Thursday, November 14, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội'Tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa bao giờ xuống số âm, thấp...

‘Tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa bao giờ xuống số âm, thấp như hiện nay’

TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM – nhận xét, các động lực tăng trưởng đang đi lùi đáng kể, hệ thống, bộ máy trì trệ. “Tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa bao giờ xuống số âm, thấp như hiện nay. Ngay cả thời kỳ khủng khoảng 2008-2009, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng hai con số…” – ông Cung nói.

Tính tới kịch bản thấp hơn mục tiêu

Hôm nay (10/7), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố báo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm.

Với kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,32%, kém xa so với mục tiêu đề ra của cả năm, CIEM cho rằng bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm có thể là sức ép tích cực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách thời gian tới.

CIEM đưa ra 3 dự báo tăng trưởng, tuy nhiên cả 3 kịch bản này đều cho thấy, Việt Nam khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra trước đó. Ở cả 3 kịch bản, lạm phát đều thấp hơn mục tiêu đề ra.

Kịch bản 1 (thấp nhất) giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34%.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72%.

Kịch bản 3 (cao nhất), tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% khi giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng đạt kết quả tối đa, môi trường kinh doanh và năng suất lao động được cải thiện. Giả thiết này đòi hỏi bối cảnh kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn và Việt Nam phải có sự quyết liệt trong cải cách và điều hành.

Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nhận định, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm là tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội khi. Năm nay là năm cuối cùng của chương trình (nếu không có gia hạn). Chương trình sẽ phụ thuộc đáng kể vào hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách thể chế kinh tế, nhằm sớm tạo không gian mới cho phục hồi tăng trưởng, chứ không chỉ là việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa.

Sắp có cơ chế xử lý cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Thực tiễn các năm 2020-2022 cho thấy, không ít lần Việt Nam suy giảm tăng trưởng trong 1-2 quý đầu năm, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ ở những tháng còn lại. Tuy nhiên, với năm 2023, giới phân tích bày tỏ nhiều lo ngại cho giai đoạn tới.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5-5,5%. Trong đó, tăng trưởng quý III có thể đạt 7-7,2% và quý 4 đạt 6,8-7%. Dự báo lạm phát cả năm nhiều khả năng sẽ tăng 3,8-4,2%, thấp hơn so với mục tiêu 4,5%.

TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM – nhận xét, các động lực tăng trưởng đang đi lùi đáng kể, hệ thống, bộ máy trì trệ. “Tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa bao giờ xuống số âm, thấp như hiện nay. Ngay cả thời kỳ khủng khoảng 2008-2009, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng hai con số. Sản xuất công nghiệp cũng giảm mạnh. Xét về doanh nghiệp, tâm thế đầu tư đang rất bi quan”, ông Cung cho hay.

Nhận diện tình hình thế giới, trong nước tiếp tục đối mặt khó khăn, thách thức, tạo áp lực lớn lên điều hành tăng trưởng những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Tờ trình nghị quyết nêu 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó các giải pháp tập trung vào thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, thu hút vốn FDI và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.

Dự thảo nghị quyết cũng nêu vấn đề cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương cần cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới, làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho doanh nghiệp, người dân.

Các Bộ: Xây dựng, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, rà soát sửa đổi quy chuẩn 06, các quy định về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với điều kiện thực tiễn; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 132, tháo gỡ vướng mắc về quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết của doanh nghiệp sản xuất; sửa đổi tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thuỷ sản trong tháng 7; giảm tối đa hoạt động thanh tra chưa cần thiết theo quy định.

Dự thảo nghị quyết của Chính phủ đưa ra nhiệm vụ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bộ Nội Vụ trong tháng 9 trình cấp có thẩm quyền xem xét quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ,dám đột phá vì lợi ích chung; có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Các bộ, cơ quan, địa phương phải kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, trì trệ, thiếu trách nhiệm và không đáp ứng yêu cầu công việc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6%, thì tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8%.

Kịch bản 2, để tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới