Friday, January 3, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiUNCLOS 1982: Ý NGHĨA VÀ HOẠT ĐỘNG

UNCLOS 1982: Ý NGHĨA VÀ HOẠT ĐỘNG

Ngày 10/12/2012, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 ngày ký Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS năm 1982).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Chánh án Toà án Luật Biển Shunji Yanai, Chánh án Toà án quốc tế La Hay Christopher Greenwod, Tổng Thư ký Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương N.A. Odunton, Chủ tịch Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa Lawrence Awosika, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Vuk Jeremi và các vị đại sứ, đại diện thường trực của các nước thành viên tham dự. Đại biểu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của UNCLOS năm 1982 trong đời sống quốc tế. Nhân dịp này, biendong.net xin giới thiệu với độc giả bài viết của tác giả Bình An điểm lại những gía trị nổi bật của UNCLOS năm 1982 và việc thực hiện văn kiện này ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là hai cách ứng xử khác nhau giữa ASEAN và Trung Quốc trong khi thực hiện bản Công ước này.

Hiến chương của thế giới về đại dương

Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Ban Ki Moon một lần nữa khẳng định UNCLOS năm 1982 là Hiến chương của thế giới về đại dương. Dư luận quốc tế đánh giá UNCLOS năm 1982 là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng của thế kỷ XX và chỉ đứng sau Hiến chương Liên hợp quốc. Những kết luận đó là điều không thể bàn cãi.

Trước khi UNCLOS ra đời, quy chế pháp lý các vùng biển và đáy đại dương được điều chỉnh trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Đó là Công ước năm 1958 về lãnh hải, Công ước năm 1958 về thềm lục địa, Công ước năm 1958 về biển cả và Công ước năm 1958 về đánh cá và bảo vệ tài nguyên biển. Đồng thời trật tự pháp lý quốc tế trong việc khai thác và sử dụng biển và đại dương cũng chưa được hoàn chỉnh. Năm 1958 và 1960 mặc dù Liên hợp quốc đã tổ chức hai Hội nghị về Luật Biển ở Geneva, nhưng một số vấn đề quan trọng như chiều rộng của lãnh hải, quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng biển ngoài lãnh hải cũng như quy chế đáy biển quốc tế chưa được giải quyết triệt để. Nhiều nước ủng hộ lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý, nhưng cũng có một số nước muốn duy trì chiều rộng 3 hải lý. Các nhóm nước tiếp tục tranh cãi về quy chế pháp lý của vùng biển ngoài lãnh hải của các quốc gia ven biển. Nhóm nước đang phát triển chủ trương thiết lập vùng đặc quyền kinh tế. Nhóm này cũng chủ trương vùng đáy biển quốc tế là di sản chung của nhân loại. Họ đòi hỏi chấm dứt việc tự do khai thác đáy biển quốc tế và thiết lập kỷ cương đối với hoạt động ở vùng này. Ngược lại, các nước công nghiệp phát triển chủ trương duy trì chế độ tự do trong việc khai thác đáy biển quốc tế, tương tự như việc tự do đánh cá ở vùng biển quốc tế. Bên cạnh đó, nhóm nước quốc đảo yêu cầu một số quy định đặc thù cho họ trong việc xác định đường cơ sở và các vùng biển liên quan.

alt

 

Lô gô của UNCLOS. Ảnh: Internet.

 

Để giải quyết các vấn đề đó, Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ III. Sau 16 khoá họp (10 khoá ở New York, 5 khoá ở Geneva và một khoá ở Caracas của Venezuela), Hội nghị lần III của Liên hợp quốc đã nhất trí về giải pháp cho tất cả các vấn đề nêu trên. Tại Hội nghị, các nhóm nước vừa đấu tranh, vừa hợp tác, vừa có nhân nhượng lẫn nhau. UNCLOS năm 1982 là thành quả chung của quá trình đấu tranh và hợp tác đó. So với các văn kiện pháp lý quốc tế trước đó, UNCLOS năm 1982 có những điểm mới như sau .

Một, UNCLOS năm 1982 đã hệ thống hoá và pháp điển hoá các quy phạm và nguyên tắc của luật biển quốc tế vào trong một văn kiện chung với 320 điều và 9 phụ lục. UNCLOS 1982 đã thay thế cho cả 4 Công ước năm 1958 liên quan các vùng biển.

Hai, UNCLOS năm đã điều chỉnh một cách toàn diện và hệ thống tất cả các vùng biển của các quốc gia ven biển cũng như các vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế. Công ước quy định rõ các quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn đốii với hai vùng biển là nội thuỷ và lãnh hải; có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với hai vùng biển khác là thềm lục địa tối thiếu 200 hải lý, tối đa 350 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. So với trước, UNCLOS đã mở rộng các vùng biển của các quốc gia ven biển.

Ba, UNCLOS năm đã lập ra hai chế độ pháp lý khác nhau cho vùng biển quốc tế (tức là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển) và đáy biển quốc tế (phần đáy biển nằm ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển): ở vùng biển quốc tế vẫn duy trì chế độ tự do đánh cá và khai thác các nguồn lợi thiên nhiên, còn ở đáy biển quốc tế việc khai thác các nguồn lợi phải được một tổ chức quốc tế cấp phép.

Bốn, UNCLOS năm 1982 dành nhiều điều khoản để điều chỉnh khía cạnh bảo vệ , gìn giữ môi trường biển (các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế, hợp tác khu vực và thế giới v.v…) và nghiên cứu khoa học biển vì mục đích hoà bình cũng như việc phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển.

Năm, UNCLOS năm đacự biệt coi trọng khía cạnh giải quyết các tranh chấp liên quan biển và đại dương. Cả bốn Công ước Geneva năm 1958 liên quan đến biển đều không quy định cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Còn UNCLOS năm 1982 quy định rõ cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc: không được sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, chỉ được sử dụng các biện pháp hoà bình, được tự do lựa chọn đưa các tranh chấp ra các cơ chế khác nhau như trung gian, hoà giải, trọngj tài, Toà án quốc tế v.v..

Sáu, UNCLOS năm 1982 giải quyết thoả đáng quan tâm của các nhóm nước khác nhau. Trong khi mở rộng vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển thì UNCLOS cũng đã đáp ứng quan tâm và lợi ích của các quốc gia khác. Cụ thể là tàu bè, kể cả tàu chiến, của các quốc gia khác được quyền đi qua vô hại (innocent passage) qua lãnh hải của các quốc gia ven biển mà không cần phải xin phép hoặc thông báo trước. Công ước duy trì quyền tự do hàng hải và tự do hàng không cho mọi tàu bè và máy bay của các quốc gia khác ở vùng đặc quyền kinh tế và bầu trời trên vùng đặc quyền kinh tế. Công ước cũng duy trì quyền quá cảnh (transit rights) của mọi tàu bè khi đi qua các eo biển quốc tế nằm trong lãnh hải của quốc gia ven biển. Ngoài ra, xét đặc thù của các quốc gia quần đảo, UNCLOS thiếp lập quy chế quốc gia quần đảo và đường cơ sở quốc gia quần đảo.

Bảy, UNCLOS năm 1982 lập ra một loạt cơ chế quốc tế để bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy phạm và nguyên tắc của Công ước. Đó là Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển, Toà án Luật Biển với 21 thẩm phán (trụ sở ở Humbur (Đức), Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương (trụ sở ở Kingston của quốc đảo nhỏ bé Jamaica) và Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa tại New York.

Châu Á và UNCLOS năm 1982

UNCLOS năm 1982 bắt đầu có hiệu lực từ năm 1996. Đến ngày 10/12/2012 có 163 quốc gia và Cộng đồng Châu Âu trở thành thành viên của Công ước. Trong số 5 cường quốc thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì 4 cường quốc đã trở thành thành viên của UNCLOS: Pháp, Nga, Anh và Trung Quốc. Do nội bộ còn có ý kiến khác nhau, nên đến nay Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước.

Để thực thi các khía cạnh khác nhau của UNCLOS năm 1982, thời gian qua cộng đồng quốc tế cũng đã ký Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về các loài cá lưỡng cư và di trú xa. Cho đến nay, Hiệp định năm 1994 có 143 thành viên và Hiệp định năm 1995 có 80 thành viên. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm ký Công ước về Luật Biển, Chánh án Toà án Luật Biển cho biết 47 nước thành viên đã ra tuyên bố thông báo lựa chọn về các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS, trong đó 34 quốc gia lựa chọn Toà án Luật Biển. Còn Chủ tịch Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa cho biết đến nay đã có 61 Báo cáo về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý được trình cho Uỷ ban này xem xét.

Trong quá trình Hội nghị Luật Biển lần III, các quốc gia châu Á đã có đóng góp rất to lớn. Hai Chủ tịch của Hội nghị này đều là đại diện của Châu Á. Đó là ông Hamilton Shirly Anerasinghe người SriLan ca và ông Tommy Koh người Singapore. Các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đi tiên phong trong việc đưa UNCLOS vào cuộc sống. Quốc đảo nhỏ bé Figi trở thành quốc gia thành viên của UNCLOS vào ngày văn kiện được mở ra để ký. Đến nay đã có 40 quốc gia châu Á trở thành thành viên của UNCLOS. Điều đáng nhấn mạnh là không chỉ các quốc gia ven biển ở châu Á mà cả những quốc gia không có biển như Lào và Mông Cổ cũng tích cực phê chuẩn Công ước.

Sau khi UNCLOS có hiệu lực, các quốc gia châu Á tiếp tục tiên phong trong việc thực thi các quy định của UNCLOS. Đại sứ Indonesia Hasim Jalan được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương. Đại sứ của Figi – ông Nandal được bầu làm Tổng Thư ký đầu tiên của Cơ quan này. Việt Nam cũng đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch của Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực. Các nước Châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, cũng là những nước tích cực nhất khi thảo luận các đề mục Luật Biển tại các cơ quan của Liên hợp quốc.

Thời gian qua, tình hình Biển Đông càng ngày càng trở nên phức tạp. Chủ quyền biển, đảo của nhiều nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Philippines. Malaysia, Indonesia và Brunei bị Trung Quốc xâm hại nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN tiếp tục kiên trì lập trường tuân thủ các quy phạm và nguyên tắc của UNCLOS năm 1982. Khi thông qua các văn bản nội luật về biển, các nước ASEAN đều cố gắng để các quy định nội luật của mình phù hợp với các quy định của UNCLOS năm 1982. Các nước ASEAN tăng cường các nỗ lực song phương và đa phương nhằm duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số bãi đá san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, các nước ASEAN đã ra Tuyên bố năm 1992 về Biển Đông. Nhóm nước ASEAN cũng chủ động đề xuất để ký kết Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông và Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC năm 2007. Căn cứ mục tiêu đã nêu trong Tuyên bố DOC năm 2002, vừa qua ASEAN đã cố gắng khẩn trương thống nhất các nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biên Đông để thương thảo với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là thành viên của UNCLOS năm 1982. Là một cường quốc, nên các đại diện của Trung Quốc được bầu làm thẩm phán Toà án Luật Biển quốc tế và Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa. Trong phát biểu tại các diễn đàn khác nhau, đại diện các cấp của nước này luôn thề thốt Trung Quốc ủng hộ và tuân thủ UNCLOS cũng như DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế các hành động của Trung Quốc đã và đang chà đạp lên các nguyên tắc và quy phạm của UNCLOS. Trung Quốc vi phạm trắng trợn các cam kết của họ theo UNCLOS và làm cho tình hình Biển Đông càng ngày càng căng thẳng hơn.

Tháng 5/2009, Trung Quốc lần đầu tiên công bố ra quốc tế yêu sách đường lưỡi bò phi lý ở Biển Đông. Với yêu sách này, Trưng Quốc đã đòi một phần rất lớn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Phillippines, Indonesia, Malaysia và Brunei là vùng biển của Trung Quốc. Lợi dụng ưu thế về tiềm lực, Trung Quốc liên tục sử dụng vũ lực, bắt nạt, chèn ép các nước láng giềng, làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng hơn. Tháng 4/2011 Trung Quốc cho tàu cản trở các hoạt động thăm dò dầu khí của Philippines trong thềm lục địa nước này. Cuối tháng 5/2010, Trung Quốc ngang ngược sử dụng vũ lực cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 trong vùng thềm lục địa Việt Nam (vị trí cắt cáp chỉ cách bờ biển Việt Nam 116 hải lý). Đầu tháng 6/2011, Trung Quốc đổi chiến thuật, cho tàu cá tìm cách cắt cáp của tàu thăm dò Viking II cũng ngay trong thềm lục địa Việt Nam.

Tháng 4/2012, Trung Quốc cho tàu vào đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Sau đó họ đưa hàng chục tàu chiến xuống khu vực tranh chấp đe doạ Philippines. Cuối tháng 6/2012, Trung Quốc ngang ngược mời các công ty nước ngoài đấu thầu thăm dò dầu khí ở 9 lô trong phạm vi thềm lục địa 2009 hải lý của Việt Nam. Tiếp đó họ tuyên bố lập cái gọi là thành phố Tam Sa với phạm vi bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cuối tháng 11/2012, Trung Quốc lại cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ở khu vực phía Nam đảo Cồn Cỏ của Việt Nam. Ngày 1/12/2012 trong khi Lý Kiến Quốc, Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCS và là Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đang thăm Hà Nội thì Trung Quốc đã cho tàu cướp hơn một tấn cá của tàu QNg 90133 của ngư dân Huỳnh Quang Vũ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tại vùng biển Hoàng Sa và ném toàn bộ lưới, dàn câu của tàu này xuống biển.

Điều làm cho dư luận phẫn nộ là Trung Quốc xâm phạm các vùng biển hoàn toàn thuộc các nước ASEAN theo UNCLOS, nhưng lại đòi các nước này không được khai thác các vùng biển đó. Trung Quốc không ngần ngại chỉ đạo cho bộ máy tuyên truyền vu cáo Việt Nam, Philippines cướp đoạt tài nguyên trong vùng biển của Trung Quốc. Trung Quốc cũng áp dụng chính sách hai mặt trong khi giải thích các quy định của UNCLOS năm 1982. Chẳng hạn, họ tự ý vẽ đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Không phải là quốc gia quần đảo nhưng họ laịo áp dụng phương pháp đường cơ sở quốc gia quần đảo. Hoặc làhọ bác bỏ việc Nhật Bản áp dụng quy chế đảo cho các đảo đá san hô, nhưng họ lại cho rằng các đảo đá san hô ở Biển Đông có quy chế đảo.

Là bên ký Tuyên bố DOC năm 2002, nhưng Trung Quốc không tuân thủ các cam kết theo Tuyên bố này và từ chối thương thảo với ASEAN về COC. Bên cạnh đó, Trung Quốc dùng tiền bạc mua chuộc Cambodia cản trở ASEAN thảo luận các vấn đề liên quan Biển Đông cũng như việc thực hiện DOC. Không chỉ các nước ASEAN và các nước trong khu vực mà cả thế giới đang bất bình với cách Trung Quốc “thực thi” UNCLOS.

                       Bình An

RELATED ARTICLES

Tin mới