Những quần thể Cây di sản tại Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ lưu dấu thời gian, mà còn là chứng tích lịch sử hào hùng của tinh thần ái quốc.
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể 79 cây cổ thụ tại huyện Côn Đảo là cây di sản, bao gồm quần thể cây bàng, cây bằng lăng và cây thị rừng.
Cụ thể, hàng chục cây bàng tuổi đời hơn 150 năm nằm trên đường Tôn Đức Thắng, đường Lê Duẩn, trong di tích trại Phú Hải, trại Phú Sơn và di tích nhà Chúa Đảo. Ngoài ra, còn có quần thể cây bằng lăng trên đường Lê Văn Việt; quần thể cây điệp phèo heo trên đường Nguyễn Huệ và quần thể cây thị rừng trong khu di tích Miếu bà Phi Yến.
Thoạt nhìn, những quần thể Cây di sản này với dấu tích độc đáo. Không chỉ sở hữu lớp da xù xì màu thời gian trên gốc, thân, cành, nhánh… mà trên phần thân gần gốc còn nổi lên nhiều bướu tạo hình lạ và bắt mắt.
Đặc biệt, điều kiện khắc nghiệt của vùng đảo giữa biển Đông đầy nắng và gió đã kiến tạo cho cây những dáng thế vô cùng độc đáo. Lúc vươn cao, lúc như rướn mình la đà trên mép biển.
Cây di sản là đề tài và “nhân vật” cho các nhà nhiếp ảnh, tạo hình… sáng tạo ra nhiều tác phẩm. Tuy nhiên, với nhiều người, Cây di sản ở Côn Đảo còn là nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử hào hừng của tinh thần ái quốc.
Theo các tài liệu lịch sử, trong những ngày đấu tranh trong nhà tù Côn Đảo, nhiều cán bộ cách mạng đã sử dụng những gốc bàng già nua, có lớp da xù xì làm nơi trao đổi thông tin, tài liệu. Thậm chí, những cây bàng trong di tích nhà tù, Cầu Tàu 914… còn là chứng nhân về những tháng ngày lao động khổ sai, những trận đòn roi tàn độc đến mức được ví như “Địa ngục trần gian” khiến hàng loạt chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng vĩnh viễn nằm xuống, hoặc mang thương tật suốt đời…
Có dịp về Côn Đảo, nhất là dịp cả nước long trọng kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27.7, du khách hãy nhìn ngắm những quần thể Cây di sản để hiểu thêm về lịch sử vùng đất, lịch sử đấu tranh cách mạng, mà thêm quý thêm yêu cuộc sống và trân trọng phút giây bình yên của đất nước độc lập…
Ở Côn Đảo, có quần thể 79 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên – môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản.
Bao gồm quần thể cây bàng trên đường Tôn Đức Thắng.
Quần thể cây bàng tại di tích trại giam Phú Hải.
Quần thể cây thị rừng trong di tích Miếu bà Phi Yến.
Cây di sản trên Côn Đảo có hình thù đa dạng.
Nhiều cây được thời giao tạo hình với những khối u bướu độc lạ
Lớp vỏ cây thị rừng được công nhận Cây di sản hằn dấu thời gian.
Cây di sản ven Cầu tàu 914 nơi có hàng trăm tù nhân bỏ mạng vì đòn roi và chế độ lao động khổ sai.
T.P