Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ kịch bản nhượng bộ lãnh thổ với Nga để được gia nhập NATO.
“Tôi tin là các đồng minh sẽ không phản bội. Mặc dù vậy, tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ, kể cả một ngôi làng hẻo lánh, để đổi lấy tư cách thành viên trong NATO”, Tổng thống Zelensky ngày 12/7 cho biết tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ lãnh thổ của mình và sẽ không bao giờ đánh đổi để đóng băng xung đột. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Các đối tác hiểu rõ lập trường của chúng tôi”.
Khẳng định trên được đưa ra trong bối cảnh có thông tin nói rằng giới chức Mỹ và Đức cố tránh cam kết thời điểm cụ thể kết nạp Ukraine vào NATO để phòng trường hợp vấn đề này có thể trở thành một quân bài đàm phán với Nga.
Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày qua, lãnh đạo NATO nhất trí đưa ra tuyên bố rằng, tương lai của Ukraine là ở NATO nhưng chỉ khi các nước thành viên đều chấp nhận và các điều kiện cho phép.
“Chúng tôi sẽ gửi lời mời Ukraine tham gia liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”, tuyên bố cho biết. Tuy nhiên, liên minh này không nêu cụ thể những điều kiện mà Ukraine cần đáp ứng.
Liên minh quân sự gồm 31 thành viên do Mỹ dẫn dắt đã bỏ yêu cầu Ukraine phải hoàn thành Kế hoạch hành động trở thành thành viên (MAP), giúp loại bỏ rào cản đối với Kiev trên con đường gia nhập liên minh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, Ukraine đang tiến gần NATO hơn bao giờ hết. Ông cũng nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu hiện nay của các đồng minh là trang bị đầy đủ vũ khí cho Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky đánh giá: “Điều rất quan trọng là trong 2 ngày diễn ra hội nghị, chúng tôi đã loại bỏ mọi nghi ngờ và sự mơ hồ về việc liệu Ukraine có gia nhập NATO hay không”.
Ông cũng tin Ukraine đủ điều kiện để gia nhập NATO vào hội nghị tiếp theo của liên minh vào giữa năm sau sau khi Kiev kết thúc cuộc xung đột với Nga.
Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã chỉ trích hội nghị của NATO, cho rằng liên minh quân sự này đã trở lại tư duy Chiến tranh Lạnh. Cơ quan này cho biết sẽ phân tích kỹ lưỡng kết quả của hội nghị và đáp trả thích hợp “bằng mọi biện pháp sẵn có”.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, Nga vẫn giữ lập trường về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Lập trường của chúng tôi gần như không thay đổi. Chúng tôi vẫn để ngỏ đối thoại, song chúng tôi sẽ hành động dựa trên các lợi ích hợp pháp của mình và sẽ cân bằng các cách tiếp cận để đạt được một giải pháp khả thi với tình hình thực tế”, ông Lavrov trả lời phỏng vấn nhật báo Lenta ngày 12/7.
Ông cũng cho biết, thông tin hòa đàm về Ukraine sẽ diễn ra trong tháng 7 là sai sự thật.
Hồi cuối tháng 6, truyền thông Đức đưa tin, các nhà ngoại giao phương Tây và đại diện các nước gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã họp kín tại Copenhagen để bàn về cuộc xung đột ở Ukraine. Cuộc gặp cấp cao trên được coi là một bước tiến quan trọng nhằm tiến tới hòa đàm chấm dứt xung đột ở Ukraine và có thể được tiến hành sớm nhất vào tháng 7.
T.P