Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHệ lụy sau khi Nga rời thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Hệ lụy sau khi Nga rời thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm có thể trở nên bất ổn sau khi Nga không gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen, nhiều nước đang chạy đua tìm kiếm giải pháp thay thế.

Nông dân Ukraine thu hoạch lúa mì ở cánh đồng thuộc tỉnh Mykolaiv hôm 4.7.

Rạng sáng qua (18.7), Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian chính thức hết hạn. Đây là thỏa thuận cho phép Ukraine vẫn có thể xuất khẩu ngũ cốc bất chấp chiến sự với Nga. Trong lúc các bên kêu gọi Nga quay lại thỏa thuận, nhiều nước đang tìm kiếm giải pháp thay thế.

Biển Đen không còn an toàn?
Hãng TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 17.7 thông báo Nga không gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với lý do các bên đã không thực thi những điều khoản của Nga vào thời điểm ký kết thỏa thuận. “Ngay khi các điều khoản của Nga được đáp ứng, thỏa thuận này sẽ lập tức được khôi phục”, ông Peskov khẳng định.

Trước đó, Nga liên tục than phiền rằng việc thực thi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sau nhiều tháng chỉ nghiêng về hướng có lợi cho Ukraine. Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc mục đích chủ yếu của thỏa thuận là cung cấp lương thực cho các nước cần đến đã không được thực thi. Bên cạnh đó, các lệnh cấm vận của phương Tây đã cản trở hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Nga.

Ông Putin muốn phương Tây chấm dứt cấm vận đối với Ngân hàng Nông nghiệp Nga để tạo điều kiện cho Nga xuất khẩu nông sản. Những yêu cầu khác của Nga bao gồm nối lại hoạt động nhập khẩu máy móc nông nghiệp và phụ kiện, chấm dứt việc phong tỏa tài sản và tài khoản ngân hàng của các công ty Nga tham gia xuất khẩu thực phẩm và phân bón…

Với việc rút khỏi thỏa thuận, Bộ Ngoại giao Nga thông báo chính quyền Moscow không còn đảm bảo an ninh cho hoạt động hàng hải ở Biển Đen. Còn theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, động thái trên của Nga cũng đồng nghĩa thỏa thuận hỗ trợ Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón đã không còn có hiệu lực.

Hôm qua, Nga bác bỏ mọi cáo buộc của phương Tây rằng nước này đang dùng lương thực làm “con tin”. Điện Kremlin khẳng định Nga hoàn tất mọi nghĩa vụ trong lúc tham gia thỏa thuận, và đã đến lúc Nga phải được đối xử công bằng, theo Sputnik News. Nga còn tố cáo Ukraine lợi dụng hành lang ngũ cốc “cho các hoạt động chiến sự”. Kyiv chưa bình luận về cáo buộc này.

Nỗ lực tìm giải pháp
LHQ cảnh báo sự sụp đổ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể đẩy nhiều vùng của thế giới vào tình trạng thiếu lương thực. Reuters dẫn số liệu của LHQ cho thấy kể từ sáng kiến khởi động vào tháng 8 năm ngoái, Ukraine đã xuất khẩu tổng cộng 32,8 triệu tấn ngũ cốc và những mặt hàng nông sản khác. Trong số này, Chương trình Lương thực thế giới đã cung cấp hơn 725.000 tấn hỗ trợ các sứ mệnh nhân đạo ở Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Yemen.

Sau khi Nga không tiếp tục gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Moscow ký thỏa thuận với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải trực tiếp với chính quyền Kyiv, theo Reuters. Ukraine lại ký thỏa thuận với hai nhà trung gian trên vì thế Kyiv sẵn sàng tiếp tục cho tàu chở ngũ cốc rời cảng nếu LHQ và Ankara nhất trí.

Tuy nhiên, tờ Politico dẫn lời một quan chức Ukraine giấu tên thừa nhận hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẵn lòng điều động các tàu hải quân của nước này để duy trì an ninh cho tuyến hàng hải từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen nếu không có sự đồng ý của Nga.

Phương Tây cũng hy vọng Trung Quốc có thể thuyết phục Nga quay lại thỏa thuận. Song song đó, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cho hay Ý và các đối tác quốc tế đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Báo Il Globo dẫn lời ông Tajani cho biết vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận nhằm tìm kiếm giải pháp tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực được tổ chức tại Rome ngày 24.7 tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới