Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHoan nghênh để làm gì?

Hoan nghênh để làm gì?

Lại những tràng pháo tay tẻ nhạt. Lại hoan nghênh và hi vọng. Ấy là câu chuyện về việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc lại chuẩn bị thảo luận tiếp về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.

Nói với nhau vậy thôi, nhưng các vị ngoại trưởng ASEAN thì đã chán ngấy chuyện này. Họ ghé tai nhau: Hoan nghênh để làm gì, khi mà những điều kiện Trung Quốc đưa ra sẽ không bao giờ thực hiện được. Nói như ca dao Việt Nam, “bao giờ trạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước” thì mới đẻ ra được Bộ “Quy tắc ứng xử” có những yêu cầu thậm vô lí này.

Chẳng ai còn lạ, quá trình đàm phán về COC ở Biển Đông đã bị đình trệ từ lâu. Nó bị hoãn hết năm này qua năm khác. Những năm 2020-2021 thì còn đổ riệt cho đại dịch Covid-19, nhưng bây giờ thì dịch đã tan, mà tiến độ đàm phán vẫn không nhúc nhích.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Jakarta, Indonesia, hôm 13/7, truyền thông châu Á lại dóng dả đưa tin việc thảo luận về COC sẽ được nối lại vào tháng 8/2023. Các nước ASEAN và Trung Quốc xác nhận đã “hoàn tất vòng đọc văn kiện lần thứ hai và thông qua tài liệu hướng dẫn đẩy nhanh quá trình đàm phán”.

Thật rõ chán cho cái tin lãng xẹt, “hoàn tất vòng đọc văn kiện” thì có gì đáng thông tin? Còn nữa, tin cho biết thêm, đại diện ngoại giao của Trung Quốc trong cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam kêu gọi hai bên “nỗ lực nhiều hơn” để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng thông báo rằng, ASEAN-Trung Quốc đã thông qua “Hướng dẫn” thúc đẩy COC. Bắc Kinh coi đây là sự mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo, với mong muốn sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc hiệu quả, thực chất, có tính ràng buộc.

Lại là luận điệu cũ rích. Nghe đến cụm từ “sớm hoàn tất” thì đại diện các nước trong khu vực đều tỏ ra vô cùng chán nản, bởi quá trình đàm phán kéo dài đến nay đã 21 năm. Nội dung chính của COC là văn bản mà ASEAN đàm phán với Trung Quốc nhằm hướng tới xây dựng các quy tắc mang tính ràng buộc trên Biển Đông.

Đương nhiên, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia buộc phải uốn lưỡi nhiều lần cho nó …xuôi tai, rồi ra sang năm đến phần việc của người khác. Bà Retno Marsudi – Ngoại trưởng Indonesia – nói rằng, đây là bước tiến, là cột mốc quan trọng và là một thành tựu “cần tiếp tục tạo động lực tích cực” cho mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và ASEAN.

Trùm ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói: “Trung Quốc hoan nghênh việc kết thúc thành công vòng đọc thứ hai của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông và ủng hộ tất cả các bên trong việc đẩy nhanh việc hình thành các hướng dẫn, với hy vọng rằng các hướng dẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng”.

Mặc cho ông Vương và bà Retno Marsudi ca ngợi, giới quan sát lắc đầu ngao ngán. Họ thừa hiểu Trung Quốc không thật lòng, bởi bao năm nay họ vẫn luôn hứa như thế trong các cuộc gặp ngoại giao. Liệu Bắc Kinh nói “sớm” là bao lâu? Một năm, hai năm, 5 năm, hoặc lâu hơn nữa?

Từ lâu Trung Quốc đưa ra ba điểm trong bản nháp COC. Ba điểm này thậm vô lý, không một bên nào trong khối ASEAN có thể chấp nhận được. Một là, Trung Quốc yêu cầu không được để bên ngoài vào khai thác trong khu vực của ASEAN; hai là, các nước ASEAN phải tôn trọng và công nhận những khu vực mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ; ba là, các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không được tập trận với các nước bên ngoài khu vực mà không được sự đồng ý của tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc.

Ba điểm này không nhắc đến Mỹ, không nhắc đến “Đường lưỡi bò” nhưng ai cũng hiểu ý đồ của Trung Quốc. Tôn trọng và công nhận các khu vực mà Trung Quốc coi là lãnh thổ tức là công nhận hơn 80% diện tích Biển Đông thuộc về họ.

Vẫn là “bổn cũ chép lại”, trơ trẽn và ngang ngược, nhưng Bắc Kinh vẫn xưng xưng rằng, phấn đấu sớm hoàn thành Bộ Quy tắc quan trọng này. Trên thực tế, từ tháng 12/2022 đến nay, Trung Quốc đã gây ra rất nhiều chuyện ở Biển Đông. Trong lúc này, tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc vẫn đang lượn lờ trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Lại còn những chuyện nghiêm trọng hơn là những tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đi rất sát vào khu khai thác khí liên doanh giữa Việt Nam và Nga. Rõ ràng Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh những hoạt động thuộc về “chiến thuật vùng xám” để gây sức ép đối với Việt Nam. Và giờ đây họ lại dùng chiến thuật đó gây sức ép với cả các đối tác của Việt Nam ở ngoài vào như Nga, Nhật, Ấn Độ…

Ngoài các xung đột trên biển, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng gây ra những bất đồng giữa các nước trong khu vực. Việt Nam hồi đầu tháng 7 đã kiên quyết không cho chiếu bộ phim Barbie do Warner Bros sản xuất, vì có hình ảnh bản đồ “Đường lưỡi bò” thể hiện yêu sách vô lối của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông. Về việc này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phản pháo: “Không nên gắn vấn đề Biển Đông với các hoạt động trao đổi văn hóa”.

Như vậy đó, hoan nghênh hay tán thành chỉ là những mĩ từ quen thuộc. Nó không được coi là những động từ chỉ hành động. Ba điểm mà Trung Quốc đưa ra chắc chắn không bao giờ được các nước trong khối chấp nhận. Thế thì đọc bản nháp mà làm gì? Hoan nghênh mà làm gì?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới