Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiểm lại tình hình quốc tế nửa đầu năm 2023

Điểm lại tình hình quốc tế nửa đầu năm 2023

Thế giới đã bước qua một nửa chặng đường đầu tiên của năm 2023 đầy sóng gió, mà trung tâm chính là cuộc xung đột ở Ukraine với những diễn biến phức tạp, khó lường. Sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng dưới các hình thái đa dạng, khiến cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky trong cuộc gặp tại Kiev ngày 20/2/2023. Đây là một chuyến thăm bất ngờ nhằm tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ đối với Ukraine.

Ảnh hưởng của nó đã lan rộng tới mọi mặt đời sống, kinh tế thế giới, đồng thời tạo ra những thay đổi lớn về chính trị trên phạm vi toàn cầu. Có thể rút ra một số nét nổi bật về tình hình quốc tế nửa đầu năm 2023 như sau:

I. Dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi

Sau hơn ba năm hoành hành và lấy đi sinh mạng của gần 7 triệu người, bệnh dịch Covid-19 đã chính thức bị đẩy lùi. Tháng 5 năm 2023, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuyên bố này đã góp phần xoá bỏ sự ngăn cách giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra hi vọng phục hồi nền kinh tế toàn cầu, kèm theo đó là sự khôi phục các hoạt động xã hội, văn hoá, du lịch… Trung Quốc – quốc gia vốn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nhất, cuối cùng cũng tuyên bố bãi bỏ chính sách “zero covid” và cấp lại hầu hết các loại thị thực cho người nước ngoài bắt đầu từ ngày 15/3/2023. Điều này đã góp phần khôi phục lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh quá trình hồi phục nền kinh tế thế giới trong những năm “đóng băng” do đại dịch.

Tuy nhiên, Covid-19 vẫn để lại những di chứng nặng nề không chỉ về tâm lý, tinh thần của con người mà những tạo ra nhiều gánh nặng cho sản xuất kinh tế toàn cầu. Việc nối lại các thị trường và thúc đẩy phục hồi sản xuất vẫn rất chậm chạp và khó khăn. GDP của nhiều nước vẫn ở mức tăng trưởng thấp, thậm chí xuống đến mức âm. Các nền kinh tế lớn như châu Âu, Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ, kéo theo sự suy giảm chung của kinh tế toàn cầu.

II. Chiến tranh Nga – Ukraine và những tác động của nó đến trật tự thế giới

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng leo thang với những diễn biến căng thẳng, phức tạp và mức độ nguy hiểm tăng cao. Các nhà quan sát cho rằng, sau gần 500 ngày giao tranh, cả Nga và Ukraine đều đã đề ra những mục tiêu nhất định, sẵn sàng đi đến các cuộc giao tranh khốc liệt nhằm triệt hạ đối phương. Cả hai phía đều đang dồn tổng lực cho cuộc đối đầu một mất một còn. Lúc này, Ukraine đã dựa hẳn vào nguồn vũ khí, tài chính của Mỹ, NATO để chống Nga. Các nước như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thể hiện một thái độ kiên quyết khiến Nga suy yếu, sụp đổ, sẵn sàng hỗ trợ tới cùng để Ukraine giành thắng lợi, trục xuất hoàn toàn lực lượng của Nga ra khỏi lãnh thổ nước này. Bên cạnh viện trợ quân sự, Mỹ và EU vẫn tiếp tục dùng đòn kinh tế để làm Nga suy yếu, thông qua nhiều lệnh trừng phạt mới nhắm vào năng lượng, chuỗi cung ứng, bao vây thương mại… với hi vọng làm Nga suy yếu, thất bại. Nhìn vào các chương trình viện trợ của Mỹ và NATO cho Ukraine, có thể thấy đây không chỉ là cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga mà thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và châu Âu.

Tình hình phức tạp ở Ukraine nói trên đã tác động sâu sắc đến trật tự thế giới, tạo ra những thay đổi lớn, thể hiện ở một số khía cạnh sau:

1. Hình thành thế giới đa cực

Qua chiến tranh Nga – Ukraine, thế giới đã phân chia làm hai tuyến rõ ràng: tuyến chống Nga gồm một số nước trong đó có Mỹ, châu Âu và đồng minh của Mỹ nằm ngoài châu Âu, một tuyến không ủng hộ quan điểm chống Nga của Mỹ và châu Âu, gồm những nước còn lại, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Ả Rập Xê Út… Tuyến thứ nhất kiên quyết chống Nga đến cùng, mục tiêu là làm Nga sụp đổ. Cụ thể, Mỹ và châu Âu đã tận dụng mọi điều kiện tại Liên hợp quốc để tiến hành bao vây, cô lập Nga về ngoại giao. Rất nhiều cuộc họp, hội nghị đã được tổ chức để đưa ra nghị quyết buộc Nga rút quân khỏi Ukraine, tố cáo Nga vi phạm dân chủ, cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine là phi nghĩa… Tuy nhiên, tỉ lệ đồng tình ủng hộ Mỹ chống Nga vẫn không tăng lên qua các cuộc bỏ phiếu. Các nước không ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga vẫn chiếm số đông, trong đó có nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Mỹ Latinh, châu Phi và các nước thuộc khối BRICS. Khối này hiện chiếm tới 2/3 dân số thế giới và 24% tổng sản phẩm toàn cầu.

Sự phân chia hai tuyến với hai tư tưởng đối lập như vậy đã tạo ra những xung đột vô cùng căng thẳng mà không bên nào chiếm ưu thế hoàn toàn. Đặc biệt, các xung đột căng thẳng này kết hợp với việc Mỹ và châu Âu can thiệp mạnh tay vào cuộc chiến Ukraine đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Điều này giúp cho hai nước hợp tác với nhau và thiết lập một trật tự thế giới mới đa cực, nhằm xoá bỏ vai trò siêu cường lãnh đạo thế giới của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ qua. Thực tế cho thấy, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều nhóm nước, khối nước mới với sự bổ sung, tăng cường thành viên: Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) có thêm hai nước Iran và Belarus; trong khi khối BRICS có thể có thêm 19 quốc gia gia nhập khối này trong tương lai, bên cạnh 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga. Đây đều là những nền kinh tế lớn với tỉ lệ nhân lực ở độ tuổi lao động chiếm đa số, tổng GDP vượt qua cả Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, sự mở rộng khối BRICS đã bắt đầu cho thấy sự liên kết, hình thành khối các nước Trung Đông với xu hướng xa rời Mỹ để xích lại gần hơn với Trung Quốc. Sự kiện Ả Rập bình thường hoá quan hệ với Iran, Syria trong tháng 5 vừa qua cho thấy một trật tự mới đang dần được hình thành ở khu vực Trung Đông, tạo ra một trục liên minh với Trung Quốc, đối đầu chống Mỹ. Đây là khu vực có nguồn cung ứng tài nguyên, nguyên liệu dồi dào và là những thị trường thương mại lớn mà Mỹ đã và đang cố gắng lan toả sức ảnh hưởng.

Tất cả đã tạo nên một thế giới đa cực nơi mọi quyền lực và tham vọng thống trị đều không dễ dàng đạt được.

