Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề con bài Troll của TQ

Về con bài Troll của TQ

Từ đầu năm 2023, chính xác hơn là từ tháng 2, Trung Quốc đưa ra “Sáng kiến an ninh toàn cầu”. Thật ra, cái gọi là “sáng kiến” này không có gì mới mẻ. Nó chỉ nhằm thể hiện vai trò an ninh ngày càng tăng của nước này đối với trật tự quốc tế.

Vào ngày 21/2, Trung Quốc công bố một tài liệu về sáng kiến đặc biệt này tại Diễn đàn Lanting về “Sáng kiến An ninh toàn cầu” (GSI), tổ chức tại Bắc Kinh. Tại đây, ông Tần Cương, Ngoại trưởng Trung Quốc, cao giọng tuyên bố về tầm nhìn an ninh chung, về sự hợp tác toàn diện và bền vững. Các quốc gia cần kiên định ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh và đối thoại thay vì đối đầu; hợp tác chặt chẽ thay vì liên minh, dựa chắc trên sở đôi bên cùng có lợi.

Bản tài liệu do ông Tần trình bày nêu lên “Sáu cam kết đối ngoại”. Bắc Kinh xác định các lĩnh vực hợp tác và ưu tiên trong quá trình hợp tác quốc tế, cụ thể là hệ thống Liên hợp quốc và các nền tảng đa phương mà Trung Quốc đang hợp tác có hiệu quả.

Cái gọi là sáng kiến an ninh của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng là những điều đã nói đến từ cuối thé kỷ XX. Trung Quốc đã đưa ra các sáng kiến như Khái niệm An ninh Mới từ những năm 1990 và bắt đầu thâm nhập một cách có chọn lọc đến từng quốc gia Đông Nam Á vào những năm 2000 và đầu những năm 2010.

Có thể kể đến việc ký kết hiệp ước quốc phòng giữa Trung Quốc với Malaysia vào năm 2005. Các cuộc tuần tra chung Mekong cũng bắt đầu vào năm 2011.

Tuy nhiên, Sáng kiến này chỉ được coi là chính thức vào tháng 4/2022. Trung Quốc đã coi đây là giải pháp để ngăn chặn xung đột và thúc đẩy sự ổn định trong bối cảnh những thách thức đặt ra bởi đại dịch Covid-19, cùng những tranh chấp địa chính trị ngày càng nghiêm trọng. GSI được Trung Nam Hải lấy làm đối trọng với trật tự dựa trên luật lệ mà Phương Tây đã xây dựng nên từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Buổi ban đầu, GSI còn khá mơ hồ. Mặc dù đề xuất một loạt khuôn khổ ấn tượng, làm cho các nước Đông Nam Á lấy làm tin tưởng về một giải pháp tích cực cho hòa bình, thế nhưng sự thật thì khác xa những lời nói hoa mĩ.

Trong khu vực Đông Nam Á, các tác động của GSI sẽ không có gì đáng kể. Nó sẽ chỉ là một thứ lí thuyết suông, bởi vì: thứ nhất, GSI bỏ qua một thực tế, Trung Quốc là nguồn gốc chính của các vấn đề an ninh phi truyền thống đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á; thứ hai, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia như Philippines, Việt Nam, Indonesia; thứ ba, cạnh tranh tàn bạo về nguồn cá, tài nguyên thiên nhiên và các lĩnh vực hàng hải xảy ra liên tục giữa một số quốc gia ASEAN, nhưng Trung Quốc không góp sức ổn định mà còn làm trầm trọng thêm tình hình ở những vùng biển này.

Thời gian qua, Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác đã tăng cường ngân sách quốc phòng để bảo vệ các vùng biển của họ. Indonesia đã tăng cường hiện đại hóa các hạm đội của mình và ký kết các Biên bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải, trao đổi và giao lưu nhân dân với Mỹ.

Một vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là, Trung Quốc chính là nguồn gốc của nhiều vấn đề phức tạp về an ninh đối với các nước ASEAN. Đặc biệt là sự gia tăng của những kẻ “troll” (tức là những kẻ chuyên tung tin giả trên mạng). Nguyên gốc, từ troll trong tiếng Anh có nghĩa người khổng lồ độc ác. Mục đích của troll là can thiệp vào các cuộc bầu cử của các quốc gia ASEAN để cài cắm, chia rẽ nội bộ.

Đội quân troll mạng đã xuất hiện trong không gian mạng ở Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Theo một số nhà phân tích, việc triển khai “đội quân troll” nhằm tung ra thông tin sai lệch về chính trị toàn cầu và trong khu vực Đông Nam Á, trước hết là phục vụ ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.

Theo sau troll là nhiều tệ nạn nhức nhối khác như cờ bạc trực tuyến và lừa đảo tiền điện tử, lừa đảo, buôn người, sử dụng nhiều lao động cưỡng bức là công dân ASEAN. Trong số đó, nhiều nhà đầu tư và công ty là của Trung Quốc.

Các công ty cờ bạc trực tuyến Trung Quốc đã đến hoạt động tại Philippines và Campuchia, mang theo hàng trăm nghìn công nhân Trung Quốc. Cùng với đó là các ngành công nghiệp liên quan và cả các lĩnh vực “chợ đen”. Những người lừa đảo là các công dân khu vực Đông Nam Á, như Việt Nam, Indonesia và Philippines. Ở Việt Nam mới đây đã công bố phim phóng sự “Bẫy” được giải cao tại liên hoan truyền hình nói về thực trạng kinh hoàng này.

Cùng với những âm mưu thâm độc, lâu dài nhằm thôn tính Biển Đông, Trung Quốc không từ một thủ đoạn nào để ép các quốc gia yếu thế trong khu vực phải quy phục. Cái “sáng kiến” GSI, kéo theo nhiều chiêu trò gian dối, chỉ có Trung Quốc tung ra và tự họ ngợi ca. Trung Quốc trước sau chỉ muốn thay đổi trật tự thế giới hiện tại để phù hợp với “giấc mơ Trung Hoa” của họ mà thôi.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới