Nhiều thanh niên Mỹ giờ đây không muốn gia nhập quân đội, khiến Lầu Năm Góc phải tính đến phương án giảm quy mô lực lượng.
Là người gốc Mexico nhập cư vào Mỹ, ông nội của Sky Nisperos đã quyết định đăng ký phục vụ trong hải quân Mỹ để được nhập tịch. Cha cô, Ernest Nisperos, tiếp bước ông và trở thành một sĩ quan không quân Mỹ.
Lớn lên trong gia đình có truyền thống binh nghiệp, Sky ôm ấp giấc mơ đi theo con đường của cha ông. “Tôi muốn trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu”, cô gái 22 tuổi nói.
Nhưng ông Ernest, một trong những người có ảnh hưởng nhất với Sky, lại đang khuyên con gái rằng binh nghiệp có thể không phải lựa chọn đúng đắn với cô.
Con cái gia đình quân nhân chiếm đa số tân binh ký hợp đồng phục vụ quân đội Mỹ. Nhưng xu hướng này đang lung lay khi giới trẻ ngày càng ít mặn mà với binh nghiệp và đây chắc chắn là tin xấu với các nhà tuyển quân.
“Những người có ảnh hưởng trong gia đình không còn khuyên con em họ nhập ngũ nữa”, Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết. “Cha mẹ, chú bác họ giờ không coi đó là một lựa chọn tốt”.
Thiếu hụt nhân lực là một vấn đề dài hạn và nếu không được giải quyết có thể khiến quân đội Mỹ phải cắt giảm quy mô lực lượng. Đây sẽ là vấn đề đáng lo ngại, trong bối cảnh Mỹ đang cạnh tranh gay gắt với Nga và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
“Tôi đã nghiên cứu lĩnh vực tuyển quân trong khoảng 15 năm qua và chưa bao giờ thấy tình trạng tồi tệ đến thế”, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói.
Lục quân Mỹ năm ngoái trải qua một mùa tuyển mộ khó khăn khi không thể đạt được 25% chỉ tiêu tuyển quân. Năm nay, họ đặt mục tiêu tuyển thêm 65.000 tân binh, nhưng dự kiến thiếu khoảng 15.000 người.
Hải quân Mỹ cũng có thể thiếu tới 10.000 trong mục tiêu gần 38.000 tân binh năm nay, trong khi không quân cho biết họ ước tính thiếu khoảng 3.000 trong mục tiêu 27.000 tân binh.
Thủy quân lục chiến Mỹ đã đạt mục tiêu vào năm ngoái là tuyển 33.000 tân binh và hy vọng sẽ hoàn thành kế hoạch vào năm nay, nhưng giới lãnh đạo mô tả việc tuyển quân là một thách thức lớn.
Theo dữ liệu của Lầu Năm Góc, chỉ 9% thanh niên trong độ tuổi 16-21 cho biết họ sẽ xem xét khả năng ký hợp đồng phục vụ quân đội, giảm so với mức 13% trước đại dịch Covid-19.
Giới chức Bộ Quốc phòng coi việc thiếu hụt nguồn tuyển quân là một cuộc khủng hoảng và cam kết sẽ đạt được các mục tiêu của họ trong tương lai để ngăn chặn nguy cơ phải cắt giảm cơ cấu lực lượng.
Các quan chức quốc phòng thừa nhận họ đã không làm tốt trong nỗ lực chống lại “những nhận thức sai lầm” về công việc trong quân đội. Họ cho biết nhiều gia đình Mỹ giờ đây không coi quân đội là bàn đạp trong sự nghiệp của con cái sau khi tốt nghiệp trung học.
Hiện tại, gần 80% tân binh lục quân Mỹ có một thành viên gia đình từng phục vụ trong quân đội. Đại tá Mark Crow, giám đốc Văn phòng Phân tích Kinh tế và Nhân lực tại Đại học West Point, cho hay đây là điều tốt bởi “những người hiểu rõ nhất về quân đội sẽ ở lại”.
Nhưng phụ thuộc quá nhiều vào các gia đình quân nhân có thể khiến họ không kịp trở tay khi xu hướng thay đổi, Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth nói. Bà muốn tìm cách thu hút những người không có mối liên hệ thực sự với quân đội và khiến lựa chọn binh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn.
Ernest Nisperos nhận ra rằng những đợt thực hiện nhiệm vụ xa nhà dài ngày của ông đang gây ra hậu quả. Năm 2019, sau khi trở về từ Afghanistan, ông đã đưa cả gia đình đến Disneyland. Dưới bầu trời đêm rực rỡ ánh sáng pháo hoa, ông cảm thấy không thể hòa nhập với mọi người.
Sky lo lắng rằng cha cô sẽ có kết cục giống ông nội. Sau khi nghỉ hưu, ông thường xuyên có những hồi tưởng đáng sợ về quãng thời gian đóng quân tại Ramadi, Iraq, vào năm 2005. Ông đôi khi hét lên rằng mình cần tìm chỗ trú ẩn trước một cuộc tấn công không có thật.
Cha Sky quyết định rằng ông không muốn ba người con của mình có cuộc sống như vậy.
Chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021 đã làm tăng thêm nỗi thất vọng của một số cựu chiến binh đối với quân đội, trong đó có cựu sĩ quan hải quân Catalina Gasper.
Tháng 7/2019, trong đợt triển khai chiến đấu cuối cùng tới Afghanistan, cô đóng quân tại một căn cứ ở Kabul và bị Taliban tấn công. Một vụ nổ khiến Gasper bị thương nặng và cô được đưa trở về Mỹ để điều trị.
Theo Gasper, cô đã phải chịu những tổn thương kéo dài do chấn thương sọ não. Cô trở nên nhạy cảm với âm thanh lớn và ánh sáng mạnh. Cô thường xuyên bị chóng mặt, quên lời muốn nói, đau đầu gối và thoát vị đĩa đệm.
Gasper cho hay việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào mùa hè năm 2021, để Kabul rơi vào tay Taliban, đã khiến những cựu binh như cô “đau thắt ruột gan”. “Tất cả những thứ chúng tôi làm có nghĩa lý gì?”, cô đặt câu hỏi.
Cô khẳng định mình là một người yêu nước nhưng quyết định sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn các con mình nhập ngũ.
Kinda Kuzminski, lãnh đạo Chương trình Quân sự, Cựu chiến binh và Xã hội tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, một tổ chức tư vấn an ninh lưỡng đảng có trụ sở ở Washington, cho biết đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về tuyển mộ tân binh của quân đội.
“Chúng tôi không có nhà tuyển mộ nào tại trường đại học và trung học trong hai năm”, bà nói. “Họ là đầu mối quân sự duy nhất đối với nhiều người không có gia đình hoặc bạn bè phục vụ trong quân đội”.
Mặt khác, theo các nhà tuyển quân, mức lương và phúc lợi nghề nghiệp cho tân binh hiện không đủ sức cạnh tranh với những ngành nghề khác.
“Tất cả những công việc mà người trẻ có thể nhận ngày nay đều đưa ra những ưu đãi giống như chúng tôi, rõ ràng đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt”, thiếu tá Marco Irene thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Nevada, cho hay.
Những quân nhân quân hàm thấp nhất kiếm được chưa đầy 2.000 USD mỗi tháng. Dù được hưởng các phúc lợi dành riêng cho quân đội, số tiền này vẫn không đủ, khiến họ phải tự trả một số chi phí.
Mức lương này được đánh giá là “không đủ sống” với các gia đình hoặc những người sống bên ngoài căn cứ. Theo dữ liệu liên bang, hơn 20.000 quân nhân tại ngũ đang phải nhận trợ cấp tem phiếu thực phẩm.
“Nếu phục vụ quân đội quá tốn kém, các gia đình sẽ không khuyến khích con em mình nhập ngũ”, Kathy Roth-Douquet, giám đốc điều hành tổ chức Gia đình Ngôi sao Xanh, nhóm đấu tranh vì quyền lợi cho các quân nhân, nói.
Lầu Năm Góc cho biết 77% thanh niên Mỹ bị loại trong các cuộc kiểm tra sức khỏe phục vụ quân đội do không đủ thể lực, điểm kiểm tra thấp, có tiền án như sử dụng ma túy hay các vấn đề khác. Năm 2013, khoảng 71% thanh niên không đủ tiêu chuẩn.
Theo lục quân Mỹ, hệ lụy từ đại dịch đã làm giảm 9% điểm số của những người tham gia bài thi tuyển đầu vào cho quân đội. Nếu không đủ điểm và không vượt qua được bài kiểm tra thể chất, họ sẽ không thể trở thành tân binh.
Để thu hút thêm nhân lực, quân đội Mỹ đang đẩy mạnh và hiện đại hóa hoạt động quảng bá, thay đổi một số phúc lợi, triển khai các khóa học bổ trợ để giúp những thanh niên chưa đạt chuẩn nâng cao trình độ và có thể tham gia lực lượng.
“Nó không thay đổi gì trong 15, 20 năm qua”, thiếu tướng Alex Fink, lãnh đạo Văn phòng Quảng bá Lục quân Mỹ, cho biết. “Chúng tôi thực sự không thể đo lường hiệu quả của hoạt động quảng cáo”.
Doanh trại xuống cấp, tình trạng quấy rối trong quân ngũ, thiếu chăm sóc cho con em các gia đình quân nhân hay thiếu hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là những vấn đề sâu xa hơn mà các binh sĩ cho biết họ đang gặp phải.
“Các bậc cha mẹ lo lắng nếu con họ nhập ngũ, liệu chúng có nơi ở tốt không? Liệu chúng có bị quấy rối tình dục hay có ý định tự tử không?”, Wormuth nói.
Các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết sức chiến đấu tổng thể của quân đội có nguy cơ sụt giảm nếu cuộc khủng hoảng nhân lực không được giải quyết.
Tình trạng không đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu có thể không bộc lộ khi các đơn vị không phải tham chiến, nhưng vào thời điểm cần một phản ứng toàn diện, vấn đề sẽ bị phơi bày, giới phân tích lưu ý.
Cố gắng níu chân những người lính tại ngũ sau khi kết thúc hợp đồng là một giải pháp. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến việc các quân nhân có thành tích kém sẽ không bị loại ngũ, Gil Barndollar, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu về Lãnh đạo tại Đại học Công giáo Mỹ, nhận định.
“Nếu bạn không thể cắt giảm 10% những người có thành tích kém nhất sau hợp đồng ban đầu, điều đó sẽ ảnh hưởng lâu dài tới các quân nhân có thành tích cao”, ông nói.
Theo Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), những đơn vị thiếu nhân lực sẽ không có khả năng phản ứng nhanh chóng khi cần. Và các đơn vị phải huy động lính bổ sung không thể hoạt động hiệu quả bằng những đơn vị mà các thành viên đã huấn luyện với nhau nhiều tháng hoặc nhiều năm.
“Những gì bạn thấy sẽ là một lực lượng ô hợp”, ông nói.
Wormuth khẳng định lục quân “đang rất tập trung” vào nhiệm vụ nâng cao số lượng tân binh được tuyển mộ. Nhưng nỗ lực này có thể là quá muộn đối với những người Mỹ sắp tốt nghiệp trung học hoặc đại học.
Sky Nisperos, người từng mơ ước trở thành phi công của lực lượng không quân Mỹ, đã tốt nghiệp Đại học Oklahoma hồi tháng 5.
“Kế hoạch bây giờ của tôi là trở thành một nhà thiết kế đồ họa”, cô nói.
T.P