Sunday, November 24, 2024
Trang chủQuân sựĐạn chùm Mỹ cung cấp cho Ukraine gây sát thương thế nào?

Đạn chùm Mỹ cung cấp cho Ukraine gây sát thương thế nào?

Loại đạn chùm Mỹ sắp gửi cho Ukraine chứa hàng chục quả đạn nhỏ bên trong, có thể phá hủy mục tiêu trong khu vực rộng hàng chục ngàn mét vuông.

Những quả đạn 155mm chứa đạn nhỏ bên trong của quân đội Mỹ.

Chính quyền Mỹ mới đây đã chính thức xác nhận sẽ cung cấp đạn chùm trong gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, theo CNN.

Bom, đạn chùm là vũ khí chứa hàng chục đến hàng trăm quả đạn nhỏ bên trong. Quả bom chùm có thể được thả từ máy bay, trong khi đạn chùm có thể phóng từ pháo hay các giàn phóng rốc két.

Quả đạn lớn sẽ vỡ ra ở độ cao nhất định, rải những quả đạn con bên trong lên một khu vực rộng lớn. Những quả đạn con này được thiết kế với ngòi hẹn giờ để phát nổ khi đến gần mục tiêu hoặc khi chạm đất, bắn ra nhiều mảnh đạn nhỏ nhằm tiêu diệt binh sĩ hoặc thiết giáp.

Loại đạn chùm Mỹ cung cấp cho Ukraine có tên gọi là Đạn quy ước cải tiến hai mục đích (DPICM), đã bị quân đội Mỹ loại bỏ từ năm 2016. Hai mục đích ở đây ý nói vừa có khả năng xuyên giáp, vừa gây sát thương cho binh lính.

Loại đạn này được bắn từ lựu pháo 155 mm và bên trong mỗi quả chứa 88 quả lựu đạn nhỏ. Mỗi quả đạn chùm có tầm sát thương khoảng 30.000 m2, tùy vào độ cao các quả đạn nhỏ được rải ra.

Theo một bài viết trên website eArmor của Lục quân Mỹ, khi tấn công xe tăng hoặc xe bọc thép, các quả đạn nhỏ sẽ phóng ra những mảnh kim loại có thể xuyên thủng giáp của phương tiện. Cần 10 quả đạn nhỏ trở lên để phá hủy một xe bọc thép nhưng có thể chỉ cần một quả là đủ vô hiệu hóa vũ khí của phương tiện đó hoặc khiến nó không thể di chuyển.

DPICM có thể tấn công nhiều mục tiêu trong khu vực cùng lúc so với một quả đạn pháo duy nhất. Hơn nữa, nghiên cứu của Lục quân Mỹ cho rằng các khẩu lựu pháo bắn loại đạn chùm này có nhiều khả năng tránh bị đối phương phản pháo, bởi nó phá hủy mục tiêu nhanh hơn, sau đó rời đi trước khi đối phương tính toán được vị trí.

Tuy nhiên, loại vũ khí này gây tranh cãi bởi nguy cơ của nó đối với dân thường. Theo ước tính của tổ chức Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, khoảng 10-40% quả đạn nhỏ của bom, đạn chùm không phát nổ ngay và vẫn có nguy cơ phát nổ sau nhiều thập niên, gây nguy cơ cho dân thường sau này. Đạn DPICM của Mỹ cung cấp cho Ukraine có tỷ lệ không nổ chưa đến 2,35%, theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới