Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiAi cấp phép cho công trình lớn nằm trong hành lang bảo...

Ai cấp phép cho công trình lớn nằm trong hành lang bảo vệ đê Sông Hồng?

Công trình 5 tầng, lớn nhất khu vực, nằm ngay trong hành lang bảo vệ đê điều khiến nhiều nhiều người dân Bát Tràng bức xúc.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều và dường như cơ quan chức năng có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

Trong cuộc họp lấy ý kiến cử tri mới đây, người dân xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) bức xúc trước việc chính quyền cố tình làm ngơ cho một công trình cao 5 tầng ngang nhiên “mọc” trên hành lang bảo vệ đê Sông Hồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình có dấu hiệu sai phạm trên tại địa chỉ tại số 3, đường Giang Cao, xã Bát Tràng và nằm ngay dưới chân đê Sông Hồng.

Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chủ đầu tư đang cho thợ thi công rầm rộ, gấp rút, phần thô đã gần như đã hoàn thành. Nhìn từ xa có thể thấy, công trình trên thuộc loại lớn nhất khu vực.   

 “Chúng tôi chỉ được xây dựng 2-3 tầng là cùng, việc xây dựng như công trình trên là có dấu hiệu mờ ám. Làm gì có chuyện nằm ngay chân đê, trong hành lang bảo vệ đê lại được xây dựng lên đến 5 tầng”, một người dân địa phương tỏ ra bức xúc.

Tại khoản 3, Điều 12, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2015 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:… Xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.

Tại khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2006 cũng nghiêm cấm: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.

Tuy pháp luật quy định là vậy nhưng trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Văn May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng lại khẳng định công trình trên đã có giấy phép đầy đủ và có thỏa thuận với bên đê điều.

Câu hỏi dư luận đặt ra “liệu công trình nằm trên hành lang bảo vệ đê điều này có được cơ quan chức năng “bật đèn xanh” cho thỏa sức xây dựng” (Ảnh Minh Chí)

“Công trình 5 tầng trên đã được cấp phép xây dựng đầy đủ. Sau khi có sự thỏa thuận bằng văn bản của Chi cục Đê điều (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội – PV), UBND huyện Gia Lâm đã cấp phép cho hộ gia đình ông Công Ngọc xây dựng”, ông May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết.

Tuy nói như vậy nhưng ông May chưa cung cấp được văn bản, giấy phép cho phóng viên để chứng minh sự việc trên.

Nếu đúng như lời ông May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng nói thì rõ ràng việc cấp phép cho công trình trên của UBND huyện Gia Lâm đã vi phạm cả Luật Xây dựng và Luật Đê điều. Còn nếu không được cấp phép thì rõ ràng có sự buông lỏng quản lý, làm ngơ, tiếp tay của chính quyền địa phương.

Sự việc trên rất cần được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố Hà Nội.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin

ĐIỀU 23, LUẬT ĐÊ ĐIỀU QUY ĐỊNH PHẠM VI BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU:

1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê.

2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau:

a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển;

b) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5 mét tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng.

3. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50 mét.

4. Trường hợp cần mở rộng hành lang bảo vệ đê đối với vùng đã xảy ra đùn, sủi hoặc có nguy cơ đùn, sủi gây nguy hiểm đến an toàn đê do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

5. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa.

RELATED ARTICLES

Tin mới