Wednesday, November 20, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ gây sức ép lên Triều Tiên để từ bỏ vũ khí...

Mỹ gây sức ép lên Triều Tiên để từ bỏ vũ khí hạt nhân

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Quyết định này được Nhà Trắng thông báo cho các nhà lập pháp vào ngày 20/6. Cùng với quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt, Washington cũng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về các mối đe dọa do vũ khí nguyên tử của Triều Tiên gây ra.

Bình luận về các hành động của Bình Nhưỡng, Tổng thống Biden nói: “Sự tồn tại và nguy cơ các loại vũ khí huỷ diệt này được sử dụng trên Bán đảo Triều Tiên tạo thành một mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của nước Mỹ”.

Sắc lệnh được Nhà Trắng ban hành bao gồm một loạt các hạn chế đối với Triều Tiên như đóng băng tài sản, cấm vận thương mại, cấm đi lại và cấm các công ty Mỹ tìm cách kinh doanh tại CHDCND Triều Tiên.

Mặc dù hầu hết những chính sách này đã được áp dụng từ trước khi Tổng thống George W. Bush ban hành sắc lệnh năm 2008, nhưng điều khác biệt là các biện pháp này còn ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép tổng thống có quyền hạn trong một số trường hợp nhất định.
Chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần kêu gọi Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, nhắc lại lập trường của một số chính quyền trước đây. Trước đó, chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã thành công trong việc làm “tan băng” mối quan hệ với Bình Nhưỡng. Điều này được thể hiện rất rõ qua cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào năm 2019. Song, chính sách ngoại giao này đã không thể tiếp tục dưới thời ông Biden.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, Tổng thống Biden đã cho phép tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ với Hàn Quốc – điều mà Triều Tiên lên án là “thông lệ cho một cuộc xâm lược trong tương lai”. Đáp lại, Bình Nhưỡng thực hiện hàng chục vụ thử tên lửa trong năm qua, bao gồm một số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế “những hành động và lời lẽ ngày càng liều lĩnh” của mình, đồng thời tuyên bố rằng Trung Quốc là “quốc gia đang ở vị trí duy nhất có thể thúc ép Bình Nhưỡng tham gia đối thoại”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra câu trả lời vào hôm 20/6, nói rằng căng thẳng về vấn đề Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết sau khi Washington giải quyết “mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên”.

RELATED ARTICLES

Tin mới