2. Chạy đua vũ trang toàn cầu

Chiến sự ở Ukraine đã đẩy nhanh quy mô tái vũ trang trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương. Tâm lý lo sợ chiến tranh đã được đẩy lên rất cao, kéo theo mối quan ngại về sự bùng nổ của một Thế chiến thứ ba, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Những mối lo về chủ quyền, lãnh thổ đã thúc đẩy tham vọng chạy đua vũ trang của nhiều nước. Hầu hết các nước có nền kinh tế lớn như châu Âu – Mỹ đều tăng cường chi tiêu cho quốc phòng mức độ lớn, đặc biệt là Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục là 835 tỷ USD cho năm tài khoá 2023. Ở châu Âu, Đức đã gấp rút tung ra gói ngân sách 100 tỷ Euro để mua sắm vũ khí, trang bị quốc phòng và hiện đại hoá quân đội.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang dấy lên các mối lo ngại về kịch bản Nga – Ukraine tái diễn với Trung Quốc và Đài Loan, bên cạnh đó là các đợt thử tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên khiến Nhật Bản nhanh chóng đưa ra các chính sách tăng cường quốc phòng an ninh với mức cao kỷ lục kể từ sau Thế chiến II, lên đến 2% GDP trong vòng 5 năm tới. Đồng hành với Nhật Bản là Hàn Quốc cũng đang chạy đua vũ trang mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các chính sách này được ban hành song song với sự triển khai quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về phía Nga, mặc dù đang sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine song trước sự triển khai quân sự của khối NATO ở Thuỵ Điển, Phần Lan, nước này vẫn tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng Bắc Cực để đối phó với Mỹ, khi đưa hệ thống tàu ngầm nguyên tử vào vùng biển nối liền với Alaska. Ngược lại, Mỹ cùng khối AUKUS (Anh – Úc – Mỹ) đã thông qua dự án tàu ngầm hạt nhân ở Úc vào tháng 3 vừa qua.

Tất cả cho thấy rằng thế giới đang đứng trước nguy cơ có thể xảy ra chiến tranh diện rộng, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân. Nói cách khác, hoà bình thế giới đang bị đe doạ trước những cuộc chạy đua vũ trang của tất cả các bên.

3. Rạn nứt quan hệ Mỹ – Âu

Không thể phủ nhận rằng chiến sự ở Ukraine thúc đẩy Mỹ và các nước châu Âu xích lại gần nhau hơn. Trong suốt hơn một năm vừa qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều tập trung thống nhất một mục tiêu chống Nga. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, mối quan hệ khăng khít này đã xuất hiện những rạn nứt đáng kể, xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế, lạm phát ở châu Âu. Nhiều nước thuộc Liên minh EU đã cho rằng Mỹ là bên duy nhất hưởng lợi từ cuộc chiến, còn châu Âu phải chịu nhiều thiệt hại khi cùng Mỹ trừng phạt Nga, cụ thể là những tổn thất nặng nề về năng lượng, kinh tế. Tổng thống Ý, Pháp, Tây Ban Nha đều thống nhất nhận định rằng đã đến lúc châu Âu phải tự chủ, không thể là “chư hầu” của Mỹ mà cần phải có lực lượng quân đội riêng, tự tăng cường được tiềm lực kinh tế, quốc phòng cho mình.

Như vậy, đã có sự chia rẽ về vấn đề Ukraine ngay trong nội bộ châu Âu. Cụ thể, trong khi các nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ, các nước Bắc Âu, Anh và Đức tuyên bố ủng hộ Mỹ tới cùng, thì các nước Tây Âu bắt đầu dao động và nhận thấy cần phải có giới hạn việc trong hợp tác với Mỹ, không thể vượt quá “lằn ranh đỏ”, nếu không có thể dẫn đến xung đột với Nga. Những quan điểm chống Nga quyết liệt đã tác động lớn đến các cử tri của nhiều nước châu Âu, thêm vào đó là những khó khăn về kinh tế khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Séc, Slovakia… gây ra những tổn thất nặng nề cả về vật chất và tinh thần cho người dân nước này. Không chỉ đòi hỏi các quyền lợi cơ bản về an sinh xã hội, nhiều người biểu tình còn yêu cầu lãnh đạo, nguyên thủ các nước từ chức. Hiện nay, Pháp, Anh và Đức đang là trung tâm của các cuộc biểu tình nói trên. Trong khi đó, Mỹ cũng không phải là một ngoại lệ. Nội bộ Quốc hội – Chính phủ Mỹ cũng chứng kiến những xung đột gay gắt liên quan đến viện trợ chiến tranh cho Ukraine. Các cuộc tranh luận căng thẳng giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ, nổi bật là giữa Trump và Biden về các khoản viện trợ cho UK, đều quay xoanh vấn đề này. Nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ chưa từng có, điều đó sẽ tác động lớn tới kinh tế toàn cầu.

Tất cả những biến động về mặt chính trị đều tạo ra một làn sóng tiêu cực, không những làm phân hoá trật tự thế giới mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, khiến cho tăng trưởng kinh tế của nhiều nước gần như không thể hồi phục được. Đặc biệt, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế của các nước lớn chắc chắn sẽ tác động xấu tới nền kinh tế toàn cầu.

4. Các đồng tiền mới cạnh tranh với Đô la Mỹ

Sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga đã gây ra cho nước Nga những tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong khi châu Âu và Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng lạm phát nặng nề, kinh tế nước Nga vẫn đứng vững trước nhiều biến động. Điều này có thể được lý giải bởi sự “lên ngôi” của những đồng tiền mới – trong đó có đồng rub – thay thế dần cho các đồng tiền đang mất giá là Euro và Đô la Mỹ. Trước lệnh cấm vận từ Mỹ và châu Âu, Nga và các nước thuộc khối BRICS đã tìm đến các đồng thanh toán mới của nhau, nổi bật là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Các nhà quan sát dự đoán, sắp tới khối BRICS sẽ có một đồng tiền chung và sử dụng tiền này để thanh toán nội bộ khối. Khi đồng tiền chung của khối BRICS ra đời, nó chắc chắn sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong thương mại thế giới. Ngược lại, đồng Đô la Mỹ sẽ mất dần giá trị ban đầu, và không còn được coi là đồng tiền dự trữ toàn cầu nữa. Có thể nói, đây là một tín hiệu đáng kể cho thấy rằng nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước châu Á, cũng đã tính đến việc sử dụng một đồng tiền mới để làm giảm ảnh hưởng của đồng Đô la trên thị trường hiện tại. Điều này không những góp phần tạo ra một cuộc cách mạng trong phương tiện thanh toán toàn cầu, mà còn cho thấy rõ hơn một trật tự đa cực đã được thiết lập nhằm phân tán vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới.

5. Vị thế Trung Quốc gia tăng trên trường quốc tế

Sáu tháng đầu năm 2023, thế giới chứng kiến Trung Quốc đảm nhận những vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, điều đó cho thấy vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế đã có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chuyến thăm cấp cao tới Nga theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3 vừa qua. Chuyến đi cho thấy đã thay đổi vị thế của Trung Quốc từ một cường quốc về kinh tế sang cường quốc toàn cầu – cường quốc lãnh đạo, trực tiếp can dự vào những vấn đề quan trọng của thế giới. Một mặt phía Trung Quốc tiếp tục trao đổi “các vấn đề liên quan đến phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược Nga-Trung”, mặt khác các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn khẳng định nước này sẽ “đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình” giữa Kiev và Moskva. Ngày 27 tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky, nội dung của cuộc điện đàm “đặc biệt chú ý đến các cách thức hợp tác khả thi để thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine”.

