Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhiều bất đồng tồn tại trước Thượng đỉnh NATO

Nhiều bất đồng tồn tại trước Thượng đỉnh NATO

Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra trong hai ngày tới (11-12/7) tại thủ đô Vilnius của Lithuania. Nhiều nước NATO đã gửi quân và vũ khí quân sự tới, giúp nước chủ nhà tăng cường an ninh cho sự kiện quan trọng này. Sức nóng của Hội nghị đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ quốc tế khi NATO đang đau đầu với “bài toán” Ukraine, việc kết nạp các thành viên mới…

Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra trong hai ngày 11-12/7.

Do Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức tại một quốc gia giáp Nga và Belarus, giữa lúc bối cảnh 2 bên đang rất căng thẳng, nên NATO đã tăng cường an ninh một cách tối đa cho Lithuania.

Chỉ huy lực lượng biên phòng Lithuania – Rustamas Liubajevas cho biết: “Tình hình thực sự rất căng thẳng. An ninh đang được chú trọng ở một mức độ rất cao. Có những mối quan ngại thực sự và đó là lý do tại sao chúng tôi đang nói về các biện pháp an ninh bổ sung. Sự hiện diện của các đồng minh của chúng tôi là một trong những điều rất quan trọng đó”.

Đến nay, 16 quốc gia thành viên NATO đã gửi tổng cộng khoảng 1.000 binh sĩ đến Lithuania. Nhiều nước cũng cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến mà Lithuania còn thiếu. Đức đã triển khai 12 bệ phóng tên lửa Patriot dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hoặc máy bay chiến đấu. Tây Ban Nha gửi hệ thống phòng không NASAMS, Pháp gửi pháo tự hành Caesar. Đức và Ba Lan cùng nhiều nước khác cũng cung cấp sự hỗ trợ đảm bảo an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO, trong đó có tính đến khả năng ứng phó với các cuộc tấn công hóa học, sinh học và hạt nhân nếu có.

Hội nghị Thưởng đỉnh NATO lần này đã được chuẩn bị trong nhiều tháng qua, với các cuộc họp cấp Bộ trưởng, nhằm tìm kiếm sự thống nhất quan điểm của Khối Liên minh quân sự này trong nhiều vấn đề “nóng”, như: sự hỗ trợ quân sự cho Ukraina, lộ trình kết nạp các thành viên mới hay kế hoạch phòng thủ đầu tiên của NATO trong nhiều thập kỷ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết:

“Hội nghị thượng đỉnh của sẽ gửi một thông điệp rõ ràng: NATO đoàn kết và Nga sẽ phải trả giá. Nhiệm vụ cấp bách nhất là chúng tôi sẽ đứng về phía Ukraine, hỗ trợ cho Ukraine, miễn là nó cần thiết. Nếu Ukraine không giành chiến thắng trong cuộc xung đột này, vấn đề thành viên sẽ không còn ý nghĩa”.

Với sự tham gia trực tiếp của Tổng thống Joe Biden lần này, Mỹ muốn các nước thành viên NATO đoàn kết hơn trong việc hỗ trợ Ukraina. Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện hầu hết các nước châu Âu đang vật lộn với khó khăn kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao hay tình trạng bất ổn chưa từng thấy, sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc kêu gọi các nước này ủng hộ cho Ukraina.

Cùng với đó, Mỹ cũng đang gặp khó thuyết phục được các nước đồng minh trong việc kết nạp các thành viên mới một cách nhanh chóng. Hôm qua, trước khi lên đường tới châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để bàn về việc kết nạp Thụy Điển và Ukraine.

Trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hiện Thụy Điển đã thực hiện một số bước đi đúng hướng bằng cách đưa sửa đổi vào luật chống khủng bố. Tuy nhiên, trên thực tế, một nhóm người Thụy Điển ủng hộ Đảng Công nhân người Cuốc bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục biểu tình tự do, khiến cho những bước đi mà chính quyền Thụy Điển thực hiện trở nên vô ích.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thừa nhận, đang không có một sự thống nhất quan điểm nào trong NATO về việc chấp thuận Ukraina gia nhập Khối khi mà một cuộc xung đột vẫn đang diễn ra.

Không chỉ dừng lại ở đó, tại hội nghị, có khả năng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải đối mặt với loạt chất vấn từ các đồng minh về lý do Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine trong khi hơn 2/3 thành viên NATO cấm loại vũ khí này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới