Một khi lực lượng hải quân ngoại bang triển khai từ trên biển thì về mặt địa hình, Việt Nam như “dưa hấu gặp dao sắc”, có thể bị tấn công.
Ngày 18/4, Mã Hiểu, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế – Sự vụ quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải viết bài bình luận trên website Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (news.cri.cn) vu cáo, Nhật Bản lần đầu tiên cho chiến hạm cập cảng Cam Ranh, Việt Nam là nhằm “kiềm chế” Trung Quốc.
Cảng Cam Ranh trong mắt học giả diều hâu Trung Quốc
Biển Đông trở thành tâm điểm chú ý của dư luận bởi hành động phiêu lưu, leo thang quân sự hóa của Bắc Kinh. Tuy nhiên Mã Hiểu cáo buộc chiến lược Hoa Kỳ quay trở lại châu Á là “thủ phạm” làm Biển Đông căng thẳng. Học giả Trung Quốc này cho rằng, việc 2 tàu khu trục Nhật Bản cập cảng Cam Ranh, Việt Nam càng làm cho Biển Đông nóng hơn trong mắt dư luận quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani được Mã Hiểu dẫn lời nhận xét: “Cảng Cam Ranh xét về tầm quan trọng địa chính trị có giá trị rất lớn, rất hữu ích cho chiến hạm các nước ghé vào sử dụng các dịch vụ hậu cần quân sự, cung cấp các nhu cầu thiết yếu.” Ông mong muốn tới đây tàu quân sự Nhật Bản có thể ghé Cam Ranh sử dụng dịch vụ thường xuyên hơn.
Một quan chức chính phủ Nhật giấu tên cũng được Mã Hiểu dẫn lời bình luận, lần cập cảng Cam Ranh này của 2 tàu khu trục Nhật Bản vừa có ý nghĩa chiến lược, vừa mang tính bước ngoặt lịch sử. Mã Hiểu bình luận: “Lần cập cảng Cam Ranh lần này của tàu Nhật Bản thực sự có tính chiến lược và tầm vóc lịch sử.
Nó có thể ảnh hưởng một cách tinh tế đến cục diện Biển Đông trong tương lai. Người viết cho rằng, việc 2 tàu khu trục Nhật Bản cập cảng Cam Ranh là một động thái cho thấy Nhật Bản, Việt Nam và Hoa Kỳ đang nhắm vào Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Đối với Việt Nam mà nói, ý nghĩa của việc chiến hạm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh càng quan trọng hơn. Là một quốc gia có lãnh thổ trải dài và hẹp dọc theo bán đảo Đông Dương, Biển Đông với Việt Nam có ý nghĩa trọng đại liên hệ đến sự tồn vong, vừa là túi tiền, vừa là phên giậu.
Nguồn tài nguyên dầu khí dự trữ trong lòng Biển Đông rất phong phú, tương truyền đạt 50 tỉ tấn và có thể được xem như “vịnh Ba Tư thứ hai”. Hiện tại trị giá dầu khí Việt Nam khai thác ở khu vực quần đảo Trường Sa (thực tế là thềm lục địa phía Nam Việt Nam) đã vượt 25 tỉ USD và vẫn còn đang tiếp tục tăng trưởng, cho nên Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong các bên tranh chấp ở Biển Đông.
Do đó có thể nói Biển Đông là túi tiền của Việt Nam.”
Thừa nhận kẻ thù xâm lược Việt Nam chủ yếu đến từ phương Bắc, Biển Đông là phên giậu của Việt Nam
Mã Hiểu bình luận: “Tuy nhiên ý nghĩa của Biển Đông đối với Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó. Theo chuyên gia hàng hải Nghê Lạc Hùng, đối với Việt Nam mà nói, kẻ thù xâm lược từ xưa đến nay đều xâm nhập từ miền sơn cước trên lãnh thổ đất liền.
Bởi vậy với địa bàn rừng núi phía Bắc Việt Nam bao lấy vùng đồng bằng vừa hẹp vừa nhỏ, các hoạt động bổ sung năng lực hậu cần vô cùng khó khăn, khó triển khai liên tục. Một khi lực lượng hải quân ngoại bang triển khai từ trên biển thì về mặt địa hình, Việt Nam như “dưa hấu gặp dao sắc”, có thể bị tấn công đổ bộ từ bất kỳ địa điểm nào dọc theo đường bờ biển đất liền.
Miền Bắc Việt Nam tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc nên sẽ nhanh chóng rơi vào thế bị bao vây, cô lập, từ đó mà làm thay đổi cái thế về mặt quân sự hàng trăm năm nay. Nói cách khác, nếu Việt Nam để mất quyền kiểm soát Biển Đông thì bố trí quân sự của Việt Nam ở miền Bắc mất hẳn chỗ dựa, đầu đuôi khó ứng cứu cho nhau.”
Người viết cho rằng, những lời thốt ra từ miệng từ 2 học giả Trung Quốc, Mã Hiểu và Nghê Lạc Hùng nêu trên đã nói trắng sự thật trần trụi về nguy cơ Việt Nam bị xâm lược “từ biên giới trên đất liền, địa bàn rừng núi”, và nay là từ trên bất kỳ điểm nào dọc chiều dài bờ biển của đất nước.
Mặc dù với hàng ngàn năm chống bành trướng và xâm lược phương Bắc khiến dân tộc Việt Nam không lúc nào mất cảnh giác trước tham vọng bá quyền và nguy cơ xâm lược, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên học giả Trung Quốc, truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai trắng trợn bàn tới điều này kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Nhưng cũng phải cảm ơn CRI và Mã Hiểu, Nghê Lạc Hùng vì càng giúp người Việt Nam hiểu rõ hơn thế nào là “đại cục – tiểu cục”.
Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần cảnh giác cao độ và khí thiêng sông núi Việt Nam sẽ giúp dân tộc này, đất nước này giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đánh bại bất kỳ lực lượng nào cướp nước và bán nước, dù chúng có mạnh tới đâu.
Bóp méo trắng trợn trận Gạc Ma, đe dọa Việt Nam về quân sự
Mã Hiểu bịa đặt trắng trợn rằng: “Thế cho nên trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam tự nhiên bất chấp sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế dám cứng đầu với Trung Quốc. Trận Gạc Ma năm 1988, Trung Quốc chỉ bị thương một người mà bắn chết hàng trăm người lính hải quân Việt Nam, bắn chìm 2 tàu và bắn trọng thương 1 tàu hải quân (bao gồm tàu 505 có trọng tải lớn nhất của Hải quân Việt Nam thời bấy giờ).
Thừa thế chiếm được Gạc Ma, Trung Quốc chiếm luôn Chữ Thập, lập nên kỳ tích trong lịch sử hải quân thế giới với tổn thất bằng không. Sức chiến đấu của hải quân Trung Quốc làm cho Việt Nam run sợ.
20 năm đã trôi qua, sức chiến đấu của hải quân Trung Quốc đã có bước tiến nhảy vọt so với năm xưa (1988), ưu thế ngày càng rõ rệt, sớm trở thành lực lượng hải quân mạnh thứ 2 thế giới. Việt Nam thừa hiểu một mình chống lại Trung Quốc khó bề thắng lợi, bèn lôi kéo Nhật Bản cùng “hợp xướng” nhằm vào Trung Quốc trên biển, đó là lựa chọn phù hợp với logic của họ (Việt Nam).”
Đọc những dòng này, con Lạc cháu Hồng không ai không căm phẫn trước miệng lưỡi rắn độc của Mã Hiểu. Nhưng thôi, tranh luận với những kẻ như Mã Hiểu quả thực phí lời. Có điều vẫn phải dẫn ra đây những lời ngông cuồng, hỗn xược đầy chất côn đồ, hăm dọa để tự nó vạch trần bản chất cái gọi là “đại cục – tiểu cục” mà lãnh đạo Trung Quốc đang ca tụng trong quan hệ với Việt Nam.
Mã Hiểu viết tiếp: “Đương nhiên, hợp tác Nhật – Việt trong vấn đề Biển Đông không tách rời cái gật đầu thừa nhận của Hoa Kỳ. Mỹ ngày càng nhằm vào Trung Quốc trên Biển Đông và sớm từ bỏ lập trường không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp, bắt đầu tuần tra cùng Philippines.
Lính Trung Quốc, hình minh họa: baidu.com. |
Thông qua hợp tác Nhật – Việt để kiềm chế Trung Quốc, làm Bắc Kinh giữ cái này thì mất cái kia, cô lập Trung Quốc từng bước là chiến lược đã được Mỹ xác định. Do đó có thể thấy, việc chiến hạm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh là sản phẩm của việc Nhật – Việt – Mỹ bắt tay nhau kiềm chế Trung Quốc.
Có thể dự đoán, trong tương lai những chiến hạm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh sẽ ngày càng lớn, số lần cập cảng ngày càng tăng. Ngoài ra việc tàu ngầm Nhật Bản, máy bay trinh sát săn ngầm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh cũng không phải là điều không thể.
Ngoài ra cũng không thể loại trừ khả năng chiến hạm Mỹ, thậm chí là cụm tàu sân bay của Hoa Kỳ sẽ cập cảng Cam Ranh. Do đó người viết muốn hỏi, thực sự thì ai mới là kẻ đang quân sự hóa Biển Đông?”
Nếu như đây chỉ là lời lẽ của một kẻ vô danh tiểu tốt chỉ biết chửi đổng, bịa đặt trên mạng internet ở Trung Quốc do chính sách tuyên truyền sai trái, bịa đặt về lịch sử của các nhà cầm quyền Bắc Kinh thì người viết chẳng cần phải bận tâm.
Nhưng đó là một học giả tại vị trong một cơ quan nghiên cứu nhà nước Trung Quốc, đăng tải công khai trên website Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc thì quả thực không thể làm ngơ.