Nhìn chung, tất cả các hoạt động của Trung Quốc trong 6 tháng vừa qua cho thấy, nước này đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc tham gia kiến tạo một trật tự thế giới mới, cùng với Nga làm thay đổi vai trò độc tôn lãnh đạo của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc không chỉ là quốc gia cứu cánh cho sự sụt giảm kinh tế toàn cầu mà còn giữ vai trò kiến tạo hoà bình, làm trung gian giải quyết tình trạng căng thẳng ở Ukraine hiện nay. Mặt khác, Trung Quốc nổi lên như là một trung tâm của thế giới, 6 tháng vừa qua các nguyên thủ Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Chủ tịch EU đã đến Trung Quốc, và tất cả đều khẳng định rằng họ không thể từ bỏ mối quan hệ ngoại giao với nước này. Dư luận, kể cả Mỹ, cũng hi vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine. Bản thân Trung Quốc trong thời gian qua cũng đã cử đặc phái viên đến Nga, Ukraine và một số nước châu Âu để thực hiện trách nhiệm của mình đối với trật tự thế giới. Nói cách khác, Trung Quốc đang từng bước trở thành một lãnh đạo toàn cầu nhờ vào sức mạnh mềm của mình. Điều này có thể tác động đến sự chọn bên của các nước, đặc biệt là những nước nhỏ.

III. Biến đổi khí hậu và khủng hoảng nhân đạo

Bên cạnh các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế; biến đổi khí hậu trong 6 tháng đầu năm cũng là một vấn đề lớn có tính toàn cầu. Vấn đề này bao trùm lên tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nhiều nơi. Từ các trận bão tuyết ở Mỹ, Canada, những đợt nắng nóng kéo dài ở Tây Âu cho đến các vụ sạt lở, động đất, lũ lụt ở châu Á… đã và đang đe doạ cuộc sống của hàng triệu con người, làm anh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội, đồng thời gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, những chương trình như COP26 cũng rất khó thực hiện được trong bối cảnh Mỹ và châu Âu gia tăng các lệnh cấm vận, trừng phạt Nga, khiến các nước phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ nước này buộc phải phục hồi các nguồn năng lượng cũ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lượng khí thải CO2 ngày càng tăng cao, đạt đến mức kỷ lục trong hơn 100 năm qua (trên 37 tỷ tấn), nạn chặt phá rừng… ở nhiều nơi khiến hệ sinh thái toàn cầu mất cân bằng, thế giới tiếp tục phải “oằn mình” gánh chịu những tác động khôn lường từ biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2023, thế giới phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn ở khắp các châu lục. Tình trạng chiến tranh liên miên ở khu vực Trung Đông, đói nghèo ở châu Phi, Mỹ Latin và cuộc chiến Nga – Ukraine… đã tạo ra những dòng người di tản khổng lồ đổ về các nước châu Âu, Mỹ. Các trận động đất ở đất Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, bão lụt ở Xomali… với mức độ thiệt hại nghiêm trọng về người và của khiến cho việc tìm kiếm, cứu trợ gặp nhiều khó khăn, đến nay vẫn cần huy động một nguồn nhân lực, vật lực lớn. Tình trạng bất ổn này dự kiến sẽ còn diễn biến phức tạp trong suốt khoảng thời gian còn lại của năm 2023.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm nay, thế giới bị bao phủ bởi một gam màu xám tương đối ảm đạm, thể hiện một cách toàn diện trên tất cả các phương diện: chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội… Tất cả những vấn đề này cộng hưởng, tác động mạnh đến tình hình toàn cầu, ảnh hưởng trước hết tới các nước nghèo, nước nhỏ. Các nước này không những phải chịu tác động mạnh mẽ mà còn dễ bị cuốn vào các trục của thế giới. Với tình hình hiện tại, thật khó để đoán định được viễn cảnh tương lai nào sẽ đến với thế giới, đặc biệt là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc ra sao. Đây là vấn đề then chốt, là bước quan trọng tiến đến việc thiết lập lại hoà bình thế giới, góp phần hồi phục nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam với tư cách là một đất nước yêu chuộng hoà bình, luôn luôn mong muốn, kêu gọi, ủng hộ các nước sớm chấm dứt chiến tranh, khôi phục lại tình trạng ổn định an ninh, kinh tế thế giới, cùng nhau hợp tác và phát triển trong một môi trường hoà bình, lành mạnh, văn minh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới