxcơva ngày 20-3 năm nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định: “Trong một thế giới hỗn loạn và biến động, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để bảo vệ vững chắc trật tự toàn cầu”.
Tham vọng “bảo vệ vững chắc trật tự toàn cầu” của Trung Quốc không phải chỉ là một tuyên bố dùng để trấn an nước Nga, mà thực tế có nhiều cơ sở để “con sư tử” Trung Quốc thức dậy và thách thức trật tự thế giới hiện hành.
Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower vào cuối tháng 5 vừa qua đã xếp hạng 145 quốc gia dựa trên sức mạnh quân sự năm 2023, trong đó 3 vị trí dẫn đầu lần lượt là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia quân sự thì sức mạnh quân đội Trung Quốc cần thêm ít nhất 2 thập kỷ nữa mới có thể đuổi kịp Mỹ, thế nhưng nếu vị trí thứ 2 là Nga liên minh với số 3 Trung Quốc thì việc cùng lúc đối phó với hai đại cường quốc sẽ đẩy Mỹ vào tình trạng khó khăn.
Thêm vào đó, trong khoảng 2 thập kỷ qua, nước Mỹ – với vị thế của một nước đàn anh, đã liên tục tổn hao vì những can thiệp quân sự ở Trung Đông, rồi Afghanistan, và hiện nay là những gói viện trợ liên tục cho Ukraine.
Trong khi đó thì Trung Quốc luôn tìm cách né tránh xung đột và chăm lo phát triển kinh tế.
Kết quả là Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010, đồng thời đầu tư mạnh mẽ cho quốc phòng, củng cố vị thế quốc tế qua việc tham gia BRICS năm 2009.
BRICS là một khối các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Đặc biệt, sáng kiến “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013 cho tới nay đã thu hút khoảng 125 nước tham gia bao gồm cả một số nước châu Âu.
Phiên bản hiện đại của “Con đường tơ lụa” xưa có 2.600 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 3.700 tỉ USD nhằm thiết lập quyền lực mềm tới những khu vực rộng lớn ở châu Á, châu Phi và châu Âu, đồng thời gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trên toàn cầu.
Từ “ẩn mình chờ thời” chuyển sang “trỗi dậy mạnh mẽ”?
Chính sách “ẩn mình chờ thời” khởi xướng từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã phát huy hiệu quả.
Thậm chí qua những diễn biến quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung những năm gần đây, ta thấy một Trung Quốc đã chuyển mình trở thành “con sư tử tỉnh giấc”, đấu tay đôi với những đòn trừng phạt thuế quan với Mỹ kể từ thời tổng thống Donald Trump và hiện nay là Tổng thống Joe Biden.
Về mặt quân sự, Trung Quốc cũng vài lần “nắn gân” Mỹ. Điển hình là hai vụ việc gần đây khi chiến đấu cơ J-16 bay “tạt đầu” máy bay do thám RC-135 của Mỹ trên Biển Đông vào ngày 30-5, cũng như cho tàu chiến “tạt đầu” tàu khu trục USS Chung Hoon của Mỹ ở eo biển Đài Loan vào ngày 3-6.
Những ví dụ đó cho thấy một Trung Quốc ngày càng trở nên thách thức hơn và không ngại đối đầu, như trong những phản ứng tập trận quy mô bao quanh Đài Loan những lần có động tĩnh “vượt lằn ranh” của các quan chức đảo Đài Loan.
Có lẽ một cuộc xung đột trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ là điều mà cả hai bên đều muốn tránh, vì ngoài những hậu quả tàn khốc rất khó tưởng tượng của hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của các nước trên thế giới.
Xét về tương quan lực lượng giữa hai nước hiện nay thì Trung Quốc còn phải mất một thời gian dài và rất nhiều việc phải làm để có thể ngang tầm với Mỹ.
Thế nhưng với tham vọng mạnh mẽ của giới lãnh đạo Trung Quốc những năm gần đây, việc phá được thế độc tôn và đơn cực của Mỹ trong tương lai gần không hẳn là một nhiệm vụ bất khả thi.
Và hy vọng rằng khi con sư tử ấy tỉnh giấc, nó phải hiện hình đúng như mô tả của ông Tập tại Paris hơn 9 năm trước: Là một con sư tử “hòa bình, dễ chịu và văn minh”.